Bên bờ hạnh phúc

Phiên tòa diễn ra chóng vánh. Bị cáo thừa nhận mọi hành vi phạm tội, không bào chữa gì trước lời đề nghị của VKSND TPHCM (từ 8-9 năm tù về tội giết người), không cả lời nói sau cùng, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt nhìn ra ngoài sân tòa, nơi có hai đứa trẻ đang ngồi ở ghế đá cùng cha của chúng.

Minh họa: NGUYỄN TÀI

“Già nhân ngãi, non vợ chồng”

 

 

Hơn 10 năm trước, cuộc hôn nhân giữa ông Q.H.Q và vợ không hạnh phúc, thường xuyên xảy ra cãi vã. Rồi tình cờ ông gặp bà Đ.T.H, hơn ông 3 tuổi, đã có chồng và 5 đứa con. Tình yêu dù ở tuổi nào cũng không tránh khỏi sự cuồng nhiệt, si mê, người bỏ chồng, kẻ bỏ vợ, mặc kệ những lời dị nghị, họ đưa nhau lên TPHCM chung sống.
 
Bà H. đem các con đi theo và ông Q. cũng chấp nhận. Họ cùng bươn chải mưu sinh bằng đủ nghề ở TP để nuôi các con bà H., cuộc sống thiếu trước hụt sau.

 

 

Một lần tình cờ lên TP, chị ông Q. ngỡ ngàng, xót xa khi thấy em mình gầy nhom, đen cháy dang nắng ngoài chợ ngồi sửa giày dép. Không nỡ làm ngơ, chị em bà góp tiền để ông Q. mở sạp rau cải buôn bán.
 
Mỗi buổi sáng, ông Q. chở bà H. đi mua rau cải ở chợ đầu mối Bình Điền về phường An Lạc, quận Bình Tân bán, dẫu không dư dả nhưng cũng dần ổn định.

 

 

Có điều, cuộc sống già nhân ngãi, non vợ chồng của họ thường xuyên xảy ra cảnh cơm không lành, canh không ngọt. Vốn chanh chua, hung hăng, bà H. thường mắng chửi, thậm chí đánh cả ông Q. mỗi khi không vừa ý chuyện tiền nong hoặc nghi ngờ ông Q. dấm dúi tiền để cho đứa con trai riêng.
 
Có lần về dự đám tang mẹ ông Q., nghi ngờ chị ông từ nước ngoài về cho tiền mà ông giấu để đưa cho vợ trước, bà không ngần ngại chửi bới, đánh ông sưng cả trán.
 
Về phần ông Q., dù bị lấn lướt nhưng vì thương bà H. nên nhiều lần nhẫn nhịn cho qua chuyện. Tuy nhiên, trong lòng vẫn ấm ức khi tiền ông dành dụm thường bị bà lấy cho các con mà không thèm báo ông một lời, dù chúng đã lớn, mỗi người đều đã có gia đình riêng.

 

 

Bi kịch

 

 

Một buổi sáng, sau khi mua rau cải, ông Q. chở bà H. về. Do N.T.H.V (con riêng của bà H.) gửi mua 10 kg khổ qua và 2 kg rau xà lách nên việc chuyên chở nặng nề hơn. Mệt nhọc lại sẵn mang bực bội trong lòng từ lâu về chuyện bà H. cứ lo cho con riêng, ông Q. cằn nhằn việc mua và chở đồ giùm V., sau đó hất đổ mâm hành tỏi về phía bà H.
 
Bênh mẹ, V. sấn sổ bước tới chỉ tay vào bà H. nói: “Bả nè, ông chửi đi!”. Thấy thái độ hỗn láo của V., ông Q. liền tát vào mặt V. mấy cái, V. đá vào người ông Q. nhưng bị ông chụp chân.
 
Khi ông Q. đè cổ V. xuống, nhìn thấy con dao Thái Lan trong mâm khổ qua, V. chụp lấy đâm thẳng vào ngực phải ông Q. dẫn đến tử vong.

 

 

Tại phiên tòa sơ thẩm, chị ông Q. và vợ trước của ông không yêu cầu bồi thường tiền tổn thất về tinh thần hay trợ cấp nuôi con, họ đòi chi phí mai táng 40 triệu đồng dù biết mẹ con bà V. khó mà đáp ứng được và bản thân họ cũng không thiếu tiền bạc.
 
Chị ông Q. quay qua nói với bà H.: “Tôi không kể với tòa về những hành động, lời nói không đúng mực của cô đối với em trai tôi nhưng thật sự, gia đình tôi rất buồn giận. Hôm đám tang cậu Q., gia đình chờ một, hai, rồi ba ngày cũng không thấy cô về thắp cho cậu nén nhang. Đến tận hôm nay cũng không thăm hỏi…”.
 
Thì ra, họ cần một lời xin lỗi và tình cảm chân thành. Tiếc là… “Bây giờ 5 triệu đồng tôi còn không có được chứ đừng nói 40 triệu đồng. Vì không có tiền, tôi cũng đâu có thuê luật sư bào chữa cho con tôi…”- bà H. nói. Họ im lặng. Mỗi người theo đuổi một suy nghĩ riêng.
 
Tự nhiên, tôi nhớ đến lời nói của vị chủ tọa trong phần xét hỏi: “Con của bà bị như ngày hôm nay một phần cũng do bà không rõ ràng, minh bạch về chuyện tiền nong, cư xử không đúng mực với bị hại…”. Cha mẹ là tấm gương của con cái. Vốn bất bình chuyện mẹ bỏ cha, hằng ngày lại chứng kiến mẹ có thái độ thiếu tôn trọng “cha dượng”, đương nhiên các con bà khó tránh khỏi việc hỗn láo, xem thường ông Q. dù ông cũng có công nuôi dưỡng họ trưởng thành. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch ngày hôm nay.

 

 

Tòa tuyên án. Bé gái 2 tuổi chạy vào đứng ở cửa phòng xử, tròn xoe mắt nhìn mẹ đang đứng trước vành móng ngựa và vùng vẫy khi bị người lớn bế đi. Trên chiếc ghế đá ngoài sân, đứa con gái nhỏ khóc ré trên tay cha vì bất ngờ bị dứt khỏi bầu vú mẹ sau giờ nghị án.
 
Tòa tuyên phạt 8 năm tù. Lầm lũi bước ra ngoài, V. bế lấy đứa con nhỏ, ôm siết. Nhìn cảnh V. vừa cho con gái nhỏ bú vừa hôn hít lên má con gái lớn, nhiều người không khỏi thở dài, xót xa.

 

 

V. gây án khi con gái lớn mới 13 tháng tuổi, vừa ly hôn chồng. Được tại ngoại, V. quay lại với chồng cũ và lại có thai. “Lỡ có thai, không lẽ bỏ, phải nuôi thôi?”- bà H. phân bua cho con gái. Lẽ thường là vậy, sao đành lòng bỏ giọt máu của mình? Nhưng sao vẫn không thể thoát khỏi suy nghĩ, dường như V. muốn dùng con để kéo dài thời gian phải thi hành án.
 
Có điều, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời cho V., còn những đứa trẻ sẽ  thiệt thòi biết bao khi lớn lên thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ. Để rồi vòng luẩn quẩn “con hư tại mẹ” lại tái diễn. 
Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *