Bên bờ hạnh phúc
Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 40.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và 26 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2011, số mắc tăng hơn 35%. Trong đó các tỉnh phía Nam số mắc chiếm 90%, tử vong chiếm hơn 80%. Tất cả trường hợp tử vong do SXH đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường là trẻ dưới 15 tuổi. Thông tin trên được TS Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH những tháng cuối năm 2012 do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-8.
 
 

Type huyết thanh gây bệnh có thay đổi

TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết ba năm trở lại đây, sáu tỉnh Đông Nam Bộ có số ca mắc SXH cao hơn 13 tỉnh khu vực miền Tây, miền Trung-Tây Nguyên. Viện Pasteur đang nghiên cứu mô hình SXH khu công nghiệp vì các nơi này mắc bệnh nhiều. Nguyên nhân có thể do công nhân sức khỏe yếu, môi trường lây bệnh cao.

Đặc biệt SXH năm nay có sự thay đổi type huyết thanh. Nếu như các năm trước, type D1, D2 xuất hiện thường xuyên thì từ năm 2011 đến nay xuất hiện thêm type D3, D4. Sự xuất hiện trở lại type D3 và D4 đồng nghĩa với việc đỉnh dịch tháng 9, 10 sẽ rất cao.

BS Nguyễn Đắc Thọ cho rằng nếu như type D1, D2 có động lực mạnh, dễ tử vong thì type D3, D4 có tính lây lan nhanh. Vối bốn type huyết thanh này thì mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc nhưng với người lớn do lâu nay type D3, D4 lặng nên không có kháng thể thì giờ khả năng sẽ bị mắc nhiều. “Người lớn mắc SXH tỉ lệ nặng không nhiều bằng trẻ em nhưng cũng có trường hợp diễn tiến nặng làm suy đa tạng dẫn đến tử vong” – TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, nói.

Xử phạt phòng, chống dịch bệnh: Không khả thi

Đại biểu đến từ Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe tỉnh An Giang cho rằng cứ sau mỗi chiến dịch diệt lăng quăng, ổ lăng quăng càng nhiều hơn. Địa phương cũng đã nghĩ đến việc áp dụng xử phạt vi phạm Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhưng lại không khả thi do chính quyền địa phương còn cả nể. Người có thế lực, địa vị, tiền bạc có sai phạm thì địa phương ngần ngại. Gia đình cán bộ, công nhân viên và thân thích của họ, do tình cảm cũng không phạt. Chỉ có người nghèo bị mang ra phạt nhưng người nghèo thì không có tiền! “Khi áp dụng xử phạt thì rõ ràng có nhiều đụng chạm. Thí dụ chủ tịch xã ra quyết định xử phạt người dân, còn chủ tịch xã sai phạm thì ai xử lý” – vị cán bộ này đặt vấn đề. “Ai có thể làm được việc xử lý này. Nên chăng các địa phương phối hợp với cảnh sát môi trường thì sẽ khả thi hơn” – đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên phát biểu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ xem lại nghị định hướng dẫn xử lý vi phạm phòng, chống bệnh truyền nhiễm và xây dựng thông tư hướng dẫn thêm. Trong năm nay sẽ thí điểm xử phạt ở một số tỉnh trọng điểm. Theo bộ trưởng, việc xử lý hành chính về vi phạm phòng, chống bệnh truyền nhiễm, chúng ta đã có hành lang pháp lý thì phải làm được.

 

Để trẻ tử vong, ngành y tế có một phần trách nhiệm!

Việc trẻ em tử vong có một phần trách nhiệm của ngành y tế. Tôi đã chứng kiến những trẻ khỏe mạnh, bụ bẫm đang đọc “diệt lăng quăng, diệt muỗi” xong mắc bệnh vào sốc và tử vong. Khu vực ĐBSCL là nơi có số ca mắc và tử vong cao nhất nhưng có phong tục chứa nước trong lu vại, để trong nhà không đậy kín, lăng quăng đầy lu, khuyên đổ thì tiếc. Có con chết rồi mới chịu đổ đi.

Để giảm tử vong, các bệnh viện tuyến trên như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh nhiệt đới tăng cường tập huấn cho tuyến dưới. Những bệnh viện nào để trẻ chết thì bị cắt thi đua. Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các vụ, cục liên quan chuẩn bị các hóa chất, thuốc men để cung cấp cho các bệnh viện khi cần thiết.

Bà NGUYỄN THỊ KIM TIẾN, Bộ trưởng Bộ Y tế

Nguy cơ phát dịch trong mùa tựu trường

Như dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng TP, đỉnh dịch năm nay có thể rơi vào cuối tháng 8, đầu tháng 9, là mùa tựu trường, khi đó sẽ có hiện tượng học sinh từ cộng đồng đổ dồn về trường học và lây lan bệnh qua tiếp xúc trong nhà trường, từ đó phát tán bệnh ngược trở về cộng đồng.

Các bậc phụ huynh nên sát cánh cùng nhà trường, tích cực giữ vệ sinh tay, miệng, vệ sinh khử khuẩn hằng ngày và hằng tuần, rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, cho trẻ ngủ màn và diệt lăng quăng, diệt muỗi trong nhà và quanh nhà… Phụ huynh học sinh phải là nòng cốt trong phòng, chống dịch cho con em mình bên cạnh sự giúp sức của y tế địa phương và nhà trường.

TS-BS TRẦN PHỦ MẠNH SIÊU, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

 

Theo Duy Tính ( PL TPHCM )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *