Bên bờ hạnh phúc

          Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thiết lập chính quyền thật sự “của dân, do dân và vì dân”. Từ ngày ấy, tư tưởng của Bác Hồ về quyền tự do dân chủ của nhân dân luôn được cả dân tộc quyết tâm thực hiện. Tấm gương của Bác về sự trọng dân luôn là bài học quý cho lực lượng cán bộ, đảng viên học tập, làm theo…

 

          Con đường An Phú Tân – An Hòa B này nối liền mạch giao thông từ trung tâm xã Bình Ninh huyện Tam Bình đến 4 làng nghề đan thảm của xã. Đường dài gần 3km rải đá, việc vận chuyển hàng hóa hiện nay đã rất thuận lợi, giúp phát triển đời sống kinh tế của bà con các xóm nghề ở đây. Và những ngày vui thế này nay càng vui hơn vì việc đi lại không còn trở ngại. 

          Người dân ở đây rất quý và tự hào về con đường này, còn bởi lý do:  con đường do chính họ hiến đất đai hoa màu, góp tiền của và cả công sức để làm nên. Gần 14. 000m2 đất của bà con nông dân đã góp cho con đường của dân, do dân.

 

          Nhớ lại buổi đầu, khi cán bộ xã vận động người dân đóng góp làm đường. Ngoài diện tích đất của bà con nơi mà tuyến đường đi qua, số tiền đóng góp chia ra cho mỗi hộ cũng không phải ít đối với những hộ dân đời sống còn khó khăn , nhưng ai nấy đều cố gắng, vì lợi ích chung. Có gia đình hiến gần 2000m2 đất một cách nhẹ nhàng.         

          Người dân ở đây không có tư tưởng phó mặc các công trình chung cho nhà nước. Hễ có ý kiến của cán bộ xã là làng xóm cùng đồng lòng đóng góp để xây dựng. Tất cả các tuyến đường nối liền 11 ấp đều được rải đá hoặc lót đan sạch sẽ, là tiền của, công sức của người dân địa phương. Đảng bộ và chính quyền xã đề ra chủ trương đúng, kế hoạch thực hiện hợp lý, vận động sức dân công khai, minh bạch, vậy là dân đồng tình hưởng ứng. 

          Và đến nay, hầu hết các tuyến đường liên ấp đều được mở rộng để trải nhựa, bà con ai nấy lại vui vẻ hiến thêm đất đai. Khó mà kể hết được những người dân hiến đất, tiền của, công sức để làm đường giao thông ở xã Bình Ninh. Sự đồng thuận cao có được từ công tác vận động quần chúng của cán bộ địa phương.

 

         

          Cán bộ vận động vốn là những người gần gũi với dân, phân tích hợp tình, hợp lý, nhanh chóng giúp người dân thấy được lợi ích lâu dài và hướng đến đồng thuận.         

          Kinh nghiệm quý ở đây là hễ khi người dân có kiến nghị vấn đề gì, cán bộ địa phương thường nhanh chóng giải quyết đến nơi đến chốn. Việc đối thoại giữa cán bộ với dân được thực hiện thường xuyên để giải thích kịp thời mọi thắc mắc, yêu cầu của dân, không đợi đến khi tiếp xúc cử tri như một số nơi khác. Dân an tâm, tin tưởng, từ đó luôn sẵn sàng hưởng ứng mọi chủ trương, nghị quyết của xã. 

          Người dân ở xã Bình Ninh có nhiều câu chuyện vui về sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ với dân . Chính nhờ mối quan hệ gắn bó ấy mà xã đạt được thành tựu không nhỏ trong công tác vận động quần chúng. 

          Gần dân, hiểu dân để vận động được người dân. Đó là phương châm hoạt động chung của hầu hết các cơ sở Đảng đã được đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn và từ những lời dạy của Bác Hồ về sự trọng dân. Từ bài học này, các địa phương xây dựng quy chế hoạt động sao cho cán bộ luôn sâu sát người dân, gần gũi và hiểu được tâm tư nguyện vọng của từng hộ gia đình.         

          Khi người dân hiểu được rằng các chủ trương, nghị quyết đề ra đều phục vụ vì lợi ích thiết thực của mình thì sẽ đồng thuận cao. Để đạt được điều này, mọi cán bộ, đảng viên được phân công nắm các tổ nhân dân tự quản và đối thoại thường xuyên với dân qua các cuộc họp tổ. Quy chế dân chủ luôn được tôn trọng, mọi chủ trương, kế hoạch đề ra – dân được bàn bạc và đi đến thống nhất cao mới thực hiện… Đây được xem như những quy tắc hàng đầu trong thực thi các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở hiện nay.

          Từ quy chế chung được đề ra, từng cán bộ cũng tích lũy những kinh nghiệm riêng cho bản thân để tiếp xúc với người dân, tạo mối quan hệ gắn bó để thành công  trong công tác vận động. Trong mối quan hệ công việc,  người dân cũng thường nhìn vào đạo đức, tác phong của người cán bộ. Và không gì khác hơn là cán bộ phải thường xuyên gắn bó, tìm hiểu, thể hiện chuẩn mực đạo đức trước dân.         

          Bác Hồ từng nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch”.

          Ngày càng nhiều địa phương thực hiện thành công việc xã hội hóa, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội… Chính nhờ sự gắn bó mật thiết và tạo lòng tin với dân đã mang lại thành công trong huy động sức dân. Đây là bài học quý mà Bác Hồ để lại cho công tác dân vận, hoạt động quan trọng hàng đầu của lực lượng cán bộ đảng viên./.

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *