Bên bờ hạnh phúc
Cách mạng Tháng Tám có sự tham gia của đông đảo thanh niên yêu nước.

Có hoàn cảnh khác hoàn toàn với tướng Nguyễn Chuông, là con trai một nhà thấu khoán, lúc còn nhỏ, tướng Cao Pha thường theo cha đi nhiều nơi. Học xong tú tài, ông được học bổng của Trường Nông Lâm ngoài Hà Nội. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), với lòng nhiệt huyết Cách mạng, ông đã cùng một số bạn sinh viên tham gia Việt Minh, rời ghế nhà trường đạp xe đạp từ Hà Nội vào Huế.

Tại đây, ông theo học Trường thanh niên tiền tuyến. Dù đây là trường huấn luyện quân sự do Bộ Thanh niên của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim quản lý, nhưng thực chất lại đào tạo cán bộ quân sự cho Cách mạng do các ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu phụ trách. Học sinh của trường hầu hết là sinh viên các trường đại học ở Đông Dương, một số đã là cơ sở của Việt Minh, nhiều người là con cái của những gia đình danh giá. Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng sau này, những người xuất thân từ trường có 2 người trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 8 tướng lĩnh Quân đội, 10 đại tá và các giáo sư.
 
Ngày 21/8/1945, tướng Cao Pha cùng với ông Đặng Văn Việt được cử đi hạ cờ vàng quẻ ly của nhà Nguyễn, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài ở cổng Ngọ Môn, sau đó, ngày 30/8, ông tham gia bảo vệ buổi lễ Bảo Đại thoái vị.  Trong những ngày đầu Huế giành chính quyền, ông được phân công đưa Vĩnh Thụy (Bảo Đại) ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ. Trở lại Huế, ông là Trưởng ban Tình báo tỉnh Thừa Thiên, Trưởng ban Tình báo phân khu Trị Thiên rồi Trưởng ban Tình báo khu bốn, sau đó ra Bắc về học Trường võ bị Trần Quốc Tuấn.

Mở đường cho Chính phủ lâm thời về Thủ đô

Thiếu tướng
Hoàng Thế Thiện.

18 tuổi tham gia Cách mạng tại thành phố cảng quê hương, 21 tuổi bị kết án tù khổ sai và bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi Sơn La cùng nhiều tên tuổi khác như Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn, Đỗ Nhuận…, tháng 3/1945, người thanh niên Hoàng Thế Thiện vượt ngục và được cử làm Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền Cứu quốc quân huyện Võ Nhai.

Ngày 19/8, ông nhạy bén nắm bắt thời cơ chuyển cuộc mít tinh của trên 5000  người ở sân vận động thị xã Thái Nguyên do nhóm thanh niên Việt Minh và Vũ trang Tuyên truyền Võ Nhai chỉ đạo sang tuần hành vũ trang thị uy vào nội ô thị xã khiến cho quân Nhật sợ hãi, án binh bất động. Đây là bước thắng lợi có ý nghĩa quyết định đầu tiên để ngày 20/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền hoàn thành ở Thái Nguyên.

Thắng lợi trên tạo điều kiện cho Chính phủ lâm thời cùng Giải phóng quân từ Tuyên Quang qua Thái Nguyên, sớm về Hà Nội, chủ tịch Hồ Chí Minh công bố nước Việt Nam mới trước quốc dân đồng bào và thế giới, ở thời điểm kịp thời.

Liên quan tới sự kiện này, trong hồi ức Những chặng đường lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chúng tôi tới Thịnh Đán thì được tin có một đội tuyên truyên xung phong từ Võ Nhai tiến xuống hôm trước, đã đột nhập thị xã, tổ chức quần chúng tuần hành thị uy. Một đội dân quân của Phú Bình, Phổ Yên cũng đã vào thị xã lùng bắt một số tay chân của địch. Tình hình bảo an binh đang hết sức hoang mang".

Sau khi Cách mạng thành công, ở tuổi 23, tướng Hoàng Thế Thiện đã được bầu vào Ban thường vụ Tỉnh ủy lâm thời Thái Nguyên, đồng thời làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Thái Nguyên. Sau này, tướng Nguyễn Thế Thiện giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Tuổi trẻ được giao trọng trách lớn

Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, từ 1940-1943, phong trào Cách mạng bị khủng bố trắng. Năm 1944, 22 tuổi, người thanh niên cách mạng Nguyễn Quyết được Xứ ủy Bắc Kỳ điều về hoạt động khôi phục phong trào tại Hà Nội trên cương vị bí thư Thành ủy. Trước ông, trong vòng 3 năm, 9 bí thư Thành ủy bị địch bắt, có người hy sinh…

So với các thành phố lớn khác của nước ta, như Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, Hà Nội là thành phố giành được chính quyền đầu tiên với số  Đảng viên chỉ khoảng 50 người và Ủy ban Khởi nghĩa. Đặc biệt, ủy ban chỉ có 4 người nhưng tất cả đều ở độ tuổi 20.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tướng Nguyễn Quyết được cử giữ chức vụ Ủy viên Chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội. Đến khi Pháp gây hấn ở miền Nam, Chính trị viên Chi đội 1 Nguyễn Quyết hòa mình trong đoàn quân Nam tiến vào chi viện cho Chiến trường Khu V. 

Thượng tướng
Hoàng Minh Thảo.

Cũng như đại tướng Nguyễn Quyết, khi diễn ra Cách mạng Tháng Tám, thượng tướng Hoàng Minh Thảo mới chỉ đôi mươi nhưng được Đảng tin tưởng giao trọng trách lớn.

Tháng 8/1945, sau khi tham gia giành chính quyền tại tỉnh Lạng Sơn, trên cương vị Ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy lâm thời, hòa trong dòng người phấn khởi, náo nức, ông cùng đoàn quân tiến về Hà Nội, đón chào ngày Cách mạng thành công.

Tháng 10/1945, ở tuổi 24, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Chiến khu III thay ông Nguyễn Bình, do Bác Hồ điều động vào Nam, thống nhất các lực lượng vũ trang chiến đấu. Tướng Hoàng Minh Thảo từng tâm sự: "Mới 24 tuổi đầu, kiến thức quân sự còn rất hạn chế. Chỉ được dự qua lớp bồi dưỡng ở Nam Ninh (Trung Quốc) mà giữ trách nhiệm chỉ huy một chiến trường có tầm quan trọng chiến lược rất lớn nên tôi rất lo. Bấy giờ, Chiến khu III là một trong những chiến trường bao gồm các tỉnh : Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Ninh… rất sôi động ở vùng duyên hải Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó, có vị trí chiến lược quan trọng như Hải Phòng…".

Có lẽ trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa I (1946), tướng Đồng Sĩ Nguyên là một trong những người trẻ tuổi nhất, 23. Khi ấy, ông đang là chủ nhiệm Việt Minh kiêm Chỉ huy trưởng và Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình. Tham gia Cách mạng khi đang học trung học (1938). Đang học năm thứ 3 Thành chung Trường Saint Marie ở thị xã Đồng Hới, ông được Xứ ủy Trung Kỳ cho thoát ly sang Thái Lan tránh khủng bố khi bị truy nã gắt gao và tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước Thái – Lào.

Cuối năm 1944, phát xít Nhật tấn công quân Pháp ở Đông Dương, ông bí mật trở về quê hương, củng cố Phủ ủy Quảng Trạch (Quảng Bình), làm chủ nhiệm báo Hồng Lạc, trực tiếp đàm phán với chỉ huy tàn quân Pháp để phối hợp đánh Nhật, phụ trách chiến khu Trung Thuần, huấn luyện tự vệ cứu quốc địa phương, tham gia thành lập Ban cán sự Đảng, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Bình, rồi tham gia lãnh đạo giành chính quyền trong tỉnh. 

Bài viết này chưa thể kể hết các chân dung những vị tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Nhưng những chân dung ở trên cũng đủ thấy rằng, thanh niên Việt Nam, dù xuất thân ở tầng lớp nào đều mang trong mình tình yêu Tổ quốc, một tấm lòng nhiệt tình cách mạng nồng nàn, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn khi được tin tưởng giao phó.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *