Bên bờ hạnh phúc

Cả tháng nay, bà con vùng lũ ai nấy cũng đều sốt sắng tranh thủ sắm sửa ghe xuồng, trang bị lợp, lờ, câu, lưới cá… để mưu sinh…Theo đó, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống ở địa phương cũng “ăn theo” mùa nước nổi.  Vậy là một mùa lũ nữa lại đến!…

 

 Việc mưu sinh của bà con cũng có những đổi thay theo con nước. Người giăng lưới, cắm câu, người đặt lọp, đặt lờ… Bởi ai cũng biết năm nào mà nước lũ- có người gọi lũ với các tên thân thương: “mùa nước nổi”- dâng cao thì cá tôm chắc chắn sẽ về nhiều… Và, chiếc xuồng là phương tiện thiết thân bên họ như hình với bóng…

Chiếc xuồng ấy thường cũng chỉ nổi trôi cùng bà con vùng lũ có một mùa mùa nước coi như hoàn thành sứ mạng của nó, nên nhiều người gọi vui đó là xuồng “năm quăng”, tức một năm là quăng…bỏ… mua chiếc khác.

 Men theo ngọn rạch Cái Răng nhỏ, chúng tôi đến làng nghề đóng xuồng “năm quăng” thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

 Trước đây, làng nghề nằm trong con hẻm nhỏ đoạn Quốc lộ 1 thuộc ấp Long An, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Gần đây, do thay đổi đơn vị hành chính, nên làng nghề thuộc thị trấn Cái Tắc…

 Từ đầu ngọn rạch, đã âm vang những âm thanh của tiếng búa, máy cưa, máy bào… phát ra từ những trại đóng xuồng…Từng tốp thợ, đang tất bật với công việc của mình để xuất trại những chiếc xuồng mới, phục vụ người dân vào mùa lũ.

Ông tổ của chiếc xuồng “năm quăng” là ông Dương Văn Lạc- tên thường gọi Hai Lạc-, sinh năm 1954 tại ấp Long An, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

 Đâu chừng hơn 30 năm trước, ông Hai Lạc, sống khá giả bằng nghề thợ mộc, gặp lúc thị trường ế ẩm ông mới nghiệm ra bà con xứ mình vốn xuất phát từ dân lao động chân tay, lặn hụp trong mùa nước nổi bắt con cá con tôm. Ông hiểu cái mà người dân nghèo cần là một phương tiện khả dĩ để sinh nhai qua ngày bằng nghề câu, lợp, lờ, lưới…

 Vậy là ông nghĩ đến một loại xuồng được thiết kế bằng cây vườn. Loại xuồng có giá cực rẻ ai cũng có thể mua được này chỉ xài một năm là “quăng” nên rất được nhiều người địa phương rồi cả vùng ủng hộ. Tên xuồng “năm quăng” có từ đó…

 Ban đầu, chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân trong vùng. Nhưng sau đó, xuồng Cái Tắc hay xuồng Long Thạnh được tiêu thụ đi nhiều nơi, và trở thành “thương hiệu” có tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long… 

Ngoài người con út làm việc chung, ông Lạc còn mướn thêm một vài thợ phụ. Thợ ở đây làm bán thủ công, ăn theo sản phẩm nên làm việc không có giờ giấc nhất định. Như người thợ trẻ này, đã có 8 năm làm nghề, mỗi ngày đóng được từ 4- 6 chiếc xuồng năm quăng, còn nếu đóng tam bản hay xuồng ba lá thì mỗi ngày có thể được 2 chiếc nên chủ trại trả tiền công rất hậu hỉ…

Rời trại xuồng ông Hai Lạc, chúng tôi đến cơ sở đóng ghe, xuồng của anh em anh Nguyễn Văn Tú, 30 tuổi, ở cuối ngọn rạch Cái Răng nhỏ.  Lúc chúng tôi đến, hai anh em Tú đang chuyển ván lên bờ để kịp đóng những xuồng giao cho khách hàng theo hợp đồng.

 Thuở nhỏ, Tú đã theo phụ giúp gia đình trét xuồng, đóng đinh, lớn lên chút thì cầm cưa, bào rồi mê nghề lúc nào không hay. Tuổi trẻ thích bay nhảy lên thành thị nhưng rồi đi đâu xa Tú cũng thấy nhơ nhớ tiếng bào, cưa đục, mùi gỗ hăng hắc, thấy trông trống chân tay. Thế là Tú rủ em trai mình là Nguyễn Thanh Bạch mở trại. Rồi hai anh em dính luôn với cái nghề “một năm quăng” này.

 

 Và, để có thể giữ được giá rẻ cho loại xuồng năm quăng– chừng 300.000 đồng một chiếc xuồng 4m (chỉ bằng 1/4 hoặc 1/5 giá xuồng đóng bằng cây rừng), anh em Tú phải kiêm nhiệm nhiều vai trò, từ đi vườn mua cây, làm thợ đóng ghe xuồng đến đi giao hàng cho vựa… để “lấy công làm lời”, duy trì sản xuất.

Đặc điểm của xuồng “năm quăng” là rất gọn nhẹ do được đóng bằng ván xẻ chỉ dày từ 1 – 1,2cm. Nguyên liệu chính là các loại gỗ tạp như xoài, bạch đàn, gáo, sầu riêng, còng… khai thác từ các khu vườn tạp…với nguồn cung cấp khá dồi dào từ các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… Vì vậy mỗi năm làng nghề sử dụng đến hàng ngàn khối gỗ.

Đối với những hộ không có vốn để mua gỗ, trang thiết bị để đóng xuồng, thì ở nơi đây, có một số hộ đã nhận hàng về làm gia công tại nhà. Vợ chồng chú Nguyễn Văn Hinh, ở ấp Long An, thị trấn Cái Tắc- Hậu Giang là một trong nh ững số đó. Và, cả hai vợ chồng cô chú đã gắn bó với nghề này hơn 20 năm.

 Thị trấn Cái Tắc hiện có cả trăm hộ hành nghề đóng xuồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1/3 tổng số hộ trên mới có điều kiện duy trì nghề đóng xuồng quanh năm. Những hộ còn lại chỉ tập trung làm theo mùa, bởi do thiếu vốn mua gỗ… Vào mùa lũ, đông đảo cơ sở đóng xuồng bắt tay vào việc sản xuất đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn trăm lao động nhàn rỗi ở địa phương và các vùng lân cận.

 Xuồng “năm quăng” ở Cái Tắc được đóng thành nhiều kiểu dáng như: Xuồng ba lá, xuồng năm lá, bảy lá và ghe tam bản, tùy theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh. Bán chạy nhất là xuồng gỗ sầu riêng, bạch đàn, còng…, với kích cỡ 4,5m – 6,5m giá bán dao động từ 250 ngàn đến 300 ngàn đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, ghe tam bản gỗ tốt bán hơn 1,5 triệu đồng/chiếc. 

Rời làng xuồng Cái Tắc, chúng tôi tìm đến xóm nghề chuyên tiêu thụ xuồng năm quăng ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.  Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều người dân chở những chiếc xuồng nhỏ- phương tiện khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long- được mua từ ngọn Cái Răng về.

Anh Huỳnh Ngọc Phố, chủ vựa xuồng Bảy Phố, cho biết: vào mùa nước lũ, không chỉ người dân ở Hậu Giang, mà các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long.. đều đến đây đặt mua xuồng năm quăng ở Cái Tắc. Có thương lái, mỗi lần đặt năm, bảy chục chiếc xuồng, để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia. Để chuẩn bị mùa nước lũ năm may, anh đã đặt hơn 1.000 chiếc xuồng năm quăng, để giao cho thương lái đi phân phối khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lên vùng biên giới giáp với Campuchia. Năm nào nước lớn, thì số lượng xuồng bán ra, có thể lên đến 1.500 đến 2.000 chiếc.

Quả thật như vậy! Đây là loại ghe xuồng giá bèo được hình thành từ những loại gỗ tạp và tận dụng, có thời gian sử dụng ngắn nhưng điều quan trọng là đáp ứng được túi tiền eo hẹp của người nghèo, giúp họ có phương tiện sinh nhai qua ngày bằng nghề câu lợp và sống chung với lũ.

 Hiện nay, do giao thông đường bộ ngày càng thông thương, xuất hiện nhiều loại ghe, xuồng bằng composite, mỗi địa phương đều có trại đóng ghe xuồng nên số lượng bán ra của xóm tiêu thụ xuồng năm quăng ở Kinh Cùng cũng ít lại.

 Tuy nhiên, vào mùa nước lũ hàng năm, phương tiện thủy không thể thiếu, ngoài tiêu thụ theo đơn đặt hàng thì nhu cầu mua nhỏ, lẻ của bà con nông dân trong tỉnh cũng không ngừng tăng lên…

Chiếc xuồng gọn, nhẹ, nhỏ nhoi, tuổi đời ngắn ngủi như chính tên gọi năm quăng mà người đời đặt cho như thế. Nhưng nó đã đưa nhiều thế hệ vào tương lai, mang bao yêu thương và ân tình sâu nặng…

Xuồng năm quăng miệt Hậu Giang đâu chỉ cùng nông dân bươn chải ngoài đồng, trên kinh rạch, ao vuông, mà gần đây nó còn được cải tiến cho lớn hơn để phục vụ khách tham quan tại các khu du lịch sinh thái…rất được du khách ưa chuộng…

 Hữu dụng là thế, thơ mộng là thế, đậm sắc miền quê là chiếc xuồng ba lá khắp các vùng Nam bộ. Một nét quê hương ai cũng lắng đọng nhớ thương, ai đi xa cũng nhớ về…

Chiếc xuồng gọn nhẹ, nhỏ nhoi, tuổi đời ngắn ngủi như chính tên gọi năm quăng mà người đời đặt cho như thế! Nhưng nó vẫn gắn bó và là phương tiện không thể thay thế đối với người dân vùng lũ, đặc biệt là đối với hộ nghèo mùa nước nổi.

Nhờ nó mà bà con có thêm khoảng thu nhập từ việc đặt trúm, đặt lờ- lọp, bán bông điên điển…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *