Bên bờ hạnh phúc

 Những năm vừa qua thì nghề nuôi thủy hải sản ở huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang cũng đã giúp cho rất nhiều bà con ngư dân ở đây phát triển kinh tế gia đình.

 

Những năm gần đây, nhờ thị trường tiêu thụ khá ổn định, những nghề nuôi các loài thủy hải sản trên huyện đảo Phú Quốc cũng phát triển khá mạnh. Điển hình như nghề nuôi hải mã, bào ngư, ốc hương, cá mú,…Trong đó, đáng chú ý là nghề nuôi ốc hương. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nghề này phát triển với tốc độ khá nhanh. Hiện tại, những nơi có bãi cát trắng, môi trường sạch, yên tĩnh đều có hộ dân đến đặt lồng nuôi ốc hương, nhiều nhất là ở các xã Hàm Ninh, Cửa Cạn và Gành Dầu.

Nằm ở phía Tây Bắc của đảo Phú Quốc, sở hữu nhiều bãi biển sạch và yên tĩnh, Gành Dầu hiện đang là nơi khá lý tưởng để phát triển nghề nuôi ốc hương. Trên địa bàn xã cũng có vài chục hộ nuôi, tập trung nhiều ở ấp Rạch Vẹm. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phan Văn Diễu, được giới thiệu là một trong những người nuôi ốc hương thành công nhất tại đây. Năm 2011 vừa qua, anh đầu tư nuôi được 8 lồng, trung bình mỗi lồng đến khi xuất bán đạt khoảng 700 kg, giá bán 180.000 đồng/kg thương phẩm; sau khi trừ chi phí gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng.

 

 

Trước đây gia đình anh Diễu rất nghèo, quê anh ở tận Hà Tĩnh. Lớn lên ra đời lập nghiệp với nghề duy nhất là thầy giáo dạy võ. Tuy nhiên, cuộc sống khá bấp bênh. Đến khi anh lập gia đình thì cuộc đời anh được rẽ sang lối khác. Vợ anh vốn là người của biển đảo, chẳng có nghề gì khác ngoài nghề đánh bắt nhỏ ven bờ. Còn cái nghề dạy võ của anh cũng không thể bảo bọc hết cho cả gia đình. Vậy là, anh phải học các ngón nghề như đánh lưới, gập ghẹ,… để cùng vợ kiếm cơm qua ngày. Đến năm 2007, tình cờ có một người ở Nha Trang vào Phú Quốc tìm chỗ nuôi ốc hương, gặp anh Diễu tính tình thật thà, dễ mến nên rủ anh Diễu cùng nuôi. Không may mắn, năm đó thời tiết xấu, nuôi bị thất bại, gia đình lỗ vốn. Tuy nhiên, sau thất bại đó, tuy không còn tiền nhưng cái được của anh Diễu chính là kinh nghiệm với nghề nuôi ốc hương.

Anh cho biết, ốc hương rất dễ nuôi và nhanh lớn. Thời gian nuôi từ 4 tháng đến 4 tháng rưỡi là tới lứa thu hoạch. Hơn nữa, chi phí đầu tư ban đầu cũng không lớn lắm. Chẳng hạn, một lồng nuôi  diện tích 24 m2, chi phí khoảng 2 triệu đồng, thả nuôi được 7 đến 8 vạn con, chi phí con giống khoảng 15 triệu đồng. Trong thời gian nuôi, 2 tháng đầu thức ăn không nhiều mỗi ngày chỉ  2kg/1 vạn con; 2 tháng cuối thì thức ăn tăng gấp 5 lần, tính ra tổng chi phí thức ăn khoảng 50 triệu đồng. Đến khi xuất bán người nuôi thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Nhẩm tính, tỷ suất lợi nhuận có thể trên 60% so với số tiền đầu tư. Từ đó anh Diễu mới quyết tâm theo nghề. Hơn 3 năm nay, năm nào anh Diễu cũng được trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận cao, giúp gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Anh còn cho biết, tuy ốc hương dễ nuôi, lợi nhuận cao nhưng trong quá trình nuôi cần quan tâm đến môi trường nuôi. Do đó, vùng nuôi cũng phải được chọn lựa cho phù hợp.

Những năm qua, tuy là những bãi biển sạch và đẹp trên đảo Phú Quốc đều được quy hoạch vào các dự án phát triển du lịch nhưng trong thời gian chờ đợi triển khai dự án, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân nuôi thủy hải sản nói chung, ốc hương nói riêng để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho ngư dân nghèo trên đảo. Và điều đó đang thật sự có ích đối với những hộ dân cần cù chịu khó như gia đình anh Phan Văn Diễu.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *