Bên bờ hạnh phúc

 Theo tổng hợp của Trung tâm BVTV phía Nam, tính đến đầu tháng 7/2012, đã có trên 29 ngàn ha trong tổng số gần 43 ngàn nhãn ở các tỉnh phía Nam bị bệnh chổi rồng tấn công. Trong đó, diện tích nhiễm nặng chiếm gần 21 ngàn ha, còn lại phần lớn nhiễm ở mức độ trung bình. Nhiều diện tích bị thiệt hại lên đến 90% về năng suất. Đã có 7 tỉnh thành ở ĐBSCL là Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long công bố dịch chổi rồng trên nhãn. Theo thống kê sơ bộ đã có hơn 600 ha nhãn ở các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang bị nông dân đốn bỏ do dịch bệnh liên tục gây thiệt hại về năng suất từ nhiều năm qua.

 

 

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ cấp Trung ương đến các địa phương đang rất tích cực, khẩn trương thực hiện các biện pháp dập dịch chổi rồng trên nhãn. Nhiều giải pháp đã được đồng loạt triển khai nhằm giúp nhà vườn trồng nhãn đối phó với dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh và khả năng gây thiệt hại trên diện rộng này. 

Sau một thời gian dài chịu cảnh “3 chìm 7 nổi” do sự bấp bênh của giá cả thị trường ,thì hiện nay nhà vườn trồng nhãn ở ĐBSCL lại phải đối mặt với dịch chổi rồng. Chỉ tính riêng ở 07 tỉnh, thành đã công bố dịch thì diện tích bị nhiễm nặng đã lên đến hơn 26 ngàn ha, chiếm khoảng 87% so với tổng diện tích trồng nhãn ở các địa phương này, tập trung chủ yếu ở các vườn trồng giống nhãn tiêu da bò. Mặc dù các nhà vườn đã áp dụng nhiều biện pháp đối phó như cắt tỉa cành nhiễm bệnh, phun thuốc diệt trừ nhện lông nhung , nhưng đa phần kết quả mang lại không như mong muốn. Khả năng tái nhiễm bệnh rất cao. Bệnh tấn công tất cả các giai đoạn sinh trưởng, từ lúc cây con đến khi nhãn mang trái ,đều có biểu hiện triệu chứng của bệnh chổi rồng.

Vĩnh Long là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều nhất trong khu vực với khoảng 10 ngàn ha. Trong số đó thì diện tích bị nhiễm bệnh chổi rồng đã lên đến trên 9 ngàn ha. Vùng chuyên canh nhãn ở các xã Cù Lao trên sông Tiền và sông Hậu thuộc các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn là những nơi bị dịch chổi rồng tấn công nặng nhất. Nếu tính riêng ở các vùng chuyên canh tập trung thì diện tích nhãn bị chổi rồng tấn công lên đến trên 96%, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 30-100%. Với diện tích bị nhiễm hơn 4.200 ha, tỷ lệ nhiễm nặng trên 70%, Long Hồ là địa phương bị dịch chổi rồng gây thiệt hại nặng nhất. Ước tính của ngành chức năng, tại các vườn bị nhiễm bệnh trên 70%, năng suất có thể bị sụt giảm từ 50-70%.

Trước tình hình này, vào ngày 08/2/2012, UBND tỉnhVĩnh Long đã công bố dịch chổi rồng trên địa bàn. Và tiếp sau đó là hàng loạt các hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch từ cấp tỉnh đến các xã và tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân.

Để phục vụ cho công tác phòng chống dịch hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã có  hướng dẫn hổ trợ kinh phí cho nhà vườn. Theo đó, những vườn có diện tích nhãn bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng/ha. Mức 5 triệu đồng/ha sẽ được áp dụng cho những diện tích bị thiệt hại từ 30-70%. Số tiền hỗ trợ sẽ được chia làm 02 phần. Một là chi phí cắt tỉa và phần còn lại là dùng để mua thuốc diệt trừ nhện lông nhung.

Với chính sách này sẽ giúp cho nhà vườn trồng nhãn phần nào khắc phục được những khó khăn về kinh phí trong giai đoạn cao điểm dập dịch. Tuy nhiên, để số tiền hỗ trợ này được sử dụng đúng mục đích là việc không hề dễ dàng. Một mặt, đây là số tiền nhà nước giúp nhà vườn dập dịch chứ không phải là hỗ trợ thiệt hại, nếu giao toàn bộ số tiền này cho nhà vườn thì sẽ rất dễ sử dụng vào mục đích khác. Thứ hai là khâu thẩm định, xác nhận diện tích bị nhiễm bệnh phải đảm bảo được tính trung thực, chính xác và công bằng theo tinh thần chống dịch, đảm bảo lợi ích hài hòa cho nông dân. Do đó, khâu này rất cần chọn người có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, uy tín và cần phát huy vai trò dân chủ ở cơ sở. Với những đòi hỏi trên thì trong một thời gian ngắn các địa phương rất khó đưa ra những con số chính xác về diện tích nhãn bệnh cũng như số tiền cần hỗ trợ. Từ đó, tiến độ thực hiện các bước phục vụ cho công tác phòng chống dịch ở nhiều địa phương còn khá chậm.

Theo kế hoạch chống dịch do Cục BVTV đề nghị, thời điểm dập dịch nên kết thúc trước ngày 30/6/2012 nhằm tạo ra chiến dịch đồng loạt, tập trung trước khi mùa lũ 2012 tràn về. Tuy vậy, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch diễn ra vào đầu tháng 7/2012, Cục BVTV nhận định tiến độ thực hiện ở 07 tỉnh công bố dịch chỉ mới đạt khoảng 50% so với yêu cầu đặt ra. Những khó khăn, tồn tại được xác định là: Thủ tục mua thuốc, lập hồ sơ chứng từ phát tiền hỗ trợ nông dân yêu cầu phức tạp, mất thời gian, dễ sai sót nên nhiều địa phương triển khai rất chậm. Chi phí cắt tỉa cao vượt khả năng của từng nông hộ, nhân công lao động ít nên thời gian cắt tỉa kéo dài, xử lý thuốc trừ nhện không mang lại kết quả cao. Diện tích nhãn bị thiệt hại thực tế tăng hơn số liệu điều tra ban đầu nên phải thẩm định lại, mất nhiều thời gian cho khâu này. Giá nhãn đang ở mức thấp, thiệt hại liên tục nhiều năm nên không khuyến khích nông dân chăm sóc đầu tư.

 Những yếu tố này làm cho dịch bệnh tiếp tục tồn tại, lây lan trong niên vụ nhãn 2012. Nếu bây giờ các địa phương mới bắt đầu thực hiện thì cũng đã trể mùa xử lý ra hoa nhãn, vấn đề dập dịch trên diện rộng sẽ càng khó thực hiện hơn.

Tổng thể là vậy, tuy nhiên qua thời gian triển khai công tác dập dịch thì các địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dập dịch.

 

Tiêu biểu là tại tỉnh Sóc Trăng. Tại thời điểm công bố dịch, ngày 13/9/2011, diện tích nhãn bị nhiễm chổi rồng trên địa bàn tỉnh là hơn 3000ha, trong đó có gần 2.400ha bị nhiễm nặng trên 70%. Nhờ chủ động tích cực triển khai các biện pháp dập dịch theo hướng dẫn của Cục BVTV, đến nay tỉnh đã có trên 1.600 ha được phục hồi, tỷ lệ nhiễm bệnh nặng đã giảm hơn 50%. Cục BVTV đánh giá, đây là một trong những địa phương thực hiện sớm và đạt kết quả dập dịch khá tốt so với các địa phương đã công bố dịch.

Qua thực tế cho thấy, ngoài những nổ lực từ ngành chức năng, vai trò của những nông hộ trực tiếp thực hiện là yếu tố then chốt để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao. Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch ở các địa phương đều rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động nhà vườn chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chổi rồng. Chính vì vậy mà ngay trong vùng dịch chổi rồng đang hoành hành, vẫn có những vườn nhãn sum xuê, trĩu quả. Trường hợp vườn nhãn tiêu da bò rộng 1,8 ha của ông Nguyễn Thạch Ngọc ở xã Long Phước – huyện Long Hồ là một ví dụ.

 Cũng như những nhà vườn khác trong vùng, khoảng 03 năm trước vườn nhãn tiêu da bò của ông cũng bắt đầu xuất hiện triệu chứng của bệnh chổi rồng. Do không biết nguyên nhân từ đâu nên lúc đầu việc xử lý không mang lại kết quả. Được tham dự các lớp tập huấn của trạm BVTV huyện Long Hồ, ông đã  áp dụng quy trình xử lý nhện lông nhung cho vườn nhãn của mình. Kinh nghiệm hơn 15 năm gắn bó với cây nhãn cùng kiến thức học được đã giúp ông nhanh chóng thành công chỉ sau một vụ mùa thử nghiệm.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng qua kinh nghiệm thành công ở Sóc Trăng cũng như một số mô hình mà bà con nông dân tự xử lý cho thấy, dịch chổi rồng hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có sự nổ lực từ ngành chức năng, cũng như ý thức tự giác của bà con nông dân.

Trong bối cảnh mà nhiều địa phương đang phải loay hoay với vấn đề chính sách, nhà vườn thì lại trông chờ vào sự giúp đỡ của ngành chức năng, những thành công bước đầu này rất đáng được khích lệ. Công tác phòng chống dịch chổi rồng sẽ nhanh chóng đi đến hồi kết nếu những bài học kinh nghiệm hay từ thực tiển được vận dụng rộng rãi trên phạm vi rộng./  

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *