Bên bờ hạnh phúc

 Hai xã Lục Sĩ Thành và Phú Thành thuộc xã cù lao của huyện Trà Ôn, hai mặt giáp sông Hậu, có nhiều kênh rạch chằng chịch nên hằng năm đến mùa mưa lũ,  người dân địa phương phải luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất ven sông và sự xâm thực của triều cường. Rút kinh nghiệm từ những năm qua, năm nay hai xã này đã triển khai các giải pháp chủ động phòng, chống triều cường vào tháng 9, tháng 10 âm lịch nhằm  hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. 

Cồn mới ấp An Thành xã Lục Sĩ Thành có diện tích khoảng 60 ha, nằm ngay đầu vàm Kênh Xáng thuộc khu vực chợ nổi Trà Ôn. Do cồn mới nổi hơn chục năm nay nên hệ thống đê bao nơi đây chưa được xây dựng vững chắc, phần lớn diện tích vườn cây ăn trái và hoa màu của bà con bị nước lũ và triều cường đe dọa.

 

Để bảo vệ 1000m2 đất chuẩn bị trồng màu ngắn ngày, những ngày qua, ông Ngô Hoàng Kiệt đã chủ động tận dụng các nguyên liệu sẵn có như tre, tràm làm hàng rào  bảo vệ chân đê; đồng thời thuê cơ giới thi công phần đất ô bao của gia đình dài khoảng 50m với số tiền hơn 8 triệu đồng. Giờ thì ông an tâm không còn lo sợ nước lũ gây thiệt hại. 

Ông Ngô Hoàng Kiệt, ấp An Thành – Lục Sĩ Thành – Trà Ôn cho biết: “Đa số trong nầy trồng rẫy nên hàng năm mùa lũ về bà con phải tranh thủ đắp sửa chữa, thứ nhất đường đê nầy để làm bờ đi, còn thứ hai là để giữ nước luôn.”

Ý thức được tác hại nặng nề do lũ gây ra cho các vườn cây ăn trái, không chỉ hộ ông Ngô Hoàng Kiệt mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn ấp An Thành đã tích cực đóng góp tiền và ngày công lao động để tôn cao các đoạn ô bao bị sạt lở, xuống cấp. 

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành – Trà Ôn: “BCH PCLB xã xây dựng kế hoạch và phân công thành viên xuống địa bàn để kiểm tra tình hình đê bao xuống cấp cũng như các cống đập xuống cấp của nhân dân. Từ đó mà vận động nhân dân nâng cấp sửa chữa để đảm bảo phòng chống lũ cho con nước tháng 9 tháng 10 tới. Cơ bản đến thời điểm nầy đã vận động nhân dân nâng cấp được trên 14km đê bao và 3 cống đập với kinh phí trên 13 triệu đồng.” 

 Cũng giống như xã Lục Sĩ Thành, xã Phú Thành có nhiều cù lao nhỏ đất đai màu mỡ với những vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao nhưng phần lớn diện tích vườn đều nằm ven bờ sông nên việc tu bổ, gia cố đê bao là chuyện năm nào chính quyền và bà con địa phương cũng tập trung làm. Song do địa thế là cồn nổi, sóng dập, gió dồn nên việc sạt lở, bể bờ vẫn không tránh khỏi. 

Để đối phó với những đợt triều cường thường xảy ra vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự  thuê xáng cạp gia cố cống đập và tôn cao bờ bao. Đến nay, các công trình này đã hoàn thành hơn 95% khối lượng công việc. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp cũng thường xuyên xuống địa bàn kiểm tra để nắm sát tình hình, kịp thời có biện pháp chỉ đạo đối phó với triều cường khi lũ về.

Ông Ngô Văn Phước, Ap Phú Long – Phú Thành – Trà Ôn cho biết: “Đứng về góc độ người dân trong ấp Phú Long này thì tôi rất đồng tình với kế hoạch của UBND xã và BVĐ ấp Phú Long, rút kinh nghiệm hàng năm thì mực nước triều cường rất là cao. Sau khi Ban nhân ấp vận động chúng tôi là nâng cấp các tuyến đê bao của mình như vậy, vừa bảo đảm hoa màu và cây ăn trái của mình, tụi tôi bỏ tiền ra vận động bà con nhân dân và bà con của mình củng cố bằng mọi giá để cho cao hơn mặt nước để đảm bảo hoa màu và cây ăn trái của bà con trong năm nay.”

Theo ông Huỳnh Văn An, Trưởng ban nhân dân ấp Phú Long – Phú Thành – Trà Ôn: “Trong tháng 6 vận động họp nhân dân thống nhất những hộ cồn thuộc Cồn Dừa ấp Phú Long, đến nay được ý thức của nguời dân giác ngộ coi như người dân người ta tự bỏ tiền ra năm nay làm đê bao toàn tuyến Cồn Dừa thì khoảng 3.500m, 9.600 rào với số tiền 57 triệu do dân người ta tự bỏ tiền ra tự lực, mình chỉ vận động thôi.”

Theo ông Ngô Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thành – Trà Ôn: “Năm 2012 UBND xã xây dựng KH, tổ chức chiến dịch mùa khô gắn với công tác nâng cấp gia cố các đê bao cống đập, qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện đến giờ nay trên địa bàn xã cơ bản được nâng cấp gia cố. Về chiều cao của các đê bao nâng cấp thì cao hơn đỉnh lũ năm 2011 là 0,2m về kết quả đạt được trên thứ nhất là phải được xây dựng KH sớm nhất ngay từ đầu năm, rồi phải rà soát nắm lại các đê bao cống đập bị xung yếu cái nào thuộc về nhân dân nâng cấp, cái nào thuộc về xã nâng cấp, cái nào phải đề nghị về Phòng NN để hỗ trợ kinh phí.”

Thời tiết diễn biến phức tạp nên thiệt hại do thiên tai gây ra là rất khó lường, đặc biệt là đối với các xã cù lao. Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức để người dân có những giải pháp chủ động phòng tránh, đối phó với tình hình bão lũ xảy ra hằng năm là nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân./.

 Hồng Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *