Bên bờ hạnh phúc

Hai tuần trở lại đây, dịch đau mắt đỏ đang tăng lên nhanh tại Hà Nội. Đến bệnh viện Mắt TƯ, không chỉ bệnh nhân tới khám đau mắt mà số nhân viên y tế bị lây nhiễm đau mắt đỏ cũng khá nhiều.

 

BS Cương cho biết, không chỉ bệnh nhân bị đau mắt đỏ tới khám, mà nhiều người ở viện điều trị bệnh lý khác, đến viện thăm người nhà, nhân viên y tế cũng bị lây đau mắt đỏ. Ảnh: T.Hưng

Cả nhà cùng đeo kính

Đến hẹn lại lên, năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm này là dịch đau mắt đỏ xuất hiện nhiều do thời tiết nắng, nóng, không khí bụi bẩn là điều kiện lý tưởng cho virus gây bệnh đau mắt đỏ sinh sôi phát triển. Bệnh dễ dàng lây đến mức, nhiều người cảm giác chỉ nhìn, đứng gần người đau mắt đỏ là tối về cũng lây ngay. Thực tế, virus gây đau mắt đỏ là loại virus lây qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đường nước… Do đó, việc lây lan sang người khác rất dễ dàng, dễ bùng phát thành dịch. Chỉ một lần lấy tay dụi mắt, rồi lại cầm nắm cửa sổ, bấm vào thang máy… người lành lại cầm vào nắm cửa đó, rồi lấy tay rụi mắt là đã có thể lây lan vi-rút gây bệnh. Đó chính là những yếu tố khiến từ một người đau mắt đỏ có thể truyền bệnh cho nhiều người, dẫn đến cả gia đình cùng đỏ mắt là điều khó tránh khỏi.

Cụ thể, mấy ngày gần đây, số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Mắt TƯ vì đau mắt đỏ có xu hướng tăng lên. Có ngày lên tới trăm người tới khám và điều trị. Cảnh cha bồng, mẹ bế, cả nhà cùng đeo kính đen đến viện khám không phải là xa lạ. Nhiều người lành đến viện thăm bệnh nhân, đến viện khám, hay như nhân viên y tế luôn có ý thức rửa tay kỹ sau mỗi lần khám bệnh… mà cũng bị lây nhiễm.

Chị Lan (Cầu Giấy, Hà Nội) cùng chồng đưa cô con gái 5 tuổi tới viện khám sáng nay cho biết, hai vợ chồng chị lây từ con. Cách đây hai hôm, đón con ở trường về, thấy mắt con đỏ, có hiện tượng mọng nước, nghĩ con có thể lây đau mắt từ các bạn cùng lớp nên chị đã nhỏ nước muối sinh lý, dùng riêng khăn rửa mặt, bồn rửa… Nhưng tối ngủ hai mẹ con vẫn ôm dịt lấy nhau. Sáng ra, mở mắt chị cũng thấy khó chịu, rồi cũng bị đau mắt đỏ. Tiếp đó đến chồng cũng bị. Đến hôm nay, mắt sưng húp nên cả nhà phải tới viện khám.

Triệu chứng chính là cộm mắt, ngứa, cảm giác có dị vật trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều rỉ mắt, mắt đỏ. Đôi khi sáng ngủ dậy, dử mắt làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Bệnh hay bắt đầu từ một mắt, sau đó vài ba ngày đến mắt thứ hai… Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.

Chớ dùng thuốc chống viêm

Đau mắt đỏ là bệnh do vi-rút gây ra, rất dễ lành nếu được nhỏ đúng thuốc, còn dùng sai thuốc, nó có thể gây hậu quả nặng nề, khiến người bệnh mắt sưng húp, ken đặc dử mắt không mở ra được. Chưa kể nguy cơ xước lòng đen của mắt là rất cao, do nguyên nhân xông lá, xông tinh dầu, nhỏ thuốc sai. Với trường trường hợp bị xước lòng đen trong mắt, việc điều trị cả tháng trời mới lành bệnh.

Tuy nhiên, người bệnh lại rất chủ quan. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân có dấu hiệu đỏ mắt thường không đi khám mà tự ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị. Những thuốc phổ biến mà người dân hay dùng lại là các thuốc chống viêm như Nemydexa, Clodexa… vốn là những thuốc tra mắt phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. “Ở giai đoạn đầu của hiện tượng đau đỏ mắt, không bao giờ bác sĩ chúng tôi dám chỉ định các thuốc chống viêm này cho bệnh nhân. Vì đỏ mắt là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau, có thể có sự chẩn đoán nhầm lẫn trong giai đoạn đầu.

Nếu dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid ngay là rất nguy hiểm. Như đỏ mắt ở trẻ có thể là viêm kết mạc do lậu cầu, hay đỏ mắt ở người lớn do viêm kết mạc do vi khuẩn… Nếu sử dụng các loại thuốc này, bệnh lý càng trở nên nặng nề, điều trị khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ sau 3 ngày không đỡ, chắc chắn chẩn đoán đúng bệnh thì bác sĩ mới cân nhắc sử dụng các loại thuốc này”, BS Hoàng Cương, khoa Khám bệnh, bệnh viện Mắt TƯ nói.

Việc điều trị tốt nhất là dùng muối sinh lý rửa mắt nhiều lần trong ngày để rửa sạch dử mắt, sau đó có thể tra kháng sinh phổ rộng, ngày 3-4 lần. Như ở trẻ em, kháng sinh phổ rộng thường được dùng là Tobrex, còn ở người lớn thuốc dùng phổ biến là Chloramphenicol. Khi bị đỏ mắt, dùng theo phác đồ này 3 ngày mà không thấy đỡ, hoặc bệnh tiến triển nặng lên thì người bệnh nên tới bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Tuyệt đối không xông lá trầu không, xông tinh dầu vì sức nóng của nó càng khiến tình trạng mọng mắt thêm phù nề.

Cũng cần lưu ý, khi bị đau mắt đỏ dù đã điều trị khỏi nhưng một tuần sau đó vẫn có thể lây bệnh cho người khác, nên mọi người cần có ý thức cách ly, tránh dùng chung dụng cụ sinh hoạt, không dùng tay dụi mắt, nên rửa tay thường xuyên với xà phòng. Trong giai đoạn này, để phòng bệnh mọi người nên dùng muối sinh lý nhỏ mắt hàng ngày, nhưng cần dùng riêng mỗi người một lọ, tránh nguy cơ lây lan qua đầu nhỏ.

Theo dantri

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *