Bên bờ hạnh phúc

 Cá tra là thủy sản đặc thù của ĐBSCL, thế mạnh độc quyền của VN trên thị trường thế giới. Cá tra đã tạo ra kỳ tích với giá trị xuất khẩu 1 tỷ 800 triệu đô – la Mỹ hàng năm và được tiêu thụ tại 135 nước trên thế giới. Song, cả người nuôi và nhà máy chế biến cá tra hiện đang đứng trước khó khăn thách thức để tồn tại và phát triển kể từ đầu năm đến nay.

Cá tra là mặt hàng thủy sản mạnh góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN. Trong năm 2012 này, ước tính xuất khẩu cá tra sẽ đạt kim ngạch 2 tỷ đô-la Mỹ, tăng 200 triệu đô – la Mỹ so với năm trước đó. Mặc dù tốc độ tăng trưởng giá trị rất mạnh lên đến vài chục phần trăm mỗi năm, thế nhưng những đối tượng tham gia vào qui trình sản xuất chế biến cá tra hiện được các tổ chức tín dụng xếp vào nhóm có rủi ro cao và hạn chế đầu tư.

Vậy trong chuỗi giá trị cá tra ai hưởng lợi?

 

Nếu như trước đây nhiều người nuôi cá thu lãi bạc tỷ mỗi ao thì vài năm gần đây phần đông đã điêu đứng, thậm chí bán cả nhà đất cũng vì con cá tra. Để duy trì 1 ao nuôi cá tra, cần phải có nguồn vốn tỷ đồng và vốn vay ngân hàng là tất yếu. Song, trước đây ngân hàng hăng hái đầu tư bao nhiêu thì nay thắt chặt bấy nhiêu. Người nuôi chỉ còn cách treo ao hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp. Việc nuôi cá theo hợp đồng thời gian qua liên tục xãy ra việc bẻ kèo khiến cho chuỗi liên kết đứt gãy. Giờ đây, doanh nghiệp chế biến cá tra tự đầu tư vùng nuôi là chính. Còn những người nuôi cá do khó tiếp cận vốn tín dụng nên sản lượng thả nuôi cũng giảm. 

Ngành công nghiệp cá tra phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây kéo theo hàng loạt nhà máy thức ăn được xây dựng. Đây cũng là chi phí đầu vào lớn nhất và có tỉ lệ tăng giá cao nhất thời gian qua. Như năm 2011, các doanh nghiệp điều chỉnh giá thức ăn thủy sản 6, 7 lần với mức tăng tổng cộng khoảng 1.500 đồng/kg. Bước sang những tháng đầu năm 2012, giá thức ổn định. Song, từ tháng 8 này giá thức ăn đã điều chỉnh tăng 2 lần tương đương 1 ngàn đồng/ kg. Do vậy, giá thành mỗi kg cá tra hiện nay 6 ngàn đồng so với năm trước. Còn so với cách đây 5 năm, giá cá tra nguyên liệu chỉ trên dưới 13 ngàn đồng /kg người nuôi đã có lãi. Còn hiện nay giá bán 23 ngàn đ/kg người nuôi vẫn chỉ hòa vốn.

Có điều nghịch lý là nguyên liệu chế biến thức ăn cá tra hầu hết nhập khẩu và do các công ty nước ngoài chi phối. Khu công nghiệp Hòa Phú Vĩnh Long trước đây có đến 4 nhà máy thức ăn thủy sản do doanh nghiệp trong nước đầu tư. Đến nay cả 4 nhà máy đều đã bán cho các doanh nghiệp nước ngòai hoặc gia công cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Cá tra Việt Nam đã có mặt tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. ĐBSCL có 136 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Song, chỉ có 64 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra có nhà máy chế biến với tổng công suất thiết kế hơn 1,2 triệu tấn/năm. Còn sản lượng xuất khẩu mỗi năm chỉ khoảng 600 ngàn tấn. Việc có quá nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh. Hậu quả, hiện nay trong số hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thì có khoảng 50% ngưng hoạt động. Với một nhà máy mà số tiền vay ngân hàng đầu tư từ vài trăm tỷ lên đến ngàn tỷ đồng, lại phải chịu lãi suất tăng lên gấp 3 lần trong vài năm qua thì việc mất cân đối tài chính là điều tất yếu. 

Là sản phẩm được đánh giá là một mình một chợ nhưng cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều không chủ động về giá. Mỹ và EU là hai thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất nhưng giá trị con thì giảm dần qua từng năm. Thời vàng son những năm 1998 – 2000, mỗi kg cá tra phi – lê 4,9 đô-la Mỹ thì giữa năm 2012 giảm còn một nửa, từ 2,2 – 2,8 đô-la Mỹ. Thậm chí có doanh nghiệp chỉ chào giá 1,4 đô-la Mỹ/ kg. Giá này hiện trong xu hướng giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khủng hoảng nợ công tại EU. Đó là lý do VASEP đã nhiều lần đề xuất giá sàn xuất khẩu cá tra, đưa mặt hàng này vào diện kinh doanh có điều kiện. Gần đây là cuộc họp bàn giữa Vasep với 30 nhà xuất khẩu cá tra hàng đầu, thống nhất giá sàn cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ phải đạt từ 2 đến 2,2 USD/ pound trong những tháng cuối năm. 

Giá sàn cho cá tra là giải pháp được nhiều người tính đến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng có ý định xây dựng dự thảo giá sàn cá tra, được tính toán bao gồm chi phí con giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm, nhân công, các khoản thuế, phí và các khoản chi phí hợp lý khác trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, trong khi chờ dự thảo này được thông qua thì việc cứu cá tra qua cơn giảm giá sâu là cấp thiết. Mới đây, Chính phủ đã quyết định vực dậy ngành nuôi cá tra thông qua gói hỗ trợ 9 ngàn tỷ đồng, lãi suất ưu đãi trong vòng 4 tháng.

Về lâu dài, sắp xếp lại qui trình sản xuất và xuất khẩu cá tra. Trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn và liên kết sản xuất là mong muốn chung của nhà quản lý và người nuôi cá. Đây là bước đi tất yếu với một đất nước có sản lượng cá tra đứng đầu và nuôi trồng thủy sản đứng thứ 3 thế giới. Đây cũng là cách để cá tra VN vượt qua những rào cản kỹ thuật, tránh những cuộc chiến bán phá giá từ các nước nhập khẩu. Qua đó phát huy giá trị một mặt hàng thủy sản chiến lược với kim ngạch 2 tỷ đô – la  hàng năm.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *