Từng là vật chỉ dành cho việc cúng tế, qua thời gian, vai trò của búp bê đã có sự thay đổi, giờ đây chúng trở thành món đồ giải trí dành cho trẻ con và cả người lớn. Tuy hình thức bên ngoài của búp bê có thay đổi nhưng về mặt duy tâm, người Nhật không xem búp bê là vật vô tri vô giác. Quan niệm đó đã hình thành nên lối ứng xử tôn trọng đối với những con búp bê cũ rách.
Người Nhật thả hình nộm trôi theo dòng sông để cầu nguyện thoát khỏi bệnh tật, tai ương
Tại thành phố Wakayama thuộc tỉnh Wakayama, có ngôi đền Thần đạo Awashima hơn 1.000 năm tuổi nằm nép mình bên bãi biển. Ngôi đền dành hẳn một gian riêng để làm nơi lưu giữ vô số búp bê của tín đồ trên khắp cả nước mang đến dâng cúng.
Vô số búp bê cũ được mang đến đền Thần đạo Awashima
Vào ngày 3/3 hàng năm, đền Awashima tổ chức lễ tống tiễn búp bê. Tại buổi lễ, người ta chất búp bê cũ lên đầy những chiếc thuyền gỗ nhỏ và thả ra biển. Người Nhật quan niệm rằng, búp bê không chỉ đáng yêu mà chúng cũng có linh hồn và đây là cách để họ tỏ lòng biết ơn đối với búp bê. Chính vì vậy, từ xa xưa, người dân đất nước này có thói quen không vứt bỏ bừa bãi búp bê cũ rách. Thay vào đó, họ mang chúng đến các đền thờ để chờ dịp thả trôi ra biển cả.
Vào ngày 3/3 hằng năm, người ta tổ chức lễ tống tiễn búp bê cũ ra biển
Tại một ngôi làng hẻo lánh của vùng Tsugaru thuộc tỉnh Aomori, búp bê có ý nghĩa tâm linh khác. Người dân ở đây có tập quán thờ búp bê cô dâu và búp bê chú rể bên cạnh di ảnh của con trai hoặc con gái của họ không may mất sớm khi còn trẻ với ý nguyện cầu mong cho của họ có người bầu bạn ở thế giới bên kia.
Búp bê cô dâu – chú rể được thờ bên di ảnh của người chết
Ngoài ra, búp bê mô phỏng hình dáng của người đã khuất là truyền thống ở một số địa phương của Nhật. Quận Iwatsuki thuộc thành phố Saitama là nơi nổi tiếng về sản xuất búp bê dạng này.
Các nghệ nhân ở đây làm búp bê hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng, điều kiện là khách hàng phải gửi ảnh của người quá cố để các nghệ nhân tái hiện trên búp bê. Một con búp bê được cho là đạt yêu cầu khi khách hàng nhận ngay ra nó là bản sao của người thân của họ. Những con búp bê này có ý nghĩa đặc biệt, xét về khía cạnh tâm linh, chúng được xem là sợi dây liên kết giữa người sống và người chết.
Một số búp bê làm bằng phương pháp thủ công mô phỏng hình dáng người đã khuất
Vào đầu thế kỷ 20, Mỹ ban hành Luật Nhập cư năm 1924 hạn chế người Nhật định cư tại Mỹ. Đạo luật đã gây căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Người có công hàn gắn tổn thương này là nhà truyền giáo Sidney Gulick – người có nhiều năm sinh sống ở Nhật và hiểu rõ người Nhật rất quý trọng búp bê.
Gulick đề xuất dùng những con búp bê của Mỹ để tặng cho trẻ em Nhật Bản như một món quà thể hiện tình hữu nghị. Đề xuất trên nhận được sự ủng hộ của các tổ chức xã hội và trẻ em Mỹ đã quyên góp khoảng 13.000 con búp bê gửi sang Nhật trong chương trình mang tên “Tình hữu nghị Búp bê”.
Vào năm Showa thứ 2, tức năm 1927, búp bê hữu nghị mắt xanh của Mỹ trở thành phần thưởng quý giá dành tặng cho các học sinh tiểu học có thành tích xuất sắc trên khắp Nhật Bản.
Búp bê Cảm ơn
Như một sự đáp lễ, phía Nhật Bản cũng đã gửi sang Mỹ 58 con búp bê đặc biệt mà họ gọi là “Búp bê Cảm ơn”. Một cuộc trao đổi búp bê giữa hai nước hình thành, đánh dấu sự bình thường hóa quan hệ song phương. Sự ra đời của Búp bê Cảm ơn cũng đồng nghĩa với việc con búp bê Nhật Bản có thêm vai trò mới – vai trò của sứ giả hòa bình hàn gắn những rạn nứt giữa hai dân tộc, hai quốc gia.
Búp bê mang vai trò sứ giả hòa bình hàn gắn những rạn nứt giữa Mỹ và Nhật Bản
Thanh Tâm