Bên bờ hạnh phúc

Khi nói đến căng thẳng tinh thần, mà tiếng Anh gọi là “stress”, thì người ta ở bất cứ nơi đâu và hoàn cảnh nào cũng có những kinh nghiệm này. Sự căng thẳng, “stress” là một phần đương nhiên của đời sống. Sự khác biệt nằm ở chỗ môi trường sống có nhiều áp lực hay không và những áp lực này có thể giải quyết được không? Kế đó là người ta có tập cho mình những thói quen để giải tỏa căng thẳng không và những thói quen có lành mạnh không? Cuối cùng, có phải là cường độ của sự căng thẳng quá thẩm thấu và cao độ khiến con người phải buông xuôi và không còn sức đề kháng?

Căng thẳng (stress) đến từ những áp lực (stressors). Căng thẳng là hình thức mà cơ thể chúng ta phản ứng lại với những thay đổi trong đời sống. Khi chúng ta thấy mình bó tay hay thiếu khả năng để giải quyết những áp lực hay đòi hỏi của đời sống thì mình sẽ cảm thấy sự căng thẳng. Sự căng thẳng, tự nó là điều cần có hiển nhiên trong đời sống, nhằm tạo động lực cho con người hành động. Tuy nhiên căng thẳng bao lâu, nhiều hay ít, áp lực thẩm thấu hay nhất thời, mới là những yếu tố quyết định sức đề kháng tinh thần, khả năng quyết định, hành vi và xu hướng thành công của một con người.

Thế thì những áp lực thường là gì và làm sao người ta biết được mình đang bị căng thẳng? Những áp lực trong đời sống có thể đa diện, nặng hay nhẹ đến từ chuyện bị kẹt xe ngoài đường lộ, trễ giờ làm, phải làm thuyết trình trước người khác, cãi nhau, bị mất việc, sống túng thiếu nghèo khổ, bị đối xử không công bằng, bị kỳ thị, bị xúc phạm, con đau không có tiền chữa bệnh, xa người thân, mất người thân v.v.. Tóm lại, những áp lực tác động đến đời sống tâm linh, tình cảm, và tinh thần của con người đều có khả năng đem lại căng thẳng.

Ðiều gì giúp để biết mình bị căng thẳng? Những triệu chứng sau đây có thể là những báo hiệu cho bạn:

Về thể lý: Nhức đầu, đau lưng, đau cổ, thở không điều hòa, đổ mồ hôi thường xuyên, khô miệng, chân tay lạnh, run, chóng mặt, mệt mỏi, đau bụng, ăn khó tiêu, buồn nôn, đi tiểu quá nhiều lần, tiêu chảy, khó ngủ, ngủ không yên, trở ngại sinh lý, lủng ruột, khó chịu với sự ồn ào náo nhiệt …

Về tinh thần: Dễ buồn, xuống tinh thần, lo lắng liên tục, thiếu kiên nhẫn, tức tối bực bội, không tập trung được, hay quên, không nhớ chuyện mới xảy ra, không thể tiếp thu hay học hỏi thêm, nghĩ vòng quanh, suy nghĩ tiêu cực, gặp khó khăn khi phải tự quyết định, hay quyết định một cách bồng bột, không gọn gàng sạch sẽ, làm sai nhiều, nhận xét lệch lạc về người khác hay hoàn cảnh đang đối diện …

Về hành vi: Hút thuốc nhiều, uống bia rượu nhiều, ăn nhiều, ăn rất ít hay không ăn gì cả, không quan tâm đến vệ sinh cá nhân, chạy xe ẩu, không muốn tiếp xúc với người xung quanh, dễ giận, dễ cãi nhau hay gây chuyện, bạo động, bày ra nhiều việc nhưng không hoàn tất việc nào, cắn móng tay, cào da, không kiềm chế được những ý tưởng lặp lại liên tục trong đầu, không kiềm chế được một số hành vi, mà cứ phải lặp lại liên tục chẳng hạn như xem cửa có khóa chưa, gõ tay lên đùi liên hồi …

Về tâm linh: Không có xúc động với những đau khổ của chính mình hay người khác, thiếu định hướng cho cuộc sống, trống trải trong tâm hồn (emptiness), thấy cuộc sống thiếu ý nghĩa, không có tinh thần tha thứ hay vị tha, sống không có mục đích …

Ảnh minh họa

 

Những phương thức nào giúp chúng ta giảm bớt những căng thẳng trong đời sống? Xin gợi ý bằng một số cách sau đây:

– Tĩnh tâm và tập hít thở đều hòa. Tập thể dục.

– Tìm những người thân hay người bạn tốt để chia sẻ và tâm tình lúc cần hoặc tạo những sinh hoạt thường xuyên với họ.

– Viết lên giấy điều làm mình bận tâm lo lắng. Viết thư tâm tình với bạn hay người thân.

– Cố gắng ngủ điều độ và nghỉ trưa nếu có thể.

– Tập cười thường xuyên và giữ máu tếu lâm. Cho phép mình vui cười hay tham gia những cuộc vui chơi lành mạnh.

– Bồi bổ cho tâm linh, cơ thể, và tinh thần thường xuyên. Ăn uống điều độ và đủ dinh dưỡng. Tham dự vào những việc giúp cho chúng ta trưởng thành hơn trong đời sống tâm linh, đời sống cá nhân, và trong nghề nghiệp.

– Ðặt ra mục đích cho mỗi ngày. Liệt kê trên giấy việc cần làm cho mỗi ngày và theo đó mà hoàn thành dù là việc nhỏ hay lớn.

– Tránh tự trách cứ và tự hành hạ tinh thần của mình bằng những suy nghĩ tiêu cực về chính bản thân. Cư xử với chính mình như một người bạn thân thương. Tập nghĩ những suy nghĩ tích cực về chính mình và người xung quanh.

– Mỗi ngày làm ít nhất một điều lành mạnh mà ta ưa thích hay làm ta vui để thêm sức cho chính bản thân.

– Tập nhận diện và chịu trách nhiệm cho những kinh nghiệm trong đời sống của mình. Ðiều này cũng có nghĩa là làm điều gì đó để giảm bớt những áp lực ngoại tại thẩm thấu trong đời sống. Có khi là ta cần lên tiếng nói, giải quyết sự bất công trong đời sống, hay hành động trong sự dũng cảm để giúp bớt những khó khăn và đau khổ trong cuộc sống của ta nói riêng và người khác nói chung. Tập nhận diện những cảm xúc sâu lắng của mình, những suy nghĩ hay định kiến của cá nhân, và hành động để sống thật với chính mình và tiếp tục phát huy những tiềm năng sẵn có cũng như mục đích sống đã vạch ra cho bản thân.

Nguồn vietlove.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *