Bên bờ hạnh phúc

Nếu ruồi tạo ra tiếng ồn quá lớn trong lúc giao phối, lũ dơi có thể phát hiện vị trí của chúng và lao tới rất nhanh.

Một cặp ruồi giao phối

Ruồi thường vẫy cánh liên tục và mạnh khi giao phối. Để tìm hiểu nguy cơ của ruồi khi làm “chuyện ấy”, Stefan Greif, một nhà khoa học của Viện Điểu học Max Planck tại Đức và các đồng nghiệp dùng camera để ghi hình chuyển động của 9.000 con ruồi tại một trang trại bò trong hơn 4 năm, Livescience đưa tin.

Kết quả cho thấy ruồi chỉ đậu hoặc bò trên trần nhà, chứ hiếm khi bay vào ban đêm. Khi bò hoặc đậu, âm thanh mà chúng tạo ra có tần số thấp hơn nhiều so với tần số của các loại âm thanh khác. Vì thế dơi, một kẻ thù của ruồi, không nghe được âm thanh của ruồi nếu chúng không bay.

Song khi ruồi giao phối, con cái dang rộng cặp cánh, còn con đực đập cánh liên hồi trên lưng bạn tình. Âm thanh mà ruồi tạo ra bằng hành động đập cánh có tần số đủ lớn để dơi có thể nghe. Vì thế, trong số 26% số cặp ruồi giao phối trong quá trình nghiên cứu có hơn một nửa mất mạng.

Để chắc chắn rằng âm thanh mà ruồi tạo ra khi giao phối là nguyên nhân khiến dơi phát hiện ra chúng, nhóm nghiên cứu gắn những con ruồi chết ở tư thế như khi đang giao phối lên trần nhà. Nếu dơi vẫn tấn công ruồi chết thì điều đó chứng tỏ chúng phát hiện dơi nhờ yếu tố khác, chứ không phải nhờ âm thanh mà ruồi phát ra khi giao phối. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy dơi không bao giờ tấn công ruồi chết. Khi các chuyên gia phát lại những âm thanh đập cánh của ruồi khi giao phối, ngay lập tức lũ dơi lao vào các loa.

Nghiên cứu của Viện Điểu học Max Planck là một trong số ít nỗ lực tìm hiểu về nguy cơ bị tiêu diệt của động vật khi chúng giao phối. Nguy cơ tương tự cũng xảy ra đối với nhóm giáp xác chân hai loại, côn trùng nước và nhiều loài côn trùng cạn.

Theo VnE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *