Bên bờ hạnh phúc

 Phấn đấu đến năm 2015, toàn bộ số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có đất ở, trên 90% số hộ có việc làm, tạo thu nhập ổn định nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững.

Đó là mục tiêu được nêu trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 – 2015 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến nhân dân.

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất

Trước hết, đối với việc hỗ trợ đất ở, dự thảo quy định: Căn cứ quỹ đất, hạn mức đất ở và khả năng ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giao đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo phù hợp với điều kiện và tập quán ở địa phương. Trong đó, mức hỗ trợ để mua đất cấp trực tiếp bình quân cho mỗi hộ chưa có đất ở là 25 triệu đồng/hộ.

Hỗ trợ về đất sản xuất, dự thảo yêu cầu cần hạn chế việc cấp tiền để mua đất sản xuất (theo giá thị trường) cấp cho các đối tượng chưa có đất. Chính quyền địa phương vận động những người đã nhận sang nhượng, thế chấp đất của những hộ dân tộc nghèo đã chuyển nhượng, thế chấp trước đây để mua lại, chuộc lại đất với giá thấp… cấp cho những hộ thực sự có nhu cầu.

Đối với những nơi còn quỹ đất công thì bố trí cho những hộ thật sự có nhu cầu về đất sản xuất. Những nơi có điều kiện sản xuất tập thể thì chính quyền địa phương vận động những hộ được hỗ trợ trong cùng địa bàn hợp vốn (tự nguyện) để tạo quỹ đất sản xuất dưới hình thức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã… Đảm bảo các hộ được hỗ trợ vốn để góp vào hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, trong thời gian tối thiểu 5 năm, không được quyền rút vốn ra khỏi hợp tác xã, tổ hợp tác.

Mức hỗ trợ cho mỗi hộ để có đất sản xuất không quá 40 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ và được vay tín dụng ưu đãi 20 triệu đồng/hộ trong thời gian 4 năm với lãi suất bằng 0%. Với mức hỗ trợ này, tuỳ thuộc vào khả năng quỹ đất hiện còn tại địa phương và tuỳ thuộc vào giá cả thị trường đất đai mà chính quyền địa phương mua lại để cấp cho các đối tượng được thụ hưởng.

Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề

Dự thảo nêu, chính quyền địa phương vận động những hộ không có đất sản xuất, nhưng có lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định chuyển qua làm các ngành nghề phi nông nghiệp. Những đối tượng này sẽ được ưu tiên hỗ trợ vốn để họ có tiền mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ cho các hộ sản xuất nông nghiệp trong Vùng hoặc tự tạo việc làm như: mua xe máy, ghe máy chở thuê, trồng nấm rơm, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, bán tạp hoá… hoặc làm các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại địa phương để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Mỗi hộ tự tạo việc làm, tự chuyển đổi qua các ngành phi nông nghiệp được ngân sách trung ương hỗ trợ 8 triệu đồng/hộ và được hỗ trợ cho vay tín dụng ưu đãi tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ trong thời gian 2 năm, với lãi suất bằng 0%. Đối với lao động đi xuất khẩu, ngoài mức hỗ trợ để học nghề trước khi đi, còn được vay tối đa 30 triệu đồng/người, với lãi suất bằng 0,325%/tháng.

Ngoài ra, dự thảo còn nêu rõ: Trong thời gian vay, người vay không phải trả lãi. Mỗi hộ có thể vay một lần hoặc vay nhiều lần, nhưng tổng mức vay các lần không được vượt quá mức quy định, đồng thời hộ vay còn được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn. Thủ tục vay vốn, thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội quy định.

Theo Trần Mạnh ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *