Tuy đến ngày 3/9/2012 mới có hiệu lực thi hành nhưng hơn tháng nay kể từ khi được ban hành, Thông tư 33 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn qui định về việc chỉ được bán thịt và phụ phẩm động vật trong vòng 8 giờ sau giết mổ đã gây xôn xao dư luận. Nhiều người cho rằng, những quy định mới trong thông tư thiếu tính khả thi, phương án sửa đổi thông tư cần phải được xem xét thật kỹ sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

 

Theo qui định tại Thông tư 33, thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ sẽ gây khó khăn cho các tiểu thương ngành hàng này. Nếu giết mổ heo từ hai, ba giờ sáng thì chỉ tối đa là mười, mười một giờ trưa phải tiêu thụ hết hàng. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi tại các chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thì hầu hết các sạp thịt heo đều còn tồn đọng thịt khá nhiều sau thời gian này. Thậm chí có nhiều sạp đến đầu giờ chiều vẫn còn đến cả chục kg thịt heo.

Nhiều tiểu thương nêu ý kiến: “Thấy qui định 8 tiếng đồng hồ khó cho bà con chứ hổng gì. Tại vì bán có khi hơn 8 tiếng, 8 tiếng bán không kịp”.

“Hồi đó giờ ở đây chị bán suốt ngày cũng có, có khi bán hết sớm thì về sớm. Thịt về tới đây 3,5h – 4h sáng. Trễ quá thì mình làm hàng hổng kịp. Còn trong lò thì nó làm phải sớm hơn nữa”.

Để giải quyết vấn đề tồn đọng thịt sau 8 tiếng kể từ khi giết mổ, Thông tư 33 cũng qui định đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C thì được bày bán trong vòng 72 giờ và đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ. Tuy nhiên, qui định này cũng có nhiều ý kiến trái chiều.  

Chị Nguyễn Thị Kim Liễu, Tiểu thương cho rằng:“Ướp lạnh thì được nhưng sợ người dân có chịu mua ăn hay là không”.

Còn theo chị Nguyễn Ngọc Hằng: “Việc đó hơi khó, người ta ăn sợ thịt lạnh cũ mình bán hổng được chứ hổng gì. Đầu tư tủ thì tốn kém, chiều về không biết để đâu”.

Việc ban hành Thông tư siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là điều rất cần thiết nhằm từng bước nâng cao, cải thiện điều kiện giết mổ, bảo quản, kinh doanh thịt gia súc – gia cầm, góp phần ngăn ngừa dịch bệnh động vật lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khẻ cộng đồng. Tuy nhiên, việc quy định chỉ được bán thịt trong khoảng thời gian 8 giờ kể từ sau khi giết mổ gia súc – gia cầm sẽ gây khó khăn nhất định trong điều kiện thực tiễn hiện nay.Hơn nữa, trên thực tế, khó có đủ lực lượng cũng như tiêu chuẩn để kiểm soát thời gian đối với người bán thịt.

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Tiểu thương:  “Ra qui định thì rất đúng nhưng thời gian 8 tiếng không làm kịp, phải 10 tiếng, 12 tiếng thì khoảng 1h, cho thời gian vậy đi, còn 8 tiếng hổng làm kịp, vì 11, 12h còn. Nếu còn ít bỏ mối được, nhiều thì bỏ mối không hết. Ướp lạnh thì hổng ai mua”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng thừa nhận, nhìn chung là khó áp dụng. Trước nhiều ý kiến trái chiều của người dân về Thông tư 33, Bộ Nông nghiệp – Phát triển vừa chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét lại một số quy định và điều chỉnh, bổ sung sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trình Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới./.

Tấn Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *