Bên bờ hạnh phúc

Mấy tháng gần đây, chuyện thời sự nông nghiệp ở huyện Trà Ôn là nông dân bỏ ruộng lúa để lên liếp trồng cam sành mà tâm điểm là ở xã Thuận Thới. Do cam sành đang có giá trên thị trường nên nhiều nông dân đã đổ xô đi trồng cam, một trong những loại cây ăn trái đặc sản không hề dễ trồng.

Theo các nhà vườn cho biết, một công đất trồng cam sành từ lúc lên liếp trồng cho đến khi thu hoạch trong thời gian chăm sóc khoảng 2 năm thì nhà vườn phải đầu tư trên 20 triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Cống Đá, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn vừa bỏ vốn ra gần 30 triệu đồng để chuyển đổi 5 công đất ruộng trồng lúa bấy lâu nay thành vườn cam sành với hy vọng có thu nhập tốt hơn làm lúa để đổi đời.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Thuận Thới – Trà Ôn phát biểu: “Trước đây làm lúa không, bây giờ người ta lên vườn nên mình cũng phải làm theo người ta. Nếu tính về kinh tế thì nó lời hơn lúa nhưng mình cũng phải chăm sóc đổ vốn vô cũng nhiều.”

Sự biến động bất thường, khó lường về giá cả hàng hóa nông sản trên thị trường đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nông dân. Thực tế đã qua người dân sản xuất đa phần là chạy theo phong trào và tự phát theo ý chủ quan được đến đâu hay đến đấy, thấy người này làm thì mình cũng làm theo, đôi khi là phó mặc cho sự may rủi.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai, xã Thuận Thới – huyện Trà Ôn chia sẻ: “Mần lúa 1 mùa 1 công lời khoảng 1 triệu hoặc 1 triệu mấy không có dư. Thấy trồng cam lời nhiều nên tôi trồng cam.”

Từ đầu năm đến nay, trong số 54 ha vườn trồng mới cam sành ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn thì có đến 24 ha được nông dân chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa. Đây là địa phương có diện tích đất lúa chuyển sang trồng cam sành nhiều nhất huyện.

 Ông Tô Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thuận Thới – Trà Ôn phát biểu: “Do lợi nhuận tăng nên người dân đổ xô đi trồng cam nên diện tích ngày càng tăng. Trên cơ sở đó đã phá vỡ quy hoạch của xã đề ra về quy hoạch vùng. Xã đang kiến nghị về trên quy hoạch lại để người dân không sản xuất cam ồ ạt.”

Trong khi đó, cũng ở huyện Trà Ôn, nông dân của 2 xã Tích Thiện và Vĩnh Xuân đã ban đất vườn trồng cam với diện tích gần 20 ha để trồng lúa vì vườn cam bị bệnh. Toàn huyện Trà Ôn hiện có hơn 2.400 ha vườn trồng cam sành, trong đó riêng xã Thuận Thới chiếm gần 290 ha. Nếu tính chung diện tích trồng cam sành của cả tỉnh hiện nay là gần 6.200 ha, giảm hơn 1.000 ha so với hồi năm ngoái. Lý do giảm là cam bị bệnh, nông dân đốn bỏ để trồng các loại cây khác.

Cam sành là loại cây trồng khó tính, đòi hỏi bà con nông dân phải nắm vững kỹ thuật. Mặt khác, trồng cam sành cần phải có đủ vốn đầu tư. Theo các nhà vườn cho biết, một công đất trồng cam sành từ lúc lên liếp trồng cho đến khi thu hoạch trong thời gian chăm sóc khoảng 2 năm thì nhà vườn phải đầu tư trên 20 triệu đồng.

 Ông Trần Văn Phúc, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn phát biểu: “Diện tích lên vườn hiện nay tập trung ở xã Thuận Thới. Đối với kỹ thuật chăm sóc cam tương đối là khó. Do đó đòi hỏi bà con phải nắm vững kỹ thuật trồng cam.”

Gần 10 năm trước, nhiều nông dân xã Tân An Thạnh đã bỏ ruộng lên vườn trồng mận An Phước và kết quả là vài năm sau đó họ lại đốn mận ban vườn để trồng màu. Còn gần đây là khoai lang tím Nhựt, nông dân 2 huyện Bình Tân và Bình Minh đã đổ xô đi trồng khoai. Người có đất, có kinh nghiệm trồng đã đành, đằng này ngay cả những người chưa hề làm nghề nông cũng đi thuê đất để trồng khoai và rồi chuyện gì đến cũng đến: “cung vượt cầu”, giá khoai xuống thấp dưới giá thành, người nông dân lỗ vốn.

Và bây giờ là chuyện nhiều nông dân ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn bỏ ruộng lúa để lên liếp trồng cam sành vì cam sành đang có giá trên thị trường. Việc nông dân tự phát chuyển đất trồng lúa để trồng cam sành ở huyện Trà Ôn trong thời gian gần đây đã phá vỡ quy hoạch, gây khó khăn cho khâu chăm sóc cả 2 loại cây trồng này do vườn cam xen lẫn cánh đồng lúa. Ấy là chưa kể đến việc trồng cam ồ ạt thì tương lai sẽ khó tránh khỏi tình trạng cung vượt cầu và khi đó thiệt thòi luôn thuộc về phía người nông dân.

Cách đây chưa lâu, ở huyện Tam Bình – địa phương nổi tiếng về cam sành – nhiều nhà vườn phải đồng loạt đốn bỏ vườn cam vì dịch bệnh. Thực ra sự chuyển đổi cây trồng trong sản xuất nông nghiệp là chuyện bình thường nhằm tăng giá trị trên cùng 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Thế nhưng sự chuyển đổi đó phải đúng quy hoạch, phải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng nơi, chứ không thể theo kiểu chạy theo phong trào để rồi sau đó phải lặp lại cái điệp khúc “trồng, chặt.”.

Nguyễn Phước
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *