Bên bờ hạnh phúc

 Có những nhà giáo nhiệt tâm, truyền kiến thức đến học sinh bằng tất cả niềm say mê trên bục giảng. Có những người lái đò tận tụy; khi nghiêm khắc, lúc ân cần rèn dạy bài học làm người qua từng cử chỉ, lời răn. Và cũng có những người thầy âm thầm uốn nắn nhân cách, lặng lẽ bồi đắp cho học trò mình lòng yêu Tiếng Việt ngay từ trang viết, nét chữ hằng ngày.

Thầy Lâm Hồng Việt- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn

 

 

Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Vĩnh Long là một trong những đơn vị có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi “Văn hay, chữ tốt” cấp tỉnh, khu vực. Góp phần lớn vào thành tích ấy, không thể không nhắc đến thầy Lâm Hồng Việt – người nhiều năm đã có công phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng, các em có năng khiếu văn chương, chữ viết tốt; làm nên những bông hoa đẹp trong vườn hoa học đường.

Trước khi cuộc thi “Văn hay, chữ tốt” được mở rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, thầy Lâm Hồng Việt cùng các giáo viên trong tổ đã bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh có năng khiếu, tạo nguồn cho các cuộc thi Văn cấp khu vực và quốc gia. Con chữ không chỉ mang ý nghĩa của tri thức, của niềm say mê sau mỗi trang giáo án mà nó còn khắc họa hình ảnh một người thầy hết lòng vì học trò. Ngoài giờ đứng lớp, thầy phụ trách nhiều công tác chuyên môn khác nhau nhưng chỉ cần nghĩ đến một câu văn diễn đạt chưa hay, một ý tưởng thành hình chưa trọn, thầy lại tỉ mỉ ghi chú, chỉnh sửa cho tròn, mong sao mỗi tiết trên bục giảng có thể truyền hết tri thức cho các em.

Là giáo viên môn Văn,  đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, hơn bao giờ hết, thầy hiểu rằng Văn học chính là Nhân học. Dạy Văn không chỉ là truyền lòng đam mê, sự hứng thú mà còn rèn dạy tính cách, đạo đức cá nhân. Bên cạnh đó, luyện chữ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nết người.

Thầy Lâm Hồng Việt cho biết: “Việc rèn chữ trước hết là tạo cho các em một sự kiên nhẫn. Qua đó, các em sẽ tạo được những tính cách, những lời văn qua chữ viết của mình bởi vì ông bà ta thường nói “nét chữ, nết người”. Qua quá trình rèn chữ như vậy, các em cũng sẽ thể hiện hết khả năng của mình, vừa giúp các em học tốt môn Văn, vừa có tinh thần chịu khó để vận dụng vào trong cuộc sống, công việc”

Mỗi khi có đợt tập trung bồi dưỡng học sinh giỏi, dù kiêm nhiệm nhiều việc, thầy vẫn dành phần lớn thời gian để hướng dẫn, chỉ dạy tận tình. Và bao giờ, thầy cũng nhắc nhở, rèn luyện từng nét chữ, từng cách diễn đạt sao cho tinh tế và thuyết phục nhất. Có lẽ chính từ lòng tận tâm ấy mà nhiều thế hệ học sinh đã không phụ lòng mong mỏi của thầy. Ngoài các kỳ tranh tài học sinh giỏi môn Văn thì “Văn hay, chữ tốt” là một trong những cuộc thi mang lại thành tích đáng kể. Ngay từ lần đầu tiên được tổ chức ở cấp khu vực vào năm 2005, hai trong số ba học sinh đại diện tỉnh nhà tham dự và đạt giải cao đều là học sinh của Trường THCS Lê Quý Đôn. Và đến nay, qua bảy lần tham gia cuộc thi thì hầu như năm nào trường cũng có học sinh đạt giải cấp khu vực.

Theo Thầy Lâm Hồng Việt: “Để giúp các em đạt được hai yếu tố là chữ đẹp và văn hay thì đầu tiên nhà trường cũng tổ chức cho các em qua vòng thi sơ tuyển để chọn lựa những học sinh có khả năng để rèn chữ viết. Qua đó mình trau dồi thêm cho các em về phương pháp để các em có thể diễn đạt bài văn đạt hiệu quả cao nhất.”

Chúng tôi có dịp gặp lại Quỳnh Như, Công Thành, Bích Loan – những gương mặt đã đạt giải cao trong các kỳ “Văn hay, chữ tốt” ba năm gần đây khi các em đang trao đổi kinh nghiệm cùng thế hệ đàn em để chuẩn bị cho cuộc thi vòng trường sắp diễn ra. Câu chuyện càng sôi nổi khi các em nhắc về những kỷ niệm trong quá trình rèn luyện cùng thầy Việt để có được câu văn hay, chữ viết tốt. Mặc dù hiện nay, có em vẫn đang theo đuổi con đường văn chương, có em đã chuyển sang học ở một lĩnh vực khác nhưng những nhiệt huyết mà thầy đã mang lại luôn được nhiều thế hệ học trò ghi tâm.

Em Lâm Công Thành, Giải II kỳ thi “Văn hay, chữ tốt” cấp tỉnh & Giải KK khu vực ĐBSCL 2010 kể: “Thầy Việt là một người rất tận tâm với công việc, tận tâm với học sinh. Thầy luyện cho em từng nét chữ, từng câu văn. Đó là một động lực để em rèn chữ đẹp là cái nết người. Bởi vì con trai thường thường viết chữ không có đẹp lắm và thường không quan tâm đến nét chữ nhiều”.

 Còn theo em Đặng Bích Loan, Giải I kỳ thi “Văn hay, chữ tốt”cấp tỉnh & Giải KK khu vực ĐBSCL 2011: “Từ cuộc thi Văn hay, chữ tốt thì em đã rèn luyện được cho mình đức tính tỉ mỉ, kiên nhẫn cũng như hoàn thiện nhân cách bản thân mình. Mặc dù em không còn là học sinh Trường Lê Quý Đôn nữa nhưng mỗi khi nhớ về cuộc thi, em thầm biết ơn thầy Việt đã giúp đỡ em, giúp cho em những kĩ năng cảm thụ văn hay hơn, khả năng viết chữ đẹp hơn. Cũng từ đó mà em hoàn thiện cuộc sống của mình hơn”.

Những cuộc thi mở ra rồi cũng đến ngày kết thúc, những kỳ tranh tài dù gay cấn và ấn tượng đến đâu thì vẫn khép lại bằng lời hẹn ở mùa sau. Thế nhưng, hình ảnh người thầy hết lòng vì con chữ này sẽ còn sáng mãi trong lòng nhiều thế hệ học trò, khắc sâu bài học về nhân cách và ý thức giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt./.

Thảo Như

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *