Bên bờ hạnh phúc

Ngày 13-8, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai, hướng dẫn việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy; các đồng chí lãnh đạo các ban đảng Trung ương, bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

 

Góp ý thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm

Báo cáo của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Hồng Anh trình bày tại hội nghị cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả bước đầu và hiện nay đang chuẩn bị triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Đây là công việc rất quan trọng, đang được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Tổ chức tốt công việc này sẽ tạo cơ sở, tạo niềm tin để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4. “Với tinh thần đó, Bộ Chính trị phổ biến với các đồng chí về việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để các đồng chí vận dụng, thực hiện tốt ở địa phương, đơn vị mình” – đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh.

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý để chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư được Bộ Chính trị đã xác định rõ yêu cầu, nội dung cần góp ý là bám sát vào 3 nội dung cấp bách đã nêu trong nghị quyết. Ngay từ đầu tháng 5-2012, Bộ Chính trị đã có các công văn yêu cầu các ban thường vụ cấp ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương góp ý chuẩn bị kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư; giao đảng ủy nơi các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác tổ chức lấy ý kiến của các chi ủy nơi cư trú, chi ủy nơi công tác góp ý chuẩn bị kiểm điểm cá nhân các đồng chí này. Đến ngày 21-6-2012, đã có 89 cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan Trung ương gửi văn bản góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, 25 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và 36 chi bộ nơi công tác và nơi cư trú góp ý cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị nghiêm túc và trân trọng tổ chức lấy ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ phận Thường trực đã tổ chức 2 hội nghị (ngày 17-5-2012 tại Hà Nội và ngày 18-5-2012 tại TPHCM) với thành phần: các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng và tương đương.

Đồng chí Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì các hội nghị và trực tiếp phổ biến mục đích, yêu cầu và cách thức góp ý chuẩn bị kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đã có 30 đồng chí phát biểu ngay tại hội nghị hết sức thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết, mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự gương mẫu kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đã được tập hợp và gửi nguyên văn đến các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị đã dành một phiên họp để thảo luận tiếp thu, đồng thời có công văn gửi tới từng đồng chí dự hội nghị thông báo ý kiến tiếp thu của Bộ Chính trị.

Đến ngày 21-6-2012, đã có 103 đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi bản góp ý kiến cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 72 đồng chí góp ý cho cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nội dung góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng (một số đồng chí tự viết tay nhiều trang); góp ý cụ thể, chi tiết. Bộ Chính trị đã có thư cảm ơn các đồng chí gửi văn bản góp ý kiến với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm theo trình tự: tập thể trước, kiểm điểm cá nhân sau. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong 4 ngày. Tại đây, sau khi nghe Văn phòng Trung ương Đảng trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm, tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu, có đồng chí phát biểu 2 lần; phát biểu dài nhất gần 2 giờ; ít nhất trên 30 phút. Nội dung phát biểu được các đồng chí chuẩn bị kỹ; các vấn đề nổi cộm của tập thể trên cả 3 nội dung đều được đặt ra để phân tích.

Kết luận phần kiểm điểm tập thể, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định những ưu điểm cơ bản và chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm; đồng thời yêu cầu tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề quan trọng nảy sinh trong quá trình kiểm điểm. Cụ thể: 1. Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Bộ Chính trị một số vấn đề về việc thực hiện các quy định của Đảng, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa X khi đề nghị xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân có liên quan đến trách nhiệm đối với vụ Vinashin; 2. Giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 8) về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu Vinashin và về vụ việc ở Vinalines mới đây; 3. Giao Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục bổ sung báo cáo kiểm điểm tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sau khi kiểm điểm các cá nhân sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân trong 12 ngày, chia làm 2 đợt.

Đợt đầu 5 ngày, từ ngày 21 đến 25-7 kiểm điểm tự phê bình và phê bình 4 đồng chí lãnh đạo chủ chốt: đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Đợt 2 trong 7 ngày, từ ngày 1-8 đến 7-8-2012 Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục kiểm điểm tự phê bình và phê bình cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn lại.

Nhìn chung, các bản tự kiểm điểm của cá nhân được trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư được chuẩn bị kỹ, kiểm điểm nghiêm túc. Các ý kiến góp ý chân tình, thẳng thắn; các vấn đề được các tổ chức Đảng và cá nhân góp ý với cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được trình bày, phân tích góp ý. Kết luận phần kiểm điểm cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm tra, xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị và báo cáo Bộ Chính trị (trong tháng 9-2012) để có kết luận cụ thể.

Bài học kinh nghiệm và những việc làm tiếp

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, quá trình chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình, phê bình tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn trọng, chu đáo, chặt chẽ và khoa học, với nhiều điểm nổi bật khác với kiểm điểm hàng năm, giữa nhiệm kỳ và các đợt kiểm điểm của các khóa gần đây. Trong kiểm điểm, nhìn chung, không khí thảo luận thẳng thắn, góp ý dân chủ, đoàn kết, chân thành. Hầu hết các vấn đề nổi cộm, bức xúc được các tập thể và cá nhân góp ý với tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều được đặt ra, phân tích, mổ xẻ. Khi kiểm điểm cá nhân, tất cả các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều phát biểu góp ý cho đồng chí mình, nhiều đồng chí phát biểu lần 2, có trao đổi qua lại giữa các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư về cùng một vấn đề. Đồng chí Tổng Bí thư đã thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận về kiểm điểm của từng đồng chí (Bộ Chính trị sẽ ban hành các kết luận này để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương).

Qua kiểm điểm đã làm rõ hơn, sâu hơn ưu, khuyết điểm và hạn chế của tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số vấn đề quan trọng cấp bách về xây dựng Đảng (về trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhất là về các vụ việc Vinashin, Vinalines; về thiếu sót, khuyết điểm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XI và công tác cán bộ; về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; về một số dư luận bức xúc liên quan đến cá nhân, gia đình, vợ con…). Kiểm điểm Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị, là dịp để các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tự học hỏi nâng cao trình độ, năng lực…

Trong kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đối với kiểm điểm cá nhân các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, điều nổi bật nhất là phải thật sự thấm nhuần tinh thần tự phê bình và phê bình, tự giác, chân thành, tự khép mình vào kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nội dung kiểm điểm bám sát vào từng nội dung, yêu cầu được nêu trong nghị quyết của Trung ương 4 khóa XI, chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị và hướng dẫn của các ban xây dựng Đảng, trình bày một cách rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, đi thẳng vào những vấn đề cần kiểm điểm, những vấn đề được góp ý trước khi kiểm điểm. Trong quá trình kiểm điểm, có những vụ việc kết luận được thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định ngay; có những việc cần phải có thời gian để kiểm tra, xác minh thì giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ. Những vụ việc trước đây đã có kết luận nay không có tình tiết gì mới làm thay đổi bản chất sự việc thì không xem xét lại.

Sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình này, từng cá nhân các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ tiếp tục suy nghĩ, thật sự cầu thị, thành khẩn, tự nghiêm khắc với mình hơn nữa, bổ sung, hoàn thiện, nâng chất lượng bản tự kiểm điểm cá nhân của mình để báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, làm gương cho cấp dưới và làm kinh nghiệm cho các khoá sau.

Bộ Chính trị cũng giao cho bộ phận Thường trực giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư qua kiểm điểm để hoàn thiện báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và bản giải trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số vấn đề chung mà các tập thể, cá nhân góp ý cho tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẩn trương tiến hành thẩm tra, xác minh, làm rõ một số vấn đề mà Bộ Chính trị giao, bảo đảm thật khách quan, đúng nguyên tắc, nghiêm túc, kết luận rõ ràng và báo cáo Bộ Chính trị; đồng thời Bộ Chính trị sẽ nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chủ trương cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin và về vụ việc Vinalines theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị trong quá trình kiểm điểm.

Tháng 9-2012, Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ họp lại để thông qua báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bản tiếp thu giải trình… đánh giá chính thức về kết quả kiểm điểm và xem xét việc kỷ luật (có hay không, đến mức nào đối với tập thể và cá nhân) để báo cáo với Trung ương.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ, quá trình kiểm điểm tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư vẫn còn tiếp tục và sẽ hoàn thành sau khi Ban Chấp hành Trung ương xem xét, đánh giá theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Từ cách làm, kinh nghiệm chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng các cấp phát huy tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng để vận dụng nhuần nhuyễn, từ đó làm tốt việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở đơn vị và địa phương mình sắp tới.

“Cần nhận thức đầy đủ và thật sâu sắc tính quan trọng của đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình này. Từ đó có quyết tâm thật cao với niềm tin thắng lợi và có biện pháp tổ chức chỉ đạo thật chặt chẽ, khoa học. Phê bình và tự phê bình là một giải pháp để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 cũng như để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, và đây là một giải pháp rất quan trọng. Lần này Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã mở đầu, chúng ta làm từ cấp trên xuống. Nếu lần này chúng ta làm không tốt, nguy cơ là tiếp tục giảm sút lòng tin. Toàn Đảng, toàn dân đang trông chờ chúng ta. Đây là sức ép rất lớn đối với chúng ta, nhưng đây cũng là cơ hội lớn để làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; lấy lại, củng cố lòng tin đối với Đảng, với chế độ và chính quyền chúng ta” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo Trần Lưu ( SGGPO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *