Bên bờ hạnh phúc

Kinh tế tập thể không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, phát triển kinh tế tập thể không nên chạy theo chỉ tiêu, thành tích về số lượng mà phải hướng đến chất lượng.

 

Được thành lập từ năm 2003, thời gian qua Câu lạc bộ sản xuất lúa giống ấp Mướp Sát xã Trung Hiệp là một trong những mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả cao trên địa bàn huyện Vũng Liêm. Hiện nay, diện tích đất sản xuất lúa giống của Câu lạc bộ lên tới 20 ha, thu hút 16 hộ nông dân tham gia sản xuất. Lợi nhuận của Câu lạc bộ năm sau luôn cao hơn năm trước, chỉ tính riêng trong năm 2012, lợi nhuận ước đạt trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên khó khăn của Câu lạc bộ hiện nay là chưa có đủ cơ sở vật chất để phục vụ sản xuất lúa giống chất lượng cao.

Anh Nguyễn Minh Lân, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa giống ấp Mướp Sát – Trung Hiệp – Vũng Liêm phản ánh: “Khó khăn của CLB chúng tôi là không có nguồn vốn sắm đủ phương tiện phục vụ cho lúa giống.  CLB chúng tôi cần rất cần sự giúp sức của chính quyền địa phương hoặc nhà nước hỗ trợ cho chúng tôi phục vụ công tác sau này.”

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập mới 2 hợp tác xã nông nghiệp, nâng số hợp tác xã nông nghiệp hiện có lên 39 và trên 2.100 tổ hợp tác. Mô hình kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tại Vĩnh Long ngày càng nhân rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, khắc phục hạn chế của kinh tế hộ, giúp nông dân sử dụng hiệu quả đất đai, lao động, vật tư và tăng khả năng tiếp cận thông tin tiến bộ kỹ thuật để áp dụng có hiệu quả vào sản xuất. Tuy có bước phát triển khá nhưng theo kết quả đánh giá mặt bằng chung thì hoạt động của loại hình kinh tế tập thể vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.

Theo anh Lê Quang Thảo, Chủ nhiệm CLB Sản xuất lúa giống xã Xuân Hiệp – Trà Ôn: “Tổ hợp tác mà muốn cho nó phát triển bền vững thì cái quan trọng nhất là về CSVC, thứ hai nữa là trình độ và năng lực quản lý của tổ hợp tác. Hiện nay, THT thì nguồn nhân lực con người đã có, trình độ năng lực, tiếp cận KHKT còn yếu kém. Chính vì/ yếu kém như vậy việc thúc đẩy phát triển THT còn nhiều hạn chế. Định hướng tới, tôi nghĩ cần có bồi dưỡng kiến thức cho các THT để làm sao nâng chất lượng cũng như trình độ từ đó THT hoạt động mới có hiệu quả.”

Anh Trần Văn Hiền, Chủ nhiệm HTX Sản xuất rau an toàn Phước Hậu – Long Hồ cho biết: “Hiện nay, sản lượng của xã viên làm ra chúng tôi tiêu thụ chưa được hết, chỉ giải quyết 1/3 sản lượng. Khó khăn hiện nay là chi phí rau an toàn, nếu nói về rau bình thường, rau thô giá thành nó không cao, chi phí không cao, còn rau an toàn chúng tôi làm đúng theo quy trình từ khâu thu hoạch đến khâu sơ chế, đóng gói,  mà hiện nay rau an toàn chúng tôi chưa xâm nhập được tại chợ Vĩnh Long. Chúng tôi cũng đề nghị các ngành quản lý tạo điều kiện cho chúng tôi tiêu thụ tại chợ thị trường VL. Hiện nay, tôi đang đề xuất muốn mở quầy, sạp bán sỉ bán lẻ phục vụ cho người tiêu dùng.”

Từ tình hình thực tế về kinh tế tập thể ở Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung, mới đây Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể trung ương đã có buổi làm việc tại Vĩnh Long để tìm hiểu tình hình thực hiện nghị quyết TW 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát, đoàn đề nghị cấp uỷ và chính quyền địa phương cần quan tâm hơn về sự phát triển của kinh tế tập thể, sớm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế mà các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trong tỉnh đang gặp để Vĩnh Long ngày càng có nhiều mô hình kinh tế tập thể sản xuất làm ăn có hiệu quả, góp phần vào sự tăng trưởng chung của tỉnh và nâng cao đời sống nhân dân./.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *