Thời gian gần đây, một số địa phương tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng đã nổi lên như những địa chỉ có cách làm hay trong việc xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững cho nông dân. Một trong những cách đó là hình thành nên các Câu lạc bộ, hoặc Tổ hợp tác Khuyến nông, với nội dung hoạt động nổi bật đó là góp vốn xoay vòng để giúp bà con nghèo có vốn làm ăn.

Một trong những địa phương đó là xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng –  nơi có nhiều thành tựu về việc thành lập các tổ, nhóm hùn vốn giúp nhau thoát nghèo.

 

Gia đình bà Lý Thị Bện, thuộc Tổ hợp tác số 9, ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ có 2 công hẹ . Đều đặn, cứ cách một ngày là có thu hoạch một lần, gia đình bà thu được vài trăm ngàn đồng, bỏ chi phí còn thu lãi khoảng 100.000 đồng. Đó là chưa kể đến số tiền lãi vài triệu đồng mỗi tháng từ một con bò sữa trị giá gần 40 triệu đồng của gia đình. Với nguồn thu này, năm 2011 vừa qua gia đình bà đã được công nhận thoát nghèo. Đó là điều mà cả chục thành viên trong gia đình bà luôn phấn đấu mấy chục năm qua. Bà Bện cho biết, bà đổi đời được là nhờ vào Tổ hợp tác, để được giúp vốn, giúp bò.

Tương tự như vậy có gia đình chị Mai Thị Kim Liên. Xin vào tổ hợp tác từ năm 2004, gia đình chị được 6 lần vay vốn. Nhờ có đồng vốn kịp thời, thủ tục dễ dàng, chị có điều kiện đầu tư làm ruộng, trồng rẫy, trồng cỏ nuôi bò sữa. Gia đình chị trở nên khá giả, cất được nhà cửa khá khang trang.

Với trên 97% hộ dân là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nông nghiệp chủ yếu dựa vào canh tác lúa, và thu nhập bình quân đầu người thấp, Phú Mỹ được xem là xã dân tộc nghèo của huyện Mỹ Tú. Cũng như nhiều địa phương khác, chính quyền và ngành chức năng ở đây cũng triển khai nhiều chương trình hành động nhằm tiến tới nâng cao đời sống ở nông thôn, xóa nghèo nhanh và bền vững cho bà con nông dân. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, cùng với việc chuyển giao những tiến bộ KTHT, địa phương còn đẩy mạnh việc hướng dẫn nông dân ứng dụng những mô hình sản xuất mới, như chăn nuôi heo, chăn nuôi bò, chuyên màu, hoặc đưa cây màu xuống ruộng,… Các mô hình đều phát huy hiệu quả, không ít hộ có đủ điều kiện đất đai, tài chính đã làm giàu từ đó.

Còn với những hộ dân ít đất hoặc không có đất sản xuất thì đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Trước cảnh hàng ngàn hộ dân trong xã còn nằm trong diện nghèo, Phú Mỹ phải tìm cách giải quyết trong thời gian ngắn, mà hiệu quả đạt được khá cao. Điều đó cho thấy, không có nguồn sức mạnh nào bằng sức mạnh của tập thể, và việc tổ chức cho người dân vào các tổ chức Tập thể để sinh hoạt còn là điều kiện tốt để thực thi các chủ trương, chính sách của nhà nước. Năm 2003, Phú Mỹ cho thành lập 8 Câu lạc bộ khuyến nông. Các câu lạc bộ thường được thành lập theo đơn vị ấp hoặc căn cứ vào tính tương đồng về nghề nghiệp; tuy có nhiều nội dung sinh hoạt nhưng trọng tâm là góp vốn xoay vòng, hộ khá giúp hộ nghèo, hộ nghèo giúp hộ nghèo hơn. Khi mới thành lập, mỗi câu lạc bộ có nhiều nhất khoảng trên 30 hộ, mỗi người bắt buộc tiết kiệm, bắt buộc hàng tháng chỉ 20 ngàn đồng, nên số tiền cho vay hàng hàng tháng không lớn lắm, khoảng 1 triệu đồng/suất, vậy mà thành công của hình thức góp vốn này tiến xa ngoài mong đợi của bà con cũng như của lãnh đạo chính quyền địa phương. Số lượng câu lạc bộ cứ tăng dần qua các năm.

Từ 8 CLB ban đầu, đến năm 2005, số lượng Câu lạc bộ lên đến 18 và đến nay con số lên đến 24. Đồng thời, trong năm 2010, 10 CLB trong số đó được nâng lên thành THT, và được đặt tên theo thứ tự từ số 1 đến số 10. Tính tổng số thành viên tham gia các CLB và tổ hợp tác khuyến nông lên đến 837 hộ. Tuy nhiên, con số này lại càng có ý nghĩa hơn khi bà con tham gia vào đây đều lần lượt được xóa nghèo. Nếu như giai đoạn từ 2005 đến 2011, xã đã xóa được trên 300 hộ nghèo, thì đã có trên 50% số hộ trưởng thành từ những CLB và THT đã nêu.

Ngoài ra, nhờ có sổ sách ghi chép nghiêm chỉnh, có sự giám sát từ cấp trên, nên không xảy ra khiếu nại, khiếu kiện. Hàng tháng, cứ đến ngày họp theo quy định, các tổ viên mang sổ đến đóng tiền, hộ nào vay thì làm đơn. Thủ tục rất đơn giản, mà vốn lại đến tay người dân lại kịp thời, nhanh chóng.

Tuy nói là quyền lợi của các thành viên như nhau, nhưng vẫn có nguyên tắc chung là ưu tiên cấp vay cho những hộ khó khăn khẩn cấp trước, sau đó mới đến những hộ khác. Nhờ thực hiện nghiêm túc, mà các tổ duy trì hoạt động được lâu, thu hút được những dự án hỗ trợ của cấp trên như dự án Bò sữa của tỉnh đồng thời cũng tạo được tình đoàn kết giữa những thành viên với nhau.

Đối với sự giám sát của cấp trên, cũng đánh giá các THT và Câu lạc bộ hùn vốn của Phú Mỹ đều thực hiện nghiêm túc công tác cấp vay đúng mục đích.

 

Sau gần 10 năm hoạt động, nay các tổ đều có tài sản chung lên đến hàng trăm triệu đồng, số tiền và số suất cấp vay hàng tháng ngày càng được nâng lên, có tổ lên đến 10 triệu đồng/suất, từ đó các thành viên có điều kiện đầu tư cho công việc lớn hơn, cơ hội làm giàu nhanh hơn.

Hiện nay, trong số 324 hộ thành viên của các tổ hợp tác, chỉ còn 09 hộ thuộc diện nghèo. Hơn 300 hộ còn lại đang phấn đấu vươn lên khá giàu. Năm 2012,  xã Phú Mỹ đặt mục tiêu xóa nghèo cho 136 hộ. Trong đó có 9 hộ trong các Tổ hợp tác. Nếu mục tiêu này thành công, hộ nghèo trong các THT đã hoàn toàn được xóa. Kết quả này cũng giúp cho bà con nông dân ở nông thôn ý thức được rằng, có hợp tác lại mới có nhiều sức mạnh, làm ăn có tổ chức thì mới được nhà nước đầu tư dự án, từ đó mới mong đổi đời. Và rồi trong thời gian tới, việc xóa 650 hộ nghèo còn lại của xã cũng sẽ không còn là mục tiêu quá khó khăn đối với địa phương nữa. Mặc dù không phải là xã điểm thực hiện Xây dựng nông thôn mới, nhưng với kết quả đạt được từ những tổ hợp tác này, sẽ là tiền đề quan trọng để Phú Mỹ hoàn thành tốt chương trình Mục tiêu Quốc gia này trong tương lai.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *