Bên bờ hạnh phúc

Từ 3 công ruộng ban đầu, chỉ hơn 10 năm sau, ông đã có trong tay gần 3 ha đất, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng, đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương chỉ mới ngoài 50 tuổi. Càng đáng trân trọng hơn, khi ông là một thương binh.

Ông tên Tăng Văn Hoàng ở ấp An Thành Tây, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đối với người dân địa phương, tên tuổi  của ông có lẽ không còn quá xa lạ bởi những câu chuyện khá cảm động về người thương binh nổi tiếng là cần cù, chịu khó, giàu nghị lực này.

 

 

Năm 1984, theo tiếng gọi của non sông, ông lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia – năm đó ông mới 22 tuổi. Đến năm 1986 thì  bị thương và được phục viên về với gia đình. Kể từ đó, ông lại bắt đầu cho một cuộc chiến mới đó là “cuộc chiến mưu sinh”. Bởi lẽ, hoàn cảnh gia đình quá nghèo, cha mẹ có đến 13 người con trong khi chỉ có 7 công ruộng, không thể đủ ăn, đừng nói là có dư tích lũy.

Đứng trước hoàn cảnh như vậy, ông bắt đầu nghĩ ra cách mới để làm ăn. Ông đoán biết vài năm tới máy tuốt lúa sẽ thịnh hành, thế là ông bảo với các anh em, cố gắng tận dụng đôi trâu nhà, đi cày mướn dành dụm thêm tiền mua máy tuốt. Ban đầu mua được 01 máy, làm ăn thấy đạt, ông vay tiền mua thêm 2 máy. Nhờ anh em trong nhà ai cùng đồng lòng làm việc, chẳng bao lâu đã trả được nợ và mua thêm đất đai cho gia đình.

Dù không phải con trưởng trong gia đình, nhưng ông Hoàng rất có uy tín với cha mẹ, anh chị em; mọi người tôn trọng ông không chỉ vì ông giỏi tính toán, làm nên chuyện mà là vì tinh thần tự lực tự cường, tự làm chủ được cuộc  sống và hơn hết tính gương mẫu trong lao động của ông. Dù đôi chân không còn nguyên vẹn như trước nhưng ông vẫn luôn hôm sớm ra đồng làm việc cật lực như bao người, có khi ông còn làm việc nhiều hơn anh em khác để tận dụng hết những thời cơ đang đến với mình.

 

 

 

Đến năm 1993, khi có gia đình và ra riêng, ông cũng như những anh em khác trong nhà, được chia 3 công ruộng làm vốn sinh sống. Thời gian đó, ông vẫn tiếp tục làm nghề máy tuốt đến năm 1996, thấy thời thế sắp hết, ông bán máy tuốt, đồng thời mua thêm nhiều đất ruộng, đất vườn, chuyển dần lên mô hình Ruộng – vườn – ao – chuồng cho đến nay. Và suốt quãng thời gian đó, ông đã rút ra được nhiều bài học quý mà giờ đây không chỉ là bài học của riêng ông.

Mặc dù, giờ đây chế độ dành cho những người có công với đất nước như thương bệnh binh có nhiều cải thiện, nhưng không vì thế mà ông Hoàng ỷ lại, trông chờ vào chính sách. Nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng do các con của ông còn đang tuổi đến trường, ông Hoàng vẫn tiếp tục là lao động chính, và cũng là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình. Thế nên, hiện ông đang tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh tế RVAC tại nhà với diện tích 7 công vườn và trên 20 cộng ruộng sao cho vừa đẹp vừa có hiệu quả, lại phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Cũng từ cách làm của ông, đã trở thành những bài học kinh nghiệm quý cho những anh em trong gia đình cũng như những người xung quanh. Được biết, các anh em của ông Hoàng giờ đây ai cũng nắm trong tay vài chục công ruộng, làm ăn đều khấm khá. Riêng với người thương binh này, tinh thần cần cù lao động, chí thú làm ăn, ý thức tự lực tự cường vươn lên làm chủ cuộc sống rất xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để học tập.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *