Bên bờ hạnh phúc

 Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, khi rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương binh đã phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Thương binh Hồ Văn Bé ở ấp Thông Quan, xã Phú Đức, huyện Long Hồ là một điển hình. Với nghị lực của người lính cụ Hồ, ông đã nỗ lực lao động  làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.

 

Năm 1968, ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, ông Hồ Văn Bé thoát ly gia đình, tham gia cách mạng, thuộc Đội An ninh vũ trang tỉnh Vĩnh Long. Tháng 9/1969, ông bị thương trong một trận đánh tiêu diệt địch tại khu trù mật Cái Sơn thuộc huyện Tam Bình. Sau giải phóng, ông xuất ngũ trở về địa phương với thương tật hạng 2/4. Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng với bản chất cần cù, chịu khó của người nông dân và và ý chí tự lực, tự cường, sẵn sàng vượt khó của anh bộ đội cụ Hồ, người thương binh trẻ quyết vượt khó, vươn lên để vừa ổn định kinh tế gia đình, vừa góp phần làm ra của cải cho xã hội.

Bắt đầu từ việc nuôi trúng bầy vịt đẻ, ông Bé mua đôi trâu để đi cày thuê. Sau đó ông cố đất và vay tiền mua máy tuốt lúa, máy xới đi cày thuê ở địa bàn trong tỉnh và các tỉnh miền Tây. Khi tích lũy được số vốn kha khá, ông đi khẩn đất làm ruộng ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng do thiếu kinh nghiệm ở vùng đất mới, trong 3 năm liên tiếp từ 1992 đến 1994, lúa của ông bị chết giống vì nhiễm phèn quá nặng.

Năm 1995, sau khi tìm biện pháp canh tác hợp lý, ruộng lúa của ông Bé liên tiếp trúng mùa. Kinh tế gia đình khá lên, ông bán đất ruộng ở Đồng Tháp về địa phương chuộc lại đất nhà, thuê thêm đất để làm ruộng; đồng thời mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mua 2 máy gặt đập liên hợp. Từ vườn cây ăn trái, ruộng lúa, chăn nuôi và máy gặt đập liên hợp, sau khi trừ chi phí trong năm qua gia đình ông thu nhập được 240 triệu đồng. Qua đó còn tạo việc làm cho 12 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân mỗi người khoảng 9 triệu đồng trong 3 vụ lúa.

Không chỉ là thương binh làm kinh tế giỏi, ông còn tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội tại địa phương, thường xuyên cho bà con mượn vốn không tính lãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Phú Đức – Long Hồ nhận xét:“Sức khỏe kém, thương tật do chiến tranh để lại, nhưng với tinh thần cố gắng, tự lực, tự cường, anh phấn đấu vươn lên, làm đủ mọi việc để xây dựng kinh tế gia đình; nào làm thuê, làm mướn, đến khẩn đất hoang để làm. Giờ này anh đạt nhiều kết quả… Riêng công tác hội, anh làm một hội viên gương mẫu, đồng thời tham gia các phong trào của địa phương rất tốt”.

Anh Nguyễn Thái Răng, Chủ tịch Hội CCB huyện Long Hồ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình anh và chị rất khó khăn. Sau khi được Nhà nước cất nhà tình nghĩa và hỗ trợ số vốn, anh có kế hoạch làm ăn, vươn lên rất rõ rệt. Hướng tới đây sẽ nhân điển hình này cho anh em học tập để phát triển kinh tế”.

Với kết quả đạt được, ông Bé được huyện chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Long năm 2010. Đặc biệt, ông được chọn dự Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2009 tại tỉnh Bến Tre, được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội tặng bằng khen “Là đối tượng chính sách khắc phục khó khăn, vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất và công tác”. Tinh thần vượt khó, làm kinh tế giỏi và đoàn kết giúp đỡ mọi người cùng phát triển sản xuất của người thương binh thật là tấm gương cần được nhân rộng./.

Lê Hữu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *