Theo số liệu thống kê từ Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do tai nạn thương tích. Đây là con số đáng lo ngại đối với các bậc phụ huynh, đồng thời đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Trước tình hình đó, bơi lội trở thành một trong những kỹ năng hết sức cần thiết. Nó không chỉ là hình thức giải trí, rèn luyện thể lực rất tốt mà còn giúp trẻ tự bảo vệ bản thân hiệu quả.

 

        Vĩnh Long là địa phương có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Đặc điểm này tạo thuận lợi về kinh tế nông nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho con người, nhất là trẻ em. Trong 5 tháng đầu năm 2012, cả nước có hơn 200 trường hợp trẻ em bị chết đuối, đa số ở độ tuổi từ 5-9. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ không biết bơi, bối rối khi rơi xuống nước, dẫn đến đuối nước. Mặt khác do nhận thức của nhiều người về tai nạn này còn hạn chế; các bậc phụ huynh, người giữ trẻ còn thiếu cẩn trọng khi chăm nom, giám sát trẻ.

       Tình trạng trên cho thấy, trẻ em cần được trang bị nhiều kỹ năng để ứng phó với tai nạn bất ngờ, đặc biệt là kỹ năng bơi. Điều này càng quan trọng hơn khi khu vực ĐBSCL thường xuyên có lũ và mùa hè là thời điểm mà hầu hết trẻ em được thoải mái vui chơi, ít chịu sự quản lý chặt chẽ từ gia đình hay nhà trường.

       Địa bàn thành phố Vĩnh Long có nhiều điểm dạy bơi nhưng thu hút đông học viên nhất vẫn là lớp dạy bơi của Trường Năng khiếu Thể dục – Thể thao và Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên. Trung bình vào dịp hè, mỗi địa điểm thu hút gần trăm học viên ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là  học sinh mẫu giáo và tiểu học. Có khóa, số lượng học viên lên đến 300 em.

       Ý thức được bơi lội không chỉ là hình thức rèn luyện thể lực mà còn là kỹnăng bảo vệ bản thân, nhiều phụ huynh đã cho con em mình đến với các lớp học bơi vừa như một hoạt động giải trí, tăng cường sức khỏe; vừa tạo sự chủ động cho các em trong môi trường dưới nước.

     Chị Nguyễn Mai Phương cho biết: “Chị cho cháu đi học bơi thứ nhất là để cho cháu rèn luyện sức khỏe. Thứ hai là nếu cháu có đi đâu như chơi biển hay đi về quê nội, mình yên tâm hơn”.

       Học bơi không chỉ là học các thao tác chuyển động, giữ thăng bằng dưới nước mà còn luyện cho trẻ thể lực bền thông qua các hoạt động bổ trợ trên bờ và các kỹ năng khác như nhịn thở để cơ thể nổi lên mặt nước, lướt, lặn, đứng nước. Ngoài ra, nếu biết bơi, các em sẽ chủ động bảo vệ được mình trong nhiều tình huống khác nhau, nhất là khi gặp tai nạn dưới nước.

      Theo thầy Lương Duy Vĩnh, Giáo viên trường Năng khiếu Thể dục Thể thao: “Trước khi mình cho các cháu xuống nước thì mình sẽ dạy cho cháu các kỹ thuật trên bờ. Khi mình dạy kỹ thuật thì các cháu sẽ hình thành được cái động tác của nó vì môi trường nước khác ở trên bờ, khi xuống nước cháu sẽ không bị rối. Nó vừa giúp kỹ thuật, vừa tăng thể lực”.

       Nhằm giúp trẻ em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống và phòng tránh tai nạn đuối nước, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học ở các tỉnh, thành phố của cả nước giai đoạn 2010- 2015. Thế nhưng, vì nhiều lí do về kinh phí, cơ sở vật chất, đề án này vẫn chưa mang lại hiệu quả sâu rộng. Trong khi đó, số trẻ em bị chết đuối ngày càng tăng. So với các nước đang phát triển, tỉ lệ trẻ bị chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần.

        Thực tế trên cho thấy bên cạnh việc nâng cao ý thức cảnh giác cho trẻ trước những khu vực nguy hiểm như sông suối, ao hồ sâu; trẻ em rất cần được trang bị những kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là kỹ năng bơi để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, đồng thời cũng góp phần rèn luyện thể hình và nâng cao sức khỏe./.

          Thảo Như

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *