Bên bờ hạnh phúc

 Từ sự việc loài sâu lạ tấn công nhiều rẫy khoai lang của bà con nông dân ở Bình Tân cho thấy, khi mở rộng diện tích ồ ạt mà không có được các giải pháp đảm bảo cho sự phát triển bền vững thì thiệt hại là khó tránh khỏi. Và câu chuyện ở vùng khoai lang này không dừng lại ở đây. Vì lợi nhuận ở một số thời điểm quá hấp dẫn nên nhiều người đã quyết tâm theo đuổi giống khoai lang tím Nhật bất chấp chi phí đầu tư tăng vọt. Khi thị trường biến động, nhiều nông dân thua lỗ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần. Vì chạy theo thị trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất của địa phương mà người nông dân đã tự gây khó cho vùng khoai của mình.

 

       

 Từ những thiệt hại do loài “sâu lạ” gây ra cho thấy, vấn đề bùng phát dịch hại đang là một trong những nguy cơ đe dọa đến vùng chuyên canh khoai lang ở huyện Bình Tân. Không chỉ có đối tượng mới, những loài vốn đã xuất hiện từ lâu cũng ngày càng trở nên khó trị hơn từ khi phát triển ồ ạt diện tích trồng giống khoai lang tím Nhật.

 Trường hợp sùng khoai lang gây hại nặng trên cánh đồng khoai ở ấp Thành An xã Thành Đông là một điển hình. Do giá khoai lang tím Nhật vào thời điểm tháng 4 đến tháng 5 âm lịch quá thấp, chỉ từ 180-200 ngàn đồng/tạ (60kg), nên sau vụ khoai đầu một số nông dân đã bỏ khoai làm lúa. Trong khi đó thì những hộ còn lại vẫn hi vọng là giá khoai sẽ được cải thiện nên cuốc thêm vụ khoai thứ hai trong năm. Tuy vậy, tại những ruộng bắt đầu thu hoạch thì xem ra vụ khoai này cũng chẳng có lợi nhuận gì. Nguyên nhân là do không có điều kiện để vệ sinh đồng ruộng, thời gian làm đất cập rập nên khoai bị sùng tấn công rất nặng. Chủ rẫy đã ra sức phòng trị nhưng lượng khoai đạt tiêu chuẩn chỉ đạt ở chừng 20 tạ/công, giảm hơn 50% so với vụ trước.       

Ngoài dịch hại bùng phát, chi phí tăng vọt cũng là một vấn rất đáng quan tâm trong vụ khoai năm nay. Theo ghi nhận thì vốn đầu tư cho mỗi công khoai lang tím Nhật dao động ở mức tương đương 12 triệu đồng, tăng từ 15-20% so với năm 2011. Chi phí tập trung ở khâu thuê mướn nhân công và mua phân thuốc. Riêng tiền thuê lên luống khoai, khi cao điểm lên đến 15-17 triệu đồng/ha, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Nguyên nhân là do cùng một thời điểm có nhiều diện tích xuống giống nên khan hiếm nhân công, giá thuê tăng vọt.

Chi phí tăng nhưng đến khi thu hoạch ,giá lại ở mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây nên thiệt hại là không tránh khỏi. Từ đây cho thấy, trước khi quyết định trồng khoai người nông dân cần phải lường trước những diễn biến bất lợi để từ đó có mức đầu tư hợp lý.               

Một diễn biến khác cũng rất đáng chú ý ở vùng khoai Bình Tân là giá cả của giống khoai lang tím Nhật luôn biến động bất thường, lợi nhuận từ cây khoai rất bấp bênh. Nguyên nhân được xác định là do mối quan hệ cung cầu không được xác định rõ ràng, khâu tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều nên để ổn định cuộc sống cho người trồng khoai, những giải pháp từ khâu sản xuất xem ra mang tính khả thi cao nhất. 

 

 

 Không ít rẫy khoai đã thu hoạch ở xã Tân Thành huyện Bình Tân, thay vì phải thu gom, tiêu hủy phần thân, củ bị sâu bệnh tấn công và thả nước ngập rẫy sau thu hoạch thì những phần thân củ lại được giữ nguyên trên rẫy. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để nhiều đối tượng dịch hại hoàn thiện vòng đời, duy trì sự có mặt với mật số cao trên đồng ruộng. Trong bối cảnh gia tăng diện tích và mùa vụ trồng khoai như hiện nay thì đây là nguồn phát tán dịch hại hết sức nguy hiểm.

Chính từ thực trạng này mà khâu vệ sinh đồng ruộng, luân canh mùa vụ trong canh tác khoai lang luôn được ngành chức năng khuyến cáo bà con nông dân nên triệt để áp dụng. Nếu làm tốt, đất đai sẽ được duy trì độ màu mỡ, giảm áp lực của sâu bệnh. Đây cũng là một giải pháp giúp nông dân tiết giảm được chi phí đầu tư, hạn chế được thiệt hại một khi có sự biến động về giá cả.

Bên cạnh vấn đề về cơ cấu mùa vụ thì sự đa dạng chủng loại giống khoai cung ứng cho thị trường nội địa cũng là một giải pháp được nhiều bà con nông dân ở Bình Tân lựa chọn để đảm bảo hiệu quả sản xuất. Khi mà người dân hầu như không có bất cứ thông tin định hướng nào về thị trường xuất khẩu thì kinh nghiệm sẽ giúp họ có thu nhập ổn định hơn.

Vùng khoai lang Bình Tân vốn đã rất nổi tiếng từ lâu đời. Chất lượng của các loại khoai trắng sữa, tàu nghẹn, bí đường đỏ, khoai cao sản ….ở đây được đánh giá ngon vào hàng bậc nhất trong khu vực ĐBSCL. Những thăng trầm do thị trường tiêu thụ bấp bênh không phải chỉ có ở năm nay mà bà con nông dân trồng khoai đã đối mặt hàng chục năm qua. Diễn biến của thị trường khoai tím Nhật năm nay cũng đã được nhiều người có kinh nghiệm dự đoán trước. Do đó, thay vì chạy theo thị trường xuất khẩu thì họ lại quyết định trồng các giống khoai nội địa cung ứng cho thị trường trong nước.

 

Như trường hợp của anh Trương Văn Dũng ở xã Tân Thành. Vụ khoai Đông Xuân 2011-2012 , anh quyết định trồng giống khoai cao sản trên toàn bộ 1,7ha đất canh tác. Có thời gian chăm sóc và năng suất tương đương nhau, nhưng nhờ giá bán lúc thu hoạch gần 400 ngàn đồng/tạ, thay vì chỉ 220 ngàn/tạ như khoai lang tím Nhật nên vụ khoai đầu vẫn cho lợi nhuận gần 60 triệu đồng/ha. Do nằm trong vùng canh tác hai vụ khoai, nên sau khi thu hoạch vụ đầu, anh tiến hành vệ sinh đồng ruộng mới tiến hành vụ tiếp theo. Trong vụ này , anh dành phân nữa diện tích trồng giống khoai bí đường đỏ, phần còn lại canh tác giống khoai tím Nhật. Theo anh Trương Văn Dũng, mỗi vụ khoai cho thu nhập gấp 2-3 lần so với canh tác lúa là người trồng khoai sống được.

Thống kê của ngành nông nghiệp Vĩnh Long cho thấy, từ vụ Đông Xuân 2011-2012 đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống gần 10.000 ha khoai lang, tăng hơn gần 4.000ha so cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích xuống giống của huyện Bình Tân là khoảng 8.500 ha, huyện Bình Minh là 855 ha và huyện Tam Bình trên dưới 125ha. Trên 80% diện tích là trồng giống khoai lang tím Nhật.

Dù còn nhiều hạn chế từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhưng có thể khẳng định, đây là giống khoai có rất nhiều tiềm năng cần được tập trung phát triển ở Bình Tân. Giá trị kinh tế cao và có thể xuất khẩu một sản lượng lớn là lợi thế của cây khoai lang tím Nhật. Vấn đề là chúng ta cần có kế hoạch tổ chức, xây dựng vùng nguyên liệu như thế nào để giống khoai này phát triển bền vững. Đặc biệt là tránh phụ thuộc vào duy nhất thị trường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc như hiện nay.

 

Một thông tin vui trong vụ khoai năm nay là củ khoai tím Nhật đã được Hợp tác xã khoai lang Tân Thành – huyện Bình Tân, đưa sang bán chào hàng ở một số thị trường mới như Malaysia, Singapore, Hong Kong. Sản lượng tiêu thụ hàng tuần chỉ vài chục tấn và thông qua một công ty chuyên xuất khẩu nông sản. Tuy vậy, sự kiện này vẫn được xem là tín hiệu tích cực nhất của các nổ lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong niên vụ khoai 2012.

Giá trị và tiềm năng ở thị trường mới là khá hấp dẫn. Tuy vậy, đối với những người trực tiếp đưa sản phẩm chào hàng thì vẫn còn rất nhiều nỗi lo. Những yếu tố cần phải có khi xuất khẩu chính ngạch như vùng nguyên liệu, thương hiệu, quy trình sản xuất theo hướng an toàn, hệ thống kiểm soát, quản lý chất lượng …phải đáp ứng một khi đối tác có yêu cầu, đang cần thêm thời gian để tổ chức lại sản xuất.

Với những diễn biến hiện tại cho thấy từ khâu sản xuất và tiêu thụ khoai lang đều còn những hạn chế nhất định. Trong đó nổi lên là vấn đề người nông dân tự phá bỏ cơ cấu mùa vụ, ồ ạt phát triển diện tích trồng giống khoai lang tím Nhật dẫn đến dịch hại bùng phát, bị thị trường thao túng. Đồng thời cũng cần nhìn nhận rằng, những chương trình đầu tư của ngành chức năng cũng chưa theo kịp tốc độ phát triển sản xuất.

Cây khoai lang tím Nhật sẽ vẫn khẳng định được giá trị của mình nếu như bản thân người sản xuất và ngành chức năng có những kế hoạch phát triển hợp lý. Nếu những diễn biến như năm 2012 này tiếp tục tái diễn trong thời gian dài, hậu quả không chỉ dừng lại ở sự bấp bênh của giá cả thị trường mà còn để lại những nguy cơ tiềm ẩn về sự phát triển bền vững của vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ĐBSCL này./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *