Bên bờ hạnh phúc

Từ năm 2000, thông qua các lớp tập huấn kỹ năng chọn tạo giống lúa cộng đồng do ngành Nông nghiệp tỉnh kết hợp với các Viện, trường tổ chức chuyển giao cho nông dân, phong trào nhân giống cộng đồng ở An Giang bắt đầu nhen nhóm hình thành. Đến khoảng năm 2004, phong trào nầy đã phát triển khá mạnh.

 

Những nông dân có điều kiện về đất đai và tâm huyết với nghề được tập hợp lại thành các tổ, nhóm, đội sản xuất, cung ứng lúa giống. Thời gian đó đã hình thành hàng trăm tổ giống khắp cả tỉnh, tuy nhiên, nổi bật nhất trong phong trào sản xuất giống nơi cộng động chính là những nông dân ở huyện Thoại Sơn, nơi có số lượng hộ nông dân và diện tích sản xuất giống lớn nhất tỉnh An Giang.

Theo số liệu thống kê, đến năm 2009, Thoại Sơn có 3.376 ha lúa giống, cung ứng gần 20 ngàn tấn lúa giống mỗi năm, là huyện có diện tích và sản lượng sản xuất giống cộng đồng mạnh nhất tỉnh, đứng đầu khu vực Tứ Giác Long Xuyên, và đến nay diện tích vẫn tiếp tục tăng lên.  Được biết phần lớn sản lượng giống làm ra là để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, phần còn lại bán cho các tỉnh bạn. Thực tế này cho thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm kể từ khi An Giang triển khai chương trình xã hội hóa công tác giống lúa, thì nhận thức của những người làm ruộng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là đối với việc thực hiện “1 phải”, nghĩa là phải sử dụng lúa giống cấp thấp nhất là Xác nhận để sản xuất lúa hàng hóa. Với nhận thức này, đến nay hầu như 90% diện tích trên đồng ruộng bà con đã sử dụng lúa giống để canh tác lúa hàng hóa. Điều này vừa đánh dấu sự cải thiện lớn về phẩm chất và năng xuất lúa, vừa là cơ hội cho những người có tay nghề sản xuất lúa giống.

Được trưởng thành từ những lớp chuyển giao về công tác sản xuất lúa giống, các ông Nguyễn Nhựt Hoai, Nguyễn Văn Điểm, Phan Hùng Dũng,… đều là những người thợ giỏi và đầy tâm huyết với nghề lúa giống, các ông đã hợp tác lại thành Tổ sản xuất từ năm 2004 và giữ vững việc làm ăn ổn định cho đến nay. Hiện toàn xã Thoại Giang có 3 THT (Tổ hợp tác)  sản xuất lúa giống, nhưng chỉ có THT ấp Bình Tây này được đánh giá cao, được chọn là điểm để học tập, nhân rộng. Bởi vì ngoài chất lượng giống đã được khẳng định, THT này còn có đầu ra ổn định nhờ ký được các hợp đồng tiêu thụ lớn. Đây cũng là một trong những THT tiêu biểu của huyện Thoại Sơn.

 

 

Hàng năm THT sản xuất lúa giống ấp Bình Tây cung ứng ra thị trường trên 1 ngàn tấn lúa giống, tổng giá trị lợi nhuận tăng thêm lên đến vài tỷ đồng. Từ đó, cải thiện rất đáng kể thu nhập của các thành viên. Đạt được thành tựu như vậy,  không chỉ là sự nỗ lực chung của các tổ viên, mà còn có vai trò đầu tàu đầy năng động, sáng tạo của Tổ trưởng Nguyễn Nhựt Hoai. Ông Hoai cho biết, làm việc tập thể cái khó nhất là làm sao để các tổ viên tin mình, có tin tưởng nhau mới hợp tác được lâu dài. Và cách của ông tạo niềm tin với người khác là từ hành động thực tiễn của chính bản thân mình, chứ không phải chỉ bằng lời nói. Có việc khó khăn, ông đứng mũi chịu sào thay các anh em, có việc thơm thảo, ông chia cho các anh em cùng hưởng,… có lẽ chính vì vậy mà số lượng thành viên cứ tăng dần qua các năm. Nếu lúc mới thành lập chỉ có 10 thành viên với 12 ha, thì nay đã có 28 thành viên với 60,5 ha. Hình như họ cũng cảm nhận được độ an toàn khi cùng vào THT này sản xuất.

Ông Hoai khẳng định thêm, là nông dân chánh tông, khi ra ngoài làm ăn, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học chắc chắn tổ cũng không thể tự mình tìm ra được những hợp đồng tiêu thụ lớn như thời gian qua.

Hiện nay, lúa giống xuất xứ từ An Giang nói chung đã vượt ra khỏi vùng ĐBSCL đi đến vùng khác như miền Trung và Tây Nguyên, thậm chí xuất sang nước bạn Camphuchia. Đồng thời lúa hàng hóa của bà con nông dân An Giang sản xuất cũng được đánh giá cao về chất lượng. Vì vậy, trong nhiều chương trình nông nghiệp của tỉnh An Giang, thì chương trình xã hội hóa công tác giống lúa, được xem là một chương trình mang lại thành công lớn. Thông qua đó, đã có nhiều nhân tố mới xuất hiện vừa có cá nhân, vừa có tập thể.

Đặc biệt, tỉnh An Giang rất quan tâm đến những mô tập thể này, bởi đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới hiện nay. Và với những nét nổi bật và bề dầy thành tích của mình, Tổ hợp tác lúa giống ấp Bình Tây xã Thoại Giang trở thành một trong 12 mô hình điểm do Hội Nông dân tỉnh An Giang lựa chọn để phát động phong trào thực hiện tiêu chí  ứng dụng tiến bộ KHKT vào đồng ruộng từ nay đến năm 2015. Từ đây, mở ra một cơ hội phát triển mới hơn cho THT này trong thời gian tới.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *