Bên bờ hạnh phúc

Ngày 24-7, tại Hà Nội, “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” bản tiếng Nga chính thức ra mắt độc giả. Đây là bản dịch ra tiếng nước ngoài lần thứ 18 của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bản tiếng Nga do Tiến sĩ ngữ văn Anatoli Sokolov – Viện Đông phương học (Nga), Tiến sĩ Lê Văn Nhân – nguyên Trưởng khoa Tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội hợp tác dịch, với tên tiếng Nga là “Nhật ký của một bác sĩ trong chiến tranh”. Việc dịch, in ấn và phát hành sách do Câu lạc bộ May Thăng Long (nhóm các doanh nhân trẻ Việt Nam đang sống và làm việc tại Nga) tài trợ và phối hợp Trung tâm Văn hóa Đông Tây thực hiện.

Theo dịch giả Lê Văn Nhân, lúc đầu cuốn sách có tên “Nhật ký của một bác sĩ quân y”. Sau đó, thể theo nguyện vọng của gia đình, các dịch giả đổi thành “Nhật ký của một bác sĩ ngoài mặt trận”, cuối cùng gọi là “Nhật ký của một bác sĩ trong chiến tranh”.

Bà Doãn Ngọc Trâm – thân mẫu của Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm chia sẻ: “Rất nhiều nước trên thế giới đã đặt vấn đề với gia đình để dịch cuốn nhật ký sang tiếng nước họ. Tôi cũng thầm mong có dịp sách sẽ được dịch sang tiếng Nga.

Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Nga. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

 

Một ngày kia, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đến chơi, thắp hương cho con gái tôi và hứa sẽ góp phần để đưa cuốn nhật ký về với nước Nga.

Rất may, năm 2011, Tiến sĩ Hoàng gặp được các cháu ở CLB May Thăng Long, sẵn sàng tài trợ để cuốn nhật Ký được dịch và in ra.

Với sự làm việc tích cực, hợp tác chặt chẽ của Tiến sĩ Hoàng cùng nhóm dịch giả Việt – Nga trong gần một năm (gồm Tiến Sĩ Sokolov, Tiến sĩ Lê Văn Nhân), cuốn sách đã chính thức ra mắt bạn đọc”.

Thân mẫu Liệt sỹ Đặng Thùy Trâm vô cùng phấn khởi, xúc động trước công trình tập thể của các dịch giả.

“Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc nhắn nhủ các thế hệ sau hãy nhớ đến những đau thương của hàng triệu người mẹ, người chị đã ngã xuống cho chúng ta có ngày hôm nay. Xin cảm ơn nhóm dịch giả, CLB May Thăng Long, Trung tâm Văn hóa Đông Tây, NXB Thế giới, và tất cả các vị đại biểu đã có lòng yêu quý Đặng Thùy Trâm và có mặt ở đây ngày hôm nay”, mẹ liệt sĩ xúc động.

Đại diện gia đình Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tặng những bó hoa tươi thắm cám ơn nhóm dịch giả và những người đã hợp sức để cuốn nhật ký được ra mắt độc giả bằng tiếng Nga. Ảnh: Tuấn Nguyễn

 

“Việc ra đời cuốn nhật ký quả là một cơ duyên. Cách đây 6 năm, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng ấp ủ ý tưởng dịch cuốn nhật ký ra tiếng Nga, nhưng vì một số lý do nên cuốn nhật ký chưa được dịch.

Năm 2011, CLB dệt may chúng tôi có cùng ý tưởng này, chúng tôi đã tìm gặp anh Nguyễn Huy Hoàng, cùng sát cánh tìm những dịch giả tốt nhất, những cộng tác viên tốt nhất để làm việc hết sức mình và có được cuốn sách trên tay chúng ta bây giờ” – Ông Đỗ Quý Dương – Chủ nhiệm CLB may Thăng Long.

Tiến sỹ Hoàng cho biết, cuốn nhật ký ra đời là cả quá trình và là công trình của cả tập thể.

“Nếu không có tập thể, không có cơ duyên, không có sự hỗ trợ vô tư, tấm lòng, trái tim của những người yêu văn hóa như CLB Thăng Long thì cuốn nhật ký không thể ra đời” – Tiến sĩ Hoàng chia sẻ.

Cuốn nhật ký được chia làm bốn phần. Trong đó, phần một giới thiệu về chị Đặng Thùy Trâm, rộng ra là hình ảnh con người Việt Nam đã qua máu lửa, với mong muốn để bạn đọc Nga thấy con người Việt Nam không chỉ biết lầm lũi làm ăn, không chỉ biết kinh doanh mà phía sau là cả một truyền thống, một bề dày lịch sử văn hóa.

Phần hai giới thiệu lịch sử cuốn nhật ký, được dịch nguyên văn toàn bộ câu chuyện của chị Đặng Kim Trâm – em gái Đặng Thùy Trâm.

Phần ba là phần nguyên bản.

Phần bốn là phụ lục ảnh của Đặng Thùy Trâm và lời bạn của ông N.N.Kolesnik – Chủ tịch Hội cựu binh Nga từng sang giúp Việt Nam.

Bà Doãn Ngọc Trâm – Thân mẫu của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vô cùng xúc động trước những nỗ lực của nhóm dịch giả và các nhà tài trợ để cuốn nhật ký được ra đời. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

 

Theo Tiến sĩ Hoàng, cuốn nhật ký như một thông điệp của thế hệ ngày xưa đối với thệ hệ hôm nay và mai sau.

Lý giải về việc chọn dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, Tiến sĩ Hoàng chia sẻ: “Chị Đặng Thùy Trâm chưa bao giờ học viết văn, nhưng chị viết như một nhà văn. Trong khi chúng ta là những người bình thường, có đầy đủ điều kiện, để viết được một cuốn nhật ký đã vô cùng khó khăn, huống hồ chị viết dưới hầm, dưới ngọn đèn dầu, dưới mưa bom bão đạn. Chị nói rất nhiều về nước Nga, yêu nước Nga vô bờ bến, yêu những người đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nước Nga…”.

“Tác phẩm của chị Đặng Thùy Trâm, cuộc đời của chị Đặng Thùy Trâm là bất tử bởi vì chị đã để lại cho thế hệ sau những năng lượng vô cùng to lớn. Đó là tình cảm, là lý tưởng, là trái tim của con người, của một thế hệ mà ta gọi là “Vô tiền khoáng hậu” – Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng bày tỏ.

Tại lễ ra mắt cuốn sách có sự hiện diện của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, lãnh đạo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện sứ quán các nước Nga, Belarus, Ucraina và đông đảo người yêu mến Đặng Thùy Trâm, nước Nga và tiếng Nga.

Toàn bộ 3.500 cuốn sách được dành tặng bạn đọc Nga và Việt Nam.

Theo Tiền Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *