Bên bờ hạnh phúc
Tài sản tăng thêm 100 triệu đồng sẽ phải giải trình nguồn gốc. Mở rộng trường hợp báo chí phải cung cấp nguồn tin?

Gấp rút chuẩn bị trình QH sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào kỳ họp tháng 10 tới, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự thảo đề xuất sửa đổi để cuối tuần này Chính phủ họp góp ý. Theo đề xuất này, cơ cấu, nội dung chính của Luật PCTN được giữ nguyên, kèm theo xử lý kỹ thuật câu chữ và bổ sung một số quy định mới.

 

Xác lập nghĩa vụ giải trình tài sản

Cụ thể, về kê khai tài sản, dự thảo luật hóa các quy định hiện hành trong nghị định hướng dẫn của Chính phủ về đối tượng phải kê khai tài sản, quản lý sử dụng bản kê khai tài sản, xác minh tính trung thực của bản kê khai… Theo đó, luật hóa nghĩa vụ công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, đơn vị nơi người kê khai công tác và tại kỳ họp cơ quan dân cử nếu là ứng viên được bầu, phê chuẩn… Điểm mới của dự thảo là tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới phải kê khai, thay vì 50 triệu đồng như hiện hành.

Đáng chú ý, lần đầu tiên có quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản, thể hiện ở điều khoản về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm từ 100 triệu đồng trở lên so với lần kê khai gần nhất. Kèm theo đó là chế tài “xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật” nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý. Ngoài ra, các hành vi trốn tránh kê khai tài sản, cản trở xác minh tài sản, thu nhập; sử dụng trái phép bản kê khai tài sản; lạm quyền trong việc xác minh tài sản cũng được bổ sung vào điều luật về các hành vi bị nghiêm cấm.  

Dự thảo nêu rõ người ứng cử đại biểu QH, đại biểu HĐND mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

Công khai lương bổng của lãnh đạo DNNN

Một điểm mới trong dự thảo thể hiện ở mục “công khai, minh bạch” thuộc chương phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, với khu vực DNNN bổ sung thêm nghĩa vụ công khai, minh bạch danh tính, nhiệm vụ, lương, phụ cấp của các nhân sự trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng.

Cũng ở mục “công khai, minh bạch”, lần đầu tiên có một điều luật về trách nhiệm giải trình, thể hiện tinh thần Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, cơ quan nhà nước phải giải trình với cơ quan, tổ chức, cá nhân về quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ, khi có yêu cầu. Vì đây là vấn đề mới nên dự luật chỉ quy định nguyên tắc, còn chi tiết chờ Chính phủ hướng dẫn.

Bảo vệ người tố cáo, khuyến khích từ chức

Về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, dự thảo bổ sung một điều luật yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chủ động hoặc kiến nghị cấp trên tạm đình chỉ hoặc chuyển công tác khác với nhân viên nếu phát hiện họ có dấu hiệu tham nhũng. Cũng về chế độ trách nhiệm, dự thảo có một quy định mới khuyến khích từ chức vì lý do trách nhiệm hoặc sai phạm: “Người có chức vụ, quyền hạn mà chủ động từ chức khi có hành vi tham nhũng hoặc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì được giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm hình sự”.

Với người tố cáo tham nhũng, lần này dự luật chính thức đề xuất bổ sung nội dung bảo vệ người tố cáo cùng thân nhân. Theo đó, phạm vi bảo vệ bao gồm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín, nhân phẩm và cả vị trí công tác, việc làm cũng như các quyền nhân thân khác.

Ba phương án về Ban Chỉ đạo PCTN

Trong chương quy định về các tổ chức hữu quan trong PCTN, dự thảo đề xuất một số sửa đổi quan trọng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5. Theo đó, về điều khoản Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có ba phương án: 1) Quy định rõ ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu, với Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực; 2) Chỉ quy định chung chung là có ban chỉ đạo, không đề cập nằm ở đâu, ai đứng đầu nhưng nêu rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động do Ủy ban Thường vụ QH quy định; 3) Không quy định gì về ban chỉ đạo, coi đó là một cơ quan riêng của Đảng, không nêu trách nhiệm, quyền hạn theo pháp luật.

 

 Mở rộng trường hợp báo chí phải cung cấp nguồn tin?

Trong quá trình dự thảo Luật PCTN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – đương nhiệm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN – đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và tổ biên tập. Theo đó, trước đề xuất mở rộng phạm vi công khai bản kê khai tài sản tới nơi cư trú, Thủ tướng chỉ đạo phải cân nhắc kỹ, còn trước mắt cần làm tốt việc công khai tại nơi công tác. Thủ tướng cũng yêu cầu bổ sung quy định trách nhiệm của báo chí trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến hành vi tham nhũng.

Các chỉ đạo này sau đó được thể hiện vào dự thảo, trong đó đáng chú ý là điều luật về “vai trò và trách nhiệm của báo chí”. Theo đó, bổ sung thêm dự định: “Cơ quan báo chí, phóng viên phát hiện hoặc đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước, cơ quan điều tra, VKS, Kiểm toán Nhà nước”.

Quy định như vậy chưa rõ có bao gồm nghĩa vụ cung cấp danh tính nguồn tin không. Còn theo các quy định hiện hành cũng trong thực tế tác nghiệp báo chí, bảo vệ nguồn tin là nghĩa vụ pháp lý và là quy tắc đạo đức của người làm báo. Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.

 

Theo Nghĩa Nhân ( PL TPHCM )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *