Bên bờ hạnh phúc

Thịt lươn ngọt ngon, dễ ăn lại bổ dưỡng nên thường được các bà nội trợ ưu tiên chọn lựa chế biến trong bữa ăn hàng ngày của gia đình như: lươn um lá cách, lươn xào sả ớt, cháo lươn, canh chua lươn… Và sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua món gỏi lươn thơm ngon, dân dã.

 

Mùa mưa đến không chỉ tạo điều kiện cho cây cối đâm chồi nảy lộc mà còn là mùa sinh sôi phát triển của các loài thủy sản nước ngọt, trong đó có lươn đồng – một trong những thực phẩm quen thuộc của người dân vùng ĐBSCL. Lươn lớn dai ngon, nhiều thịt được đa phần các bà nội trợ ưa chuộng thế nhưng điều đó không có nghĩa lươn nhỏ sẽ kém ngon mà ngược lại đây là thành phần chính làm nên hương vị thơm ngon, đặc trưng cho món gỏi này.

Bà Nguyễn Thị Bé, xã Hòa Bình – Trà Ôn cho biết: “Hồi xưa các chú thanh niên hay là ai đi ủ lươn hay đặt trúm gì bắt được lươn lớn làm các món khác nhưng mà lươn nhỏ hay con lịch là làm món gỏi rau răm, lươn nhỏ nướng nó mau vàng mà thịt nó ngọt, lại ngon.”

Mang theo đặc điểm ăn dã chiến nhanh, gọn của người Nam bộ xưa nên từ nguyên liệu đến cách thức chế biến món ăn này không có gì gọi là cầu kỳ. Lươn sau khi làm sạch cứ việc kẹp nẹp tre nướng trui, rồi ra vườn ngắt mớ đọt rau răm là có ngay đĩa gỏi lươn thơm lừng, hấp dẫn. Đặc biệt, đối với món gỏi lươn chánh tông ngày xưa thì rau răm đóng cả 2 vai trò rau ghém và rau mùi, đây chính là cái làm nên điểm khác biệt giữa món này với các món gỏi thông thường khác. Còn ngày nay tùy theo biến tấu của mỗi nơi, món này còn có thể kèm theo bạc hà hay bắp chuối để tăng thêm phần hương vị.

Từng thớ lươn thơm giòn, hòa vào vị chua ngọt của gỏi và chút cay nồng của rau răm đọng lại nơi đầu lưỡi sẽ đem đến cho người thưởng thức hương vị độc đáo của món ăn này. Chính vì lẽ đó mà món gỏi lươn tuy đơn giản nhưng không hề đơn điệu./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *