Bên bờ hạnh phúc

Thỏ là một trong những loài vật nuôi có giá trị kinh tế hiện nay bởi chúng vừa cho thịt nhiều lại có đặc tính đẻ sai. Tuy nhiên, đây lại là loài gia súc rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh, khả năng thích ứng với môi trường kém, chính vì vậy việc duy trì tỉ lệ thỏ con sinh trưởng, phát triển tốt sau khi nhân đàn luôn là một bài toán khó đối với người chăn nuôi.

 

Trong số đàn thỏ trên 200 con của gia đình bà Võ Thị Bé Bảy ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn thì hiện có hơn 30 thỏ cái sinh sản. Tuy chưa được học qua lớp tập huấn nào về quy trình chăn nuôi thỏ nhưng bù lại nhờ khoảng thời gian 8 năm gắn bó với nghề và biết phát huy đặc tính đẻ sai của loài vật nuôi này đã giúp gia đình bà có được nguồn thu nhập ổn định hằng tháng từ việc bán thỏ thịt và cả thỏ giống. Theo kinh nghiệm của gia đình, để duy trì tốt số lượng thỏ sau khi nhân đàn thì công đoạn lựa chọn và chăm sóc con giống là cực kỳ quan trọng.

Bà Võ Thị Bé Bảy, xã Trà Côn – Trà Ôn – Vĩnh Long cho biết:“Chuồng mình phải làm cao ráo cho nó thoáng, đặng có ánh nắng vô con thỏ mới chịu nổi mà hỏng có bị xù lông nữa, con thỏ thì nó chịu ánh nắng mặt trời dữ lắm, cái thứ hai nữa lựa thỏ giống, thỏ cái mình phải thon nó đẻ con mới sai với bộ phận sinh dục con thỏ phải bự đẻ không bị ngộp, trước khi dứt sữa thỏ từ 800gr tới 1 kg phải tiêm ngừa thuốc xổ lãi, trong đó thì thuốc xổ lãi và ghẻ luôn. Còn con thỏ nọc mình phải lựa khác dòng đặng cho nó không trùng huyết; thí dụ mình 30 con thỏ cái thì phải 3 con thỏ nọc để ven đàn đặng mình bỏ, thí dụ đợt này mình bỏ con thỏ nọc này rồi đợt thứ hai mình phải bỏ con thỏ nọc khác cho nó không trùng huyết, vậy là con thỏ nó mới khỏe, nó không trùng huyết không có bị chết lúc bằng cùm tay nó ưa trùng huyết ưa chết lắm.  

Bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chí khi chọn lựa con giống thì yếu tố dinh dưỡng cho thỏ cũng là vấn đề đáng quan tâm. Nắm bắt đặc tính tiêu hóa thức ăn của thỏ rất hạn chế nên thông thường bà Bảy đợi đến khi nắng lên ráo sương như thế này hoặc tưới nước rửa sạch để ráo trước khi cắt chúng làm thức ăn tươi cho thỏ. Đặc biệt, để thỏ nuôi bầu sữa thì bên cạnh nguồn cỏ tươi thông thường thì thỏ mẹ mang thai cũng rất cần bổ sung thức ăn dặm khác cũng như các loại vacxin phòng bệnh hậu kỳ.

Cũng theo bà Võ Thị Bé Bảy, xã Trà Côn – Trà Ôn – Vĩnh Long: “Dinh dưỡng thì con thỏ nái 3 kg lúa thì trộn 1 kg thức ăn dặm thêm với cỏ đặng cho nó lúc có chữa nuôi bào thai và có sữa cho con bú/con thỏ con đẻ ra trong vòng 3 bữa là mình phải cho nó uống vacxin, mình nhỏ vô miệng nó 3 giọt, tới mười mấy ngày nhỏ vô một lần nữa, tác dụng là nó trị đường ruột cũng như nhiều chứng bệnh cho con thỏ lắm như tụ huyết trùng vô trong đó đường ruột nó yếu, nhỏ như vậy 100 con thì mình nuôi được khoảng 95 con.”

Do thỏ rất dễ mẫn cảm với môi trường xung quanh nên ngoài việc dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng mỗi ngày thì người chăn nuôi cũng nên sát trùng chuồng trại bằng vôi bột hàng tuần, tránh không khí bị ẩm ướt nhằm khống chế phát sinh mầm bệnh trên thỏ. Thông thường nếu được chăm sóc tốt thì mỗi con thỏ cái từ 2,5 tháng tuổi đã có thể chọn ra để tiến hành nhân giống, thời kỳ thai nghén chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng, đúng sức mỗi lứa có khả năng sinh từ 6 – 7 con và 12 ngày sau đó tiếp tục cho tái phối giống đợt tiếp theo. Thỏ lớn nhanh, mắn đẻ, chu kỳ sinh sản lại ngắn, nếu chịu đầu tư chăm sóc chu đáo và nhân đàn đúng kỹ thuật thì đây là một trong những vật nuôi tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế lâu bền./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *