Bên bờ hạnh phúc

 Những cơn mưa đầu mùa đã trôi qua, bây giờ là lúc mà bà con ở ĐBSCL đang ngóng chờ một mùa nước mới. Con nước son cũng đã về từ mấy tuần trước, cuộc sống của bà con ở vùng hạ lưu Mêkong này cũng đang nhộn nhịp với nhiều hoạt động, chuẩn bị cho cuộc mưu sinh mùa lũ: có nơi đóng xuồng, chỗ thì đan lọp, chỗ làm móc câu..vv…rộn ràng nhất có lẽ vẫn là nghề đan lưới.

Xóm lưới Thơm Rơm nằm dọc quốc lộ 91, thuộc phường Tân Hưng, Quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ. Tuy là quận trực thuộc thành phố nhưng Thơm Rơm vẫn mang nét mộc mạc của một thôn xóm miền Tây.

 

Bà con Thơm Rơm sinh sống chủ yếu với 2 nghề chính là: làm ruộng và chài lưới. Về Thơm Rơm những ngày sau vụ mùa, sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nhộn nhịp của mùa gặt lúa,  mùi thơm rơm mới ấm áp đồng quê…Có lẽ vì vậy mà nơi đây được định danh là xóm Thơm Rơm. …..Và địa danh mộc mạc thân thương ấy còn được nhắc đến qua bài hát Chiếc Ao Bà Ba nổi tiếng 1 thời :

…. “Ngày nắng Thơm Rơm xôn xao mùa lúa chiều

Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu”….

…. Quả thật là như vậy! Hình ảnh khói đốt đồng, mùi rạ mới, và những cây rơm chất cao trở thành nơi nô đùa cho trẻ con… dường như đã đi vào ký ức của cư dân miền Tây nam bộ. Hình ảnh tuy đơn giản nhưng lại trở thành tiêu biểu cho nét đẹp miền quê.

Bên cạnh nghề thuần nông thì Thơm Rơm còn được nhiều người biết đến với nghề đan lưới truyền thống lâu đời và được xem là trung tâm sản xuất lưới cá thủ công lớn nhất ở miền Tây. Cư dân xóm Thơm Rơm có nguồn gốc từ huyện Phú Vang- Thừa Thiên Huế, vào Nam sinh sống đã mấy mươi năm.

Thời ấy ĐBSCL tôm cá còn nhiều. Mùa nước nổi, dân đồng bằng có khi phải lên tận TP.HCM mua lưới về giăng bắt cá. Loại lưới hồi trước người dân quen dùng là lưới giăng, không có chì, không có phao, khi giăng phải dùng dây căng ra bằng cọc.

Thấy cách đánh lưới như vậy không hiệu quả nên ông Hồ Khắc Quý- người gốc làng lưới Phú An- Phú Vang- Thừa Thiên Huế , nhắn người ở tận quê xa gửi vào loại lưới có chì, có phao, khi giăng cá chỉ việc thả nổi dọc theo lòng sông. 

Việc giăng lưới dần có hiệu quả, ông Quý trở thành người có biệt tài trong mắt bà con . Sau này, nhiều người tìm hiểu và nhận ra sự khác biệt giữa tấm lưới từ miền Trung và tấm lưới của miền Nam. Từ đó , học theo cách làm này và nhân rộng tại địa phương, giúp bà con làm phương tiện mưu sinh mùa lũ.

 

 

Khi làng nghề làm ăn khấm khá, nhiều người làm nghề đan lưới từ Huế cũng theo “tiếng thơm” tìm vào sinh sống. Dần dần, hình thành nên nghề đan lưới Thơm Rơm của người Huế ở Cần Thơ. Để bày tỏ sự tri ân,  bà con quanh xóm luôn quý trọng và xem ông Quý là người có công đầu của nghề đan lưới ở Thơm Rơm. Làng nghề nầy hình thành và phát triển cho đến nay đã ngót ngét hơn 30 năm.

 Hiện nay xóm có gần 300 hộ chuyên gia công, sản xuất, kinh doanh các loại lưới và một số loại ngư cụ khác. Nghề lưới đã thực sự mang lại thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn cho bà con nơi đây. Mỗi ngày, một người thợ dập chì, vô phao, hay gia công nhiều công đoạn khác có thể thu nhập từ 150.000 đến 200.000 ngàn đồng. 

Dập chì vô lưới là một trong những công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất. Trước đây người dân phải dùng răng để cắn chì vô lưới. Rất nhiều người đã bị ngộ độc và nhiễm chì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một thời gian dài rất nhiều người đã bỏ nghề hoặc đi nơi khác sinh sống.  Và anh Phan Thanh Dũng là người đã vực dậy làng nghề bằng tâm huyết của mình.

 

Người yêu nghề, sống chết với nghề nên nghề chẳng phụ người. Sự khó nhọc của anh Dũng đã mang lại một sức sống mới, làng nghề cũng trở nên hưng thịnh hơn nhờ chiếc máy dập chì do anh Dũng chế tạo. Từ đó, lưới Thơm Rơm có sức cạnh tranh tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Lưới Thơm Rơm có nhiều hình thức đa dạng như lưới mắt nhỏ dùng để bắt cá linh, cá rô; lưới mắt lớn hay lưới ba màn để bắt cá mè vinh và các loại cá lớn. Ngoài ra lưới Thơm Rơm còn có ưu điểm là mắc đan hẹp, độ bền cao dễ giăng bắt cá, giá lại thấp hơn những nơi khác, phù hợp với túi tiền của bà con mưu sinh bằng nghề hạ bạc trong mùa nước nổi.

 Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại lưới, nhưng người đi lưới cá chuyên nghiệp vẫn chuộng lưới Thơm Rơm. Một phần là do thói quen tiêu dùng, nhưng hơn hết là những ưu điểm mà sản phẩm của xóm nghề mang lại. Cho đến nay, sản phẩm lưới Thơm Rơm cung cấp hầu hết cho thị trường các tỉnh miền Tây Nam Bộ và mở rộng sang cả thị trường nước bạn Campuchia.

Trong cuộc sống của cư dân miền sông nước thì hình ảnh những chiếc xuồng ghe lưới, ghe câu dường như đã in đậm trong ký ức.  Ai lớn lên từ miệt đồng cũng hơn 1 lần theo cha, theo chú đi gỡ lưới buổi sớm mai. Nghe tiếng cá quẫy đuôi, nhìn những tay lưới bạc lung linh trong nắng sớm. Những chiếc xuồng lưới nhỏ nhoi cứ chòng chành, lặng thầm nuôi lớn bao thế hệ gắn đời mình trên sông nước.

 Ẩn giấu phía sau những câu chuyện mưu sinh đầy thi vị ấy, là sự cần mẫn của những người thợ đan lưới Thơm Rơm. 

Mùa nước nổi đã về gần, con nước mùng 10 cũng đang mấp mé. Đây đó trên những cánh đồng bà con đã tất bật mưu sinh với nghề hạ bạc. Chắc chắn sẽ không quên những tấm lưới được đan bằng sự tỉ mỉ, lòng tận tụy của bà con xóm lưới Thơm Rơm. Chúc cho bà con xóm lưới và những cư dân sống bằng nghề đi lưới một mùa làm ăn nhiều hứa hẹn.

Trọng Dũng- Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *