Bên bờ hạnh phúc

 Chợ truyền thống là kênh phân phối chiếm tỷ lệ 80% hàng hóa luân chuyển. Tuy nhiên, vài năm gần đây khi siêu thị và trung tâm thương mại được mở ra, sức mua tại các chợ truyền thống bị sụt giảm. Chợ truyền thống đang vắng vẻ và ế ẩm , đặt ra vấn đề phải đổi mới chợ về nhiều mặt nhằm cải thiện sức mua tại các chợ, phát huy lợi thế vốn có của mình.

Sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam năng động thích ứng với tình hình mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP ngày càng tăng và hiện chiếm gần 15%, một tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế ở nước ta. Song, từ đây hệ thống bán lẻ trong nước cũng đối diện với những thách thức mới từ quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế.  Hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào VN càng nhiều hơn, giá cả cạnh tranh hơn khi nhiều chính sách thuế quan được dỡ bỏ. Sự cạnh tranh giữa hàng hóa trong và ngoài nước ngày một quyết liệt. Giá chính là một lợi thế mà hàng hóa VN được duy trì trong hệ thống bán lẻ qua kênh truyền thống hiện nay. Gần đây là thực hiện cuộc vận động Người VN ưu tiên dùng hàng VN của Bộ chính trị cũng đã giúp cho doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc duy trì và phát triển hàng Việt trên thị trường nội địa.

 

Song, trong những năm gần đây, kênh bán lẻ hiện đại tiếp tục phát triển mạnh tại Việt Nam. Cả nước có gần 640 siêu thị và 100 trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, so với các nước phát triển trên thế giới thì vẫn còn ít. Thông lệ là cứ 100 ngàn dân sẽ có trung tâm thương mại lớn; 10 ngàn dân sẽ có một siêu thị và 1 ngàn dân có từ 1 – 3 cửa hàng tiện lợi. Do vậy, kênh bán lẻ hiện đại trong nước vẫn phải tiếp tục tự đổi mới để duy trì phát triển, nhất là ngày càng có thêm nhiều nhà bán lẻ từ nước ngoài mở siêu thị, trung tâm thương mại ở thị trường trong nước. Các nhà bán lẻ trong nước do vậy không thể chủ quan ngay trên sân nhà. 

Điều này buộc kênh bán lẻ truyền thống chuyển mình, thay đổi cả về chất lượng và hình thức. Theo điều tra của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nước ta có gần 8.600 chợ các loại. 80% lưu lượng hàng hóa luân chuyển qua kênh phân phối này, đây thực sự là kênh phân phối hữu hiệu cho hàng hóa. Tuy nhiên hiện còn tồn tại những trở ngại khiến cho hàng hóa trong nước nói chung và hàng VN chất lượng cao khai thác có hiệu quả kênh phân phối quan trong này. Một số sản phẩm như: đồ chơi trẻ em, hàng Việt chỉ chiếm 10%; đồ gỗ nội thất Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần trong nước. 

Một số mặt hàng như sản phẩm gia dụng thủy tinh, đồ sành sứ hiện nay hàng VN chất lượng cao gần như vắng bóng tại chợ truyền thống. Đây là kết quả một thời gian dài các doanh nghiệp Việt Nam đều tập trung đầu tư hình ảnh và tiêu thụ hàng hóa cho xuất khẩu và thị trường đô thị. Vì vậy, thị trường nông thôn qua các chợ truyền thống gần như nhường sân cho hàng hóa Trung Quốc hướng tới nhiều đối tượng thuộc các thành phần có  nhiều mức thu nhập khác

Điều đó khiến cho chợ gần như được hiểu là nơi chỉ có hàng thứ cấp. Thêm vào đó là việc nói thách, mặc cả vẫn còn duy trì như là một nét văn hóa. Trong sự xuất hiện của kênh bán lẻ hiện đại là siêu thị đã khắc phục những khiếm khyết này. Điều này khiến cho người mua hàng dần dần mất niềm tin vào hàng hóa ở các chợ.

 

Một yếu tố quan trọng khiến chợ ngày càng thưa thớt đó là do đã xây dựng nhiều năm nên cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp và cần cải thiện. Những ngôi chợ nắng nóng, mưa sình như thế này là rất phổ biến ở vùng nông thôn. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người ngày một nâng lên, nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn thì chợ vẫn chưa được đổi mới. Đó là chưa kể tình trạng quá tải tại hầu hết các chợ cũ khiến cho tình trạng lấn lộ giới, buôn bán trên lòng lề đường ngày càng phổ biến, gây mất an toàn giao thông. Riêng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua công tác xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh dù có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy bình quân mỗi xã có một chợ nhưng ít nhất vẫn còn 10 chợ tạm trên địa bàn.

Để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, xây dựng phát triển chợ, từ năm 2010 Chủ tịch UBND tỉnh có chỉ thị về đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này đã tác động tích cực đến sự phát triển nhằm đưa chợ trở thành kênh phân phối hàng hóa, nhất là hàng nông sản, một thế mạnh của địa phương.

Gần đây tỉnh Vĩnh Long đã có sự tập trung chỉ đạo trong việc chuyển đổi mô hình khai thác, quản lý chợ từ Ban quản lý chợ sang doanh nghiệp và hợp tác xã. Bước đầu các mô hình này đã mang lại hiệu quả, khai thác được tiềm năng, huy động được nguồn vốn trong các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, văn minh thương mại và tăng nguồn thu cho ngân sách…. Như tại chợ Song Phú , với vốn do doanh nghiệp đầu tư 18 tỷ đồng theo hình thức B.O.T, 225 hộ tiểu thương đã có nơi mua bán khang trang. Còn nhà đầu tư cũng được địa phương ưu đãi, cho khai thác chợ theo hình thức tự thu chi trong suốt thời gian 25 năm nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý đầu tư và khai thác chợ như thế này chưa phải là nhiều. đó là những địa phương có nhiều lợi thế về vị trí địa lý trong thu hút đầu tư. Còn đối với những chợ vùng nông thôn thì cũng cần có sự chuyển đổi trong quản lý và khai thác sao cho phù hợp. Qua đó để chợ vẫn là một kênh tiêu thụ hàng hóa chính yếu của nông dân, nơi mua sắm của đa số người dân. Hơn nữa đó còn là duy trì một nét văn hóa của chợ. Đây thật sự là một điều không dễ dàng khi mà sức lan tỏa của kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển và đang chuyển dịch mở rộng từ các đô thị về trung tâm tỉnh lỵ như hiện nay.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *