Trong tháng 8 – 2012, xăng dầu 3 lần tăng giá và là lần  tăng giá thứ 6 kể từ đầu năm với mức tăng tổng cộng 2.650 đồng/ lít xăng. Nhiều hàng hóa bắt đầu có xu hướng tăng lên theo giá xăng dầu. Chỉ số giá tiêu dùng sau 2 tháng 6 và 7 giảm đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8. Việc tăng giá xăng dầu cùng nhiều loại hàng hóa thiết yếu khác khiến nhiều người lo ngại lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm.

 

Ngay trong tháng 8 vừa qua, xăng dầu có 3 đợt điều chỉnh tăng giá mạnh. Trước đó, hồi cuối tháng 7 giá xăng cũng đã tăng 1 lần. như vậy là chỉ trong khoảng 1 tháng, xăng đã tăng 3.050 đồng/ lít và dầu tăng 2.150 đồng/ lít. Xăng dầu tăng giá nhanh, nhiều lần nên đã tác động trực tiếp đến chi phí của nhiều ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới liên tục tăng gần đây thì tỷ lệ tăng lần cuối mới chỉ bằng 50% mức đề xuất của các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đầu mối. 

Hiện nay mỗi lít xăng người tiêu dùng phải chịu các lọai thuế và phí tương ứng 6.500 đồng. Trong đó bao gồm 12% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng, 1 ngàn đồng phí bảo vệ môi trường và 300 đồng cho quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

Có thể thấy vận tải hành khách và hàng hóa là lĩnh vực tác động trực tiếp trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. Hãng xe taxi Happy tại Vĩnh Long cũng đã điều chỉnh cước kể từ đầu tháng 9 này. Tuy nhiên, giá cước điều chỉnh chỉ tăng 500 đồng/ km, thấp hơn nhiều so với mức tăng xăng dầu 3 đợt là 2.650 đồng/ lít. 

Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 9, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn vẫn giữ mức nguyên mức cước cũ. Cho dù đợt điều chỉnh mạnh giá xăng dầu trong tháng 8 làm chi phí cho mỗi chuyến xe tăng lên. Hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp vận tải hành khách này tiêu thụ 1.500 lít dầu. Với việc tăng giá dầu 1.550 đồng/ lít như trong tháng qua thì chi phí tăng thêm của doanh nghiệp mỗi tháng 2 triệu 325 ngàn đồng.

Giá vé hành khách tuyến Vĩnh Long – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại hiện đang được các doanh nghiệp niêm yết từ 85 – 100 ngàn đồng/ vé tùy từng đơn vị, từng loại xe. Gần đây, cước vận tải hành khách có tăng nhưng chỉ là tăng bù chiều chạy rỗng trong dịp lễ quốc khánh 2/9. Sau ngày lễ này giá cước đều quay về mức cũ, các nhà xe cũng không đồng loạt tăng giá do tình hình kinh tế và thu nhập người dân chưa có sự tăng trưởng.

 

 

Tuy đợt điều chỉnh vừa qua giá dầu có tỷ lệ tăng ít hơn giá xăng nhưng đây là loại nhiên liệu phổ biến sử dụng trong sản xuất. Do vậy, cũng đã có sự điều chỉnh giá cước phí vận tải với các phương tiện sử dụng dầu diezel, như ghe tàu. Chi phí cho một chuyến ghe chở lúa cũng đã tăng thêm vài ngàn đồng so với trước.

Xăng dầu tăng giá là một trong những nguyên nhân đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng. Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 8 tăng 0,63% so tháng 7, tức tăng 10,41% so cùng kỳ năm 2011 và tăng 2,86% so với tháng 12 năm trước. Còn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước. Như vậy, sau 8 tháng chỉ số giá tiêu dùng của tỉnh tăng 1,7% và thấp hơn tỷ lệ tăng bình quân chung của cả nước. Một số nhóm, ngành hàng tăng giá so với tháng trước như: Rau quả tươi, thủy sản chế biến. Các dịch vụ, sản phẩm cho mùa tựu trường cũng tăng so tháng trước, như: may mặc, các loại văn phòng phẩm…

 Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi người tiêu dùng lo ngại khả năng nhiều loại hàng hóa lại có đợt điều chỉnh tăng giá. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản giá lại giảm như: thịt gia súc, gia cầm tươi sống, cá tra nguyên liệu. v.v…Điềun này khiến cho người tiêu dùng có sự lựa chọn kênh mua sắm hiện đại có giá bình ổn hơn hàng hóa tại các chợ. 

Tiếp theo việc xăng dầu tăng giá là xu hướng tăng giá của một số nguyên vật liệu trên thị trường thế giới mà khí hóa lỏng là một điển hình. Đầu tháng 9 này, gas đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá đến 51 ngàn đồng/ bình 12 kg. Giá bán một bình gas 12 kg từ đầu tháng 9 đã tăng từ 367 ngàn đồng lên 418 ngàn đồng/ bình. Loại 13 kg tăng 50 ngàn đồng/ bình và loại 48 kg tăng 205 ngàn đồng/ bình. Việc tăng – giảm giá các loại hàng hóa trong đó có xăng dầu cũng là bước đi nhằm thực hiện lộ trình thị trường hóa các mặt hàng do nhà nước quản lý giá.

 

Trước khi xăng dầu tăng giá, từ tháng 7, giá điện bình quân cũng đã được điều chỉnh tăng 5%. Bộ Tài chính cho biết, nếu giá điện tăng 5% thì tác động lên chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,36%. Cộng thêm giá xăng dầu có 3 lần điều chỉnh tăng trong tháng 8 sẽ chuyển dần vào chỉ số giá tiêu dùng trong 2 – 3 tháng tới. Vì vậy, mong muốn chung của người dân là sự quản lý điều tiết về giá có hiệu quả của ngành chức năng, trong đó quan trọng là sự minh bạch. Mục tiêu là đưa giá cả hàng hóa thị trường duy trì trạng thái bình ổn, kiềm chế lạm phát và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *