Bên bờ hạnh phúc

 Mấy chục năm làm từ thiện, với trên 600 căn nhà tình thương giúp người nghèo, làm hàng trăm cây số cầu đường nông thôn, và còn nhiều hoạt động xã hội khác …,  người nông dân này xứng đáng là một trong những người được vinh danh: làm việc thiện bậc nhất miền Tây.

 

Tên ông là Lê Văn On, nhưng mọi người vẫn quen gọi là ông Tám từ thiện, bởi ông làm việc thiện trước tiên và nổi tiếng ở  vùng nầy : xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Nhiều người quê ông vẫn còn nhớ rõ, ngay từ lúc quê nhà còn chìm trong bom đạn chiến tranh, ai cũng nghèo khổ như nhau, nhưng thuở ấy ông Tám đã ra công làm việc nghĩa , đó là bắc mấy cây cầu  qua sông để đi lại dễ dàng hơn. Năm ấy, ông mới ngoài ba mươi…

Rồi sau ngày giải phóng, cuộc sống của gia đình ông dần ổn định cùng  sự cố gắng, vượt khó của bản thân. Nhìn lại thấy quê mình còn nghèo, bà con Tiên Long còn nhiều người nghèo,  ông Tám bắt đầu dấn thân đi làm việc thiện mãi cho đến sau này.

“Mặc áo rách mới thương người rách áo, có đói lòng mới nhớ kẻ hụt ăn.” Có lẽ đó là câu nói nằm lòng của ông Tám, như là để tự nhắc nhở mình không bao giờ được quên giúp đỡ người nghèo.

Sinh ra trên đời, chẳng ai muốn mình nghèo cả. Thế nhưng, có những cảnh đời thiếu may mắn, cứ chật vật trong quanh năm. Từng trải qua cuộc sống trong nhà dột cột xiêu, ông Tám thấu hiểu mơ ước của những người nghèo luôn hy vọng vượt qua số phận, và làm từ thiện đến với ông như một lẽ tự nhiên, không so đo, suy tính…  Theo thời gian, hàng trăm căn nhà đã được ông dựng lên để giúp người nghèo, hàng trăm km cầu đường nông thôn được ông góp công góp của xây dựng.

Ông cho biết, những năm sau giải phóng, nhà nước chưa có chính sách về nhà ở như hiện nay, mà lúc đó người nghèo cần nhà ở cũng nhiều. Đôi khi, ông phải cho người ta đăng ký ngày dựng nhà trước vài tháng để sắp xếp lịch công việc. Ban đầu có một mình ông đứng ra làm, khi cần thợ mộc thì ông thuê mướn. Về sau, nhiều người nhận thấy ông Tám thật sự  sống hết lòng nên xin gia nhập “đội làm nhà từ thiện” của ông.

Đội cất nhà tập hợp được vài chục người , nên tiến độ cất nhà cũng nhanh hơn. Mỗi năm có thể cất từ 20 đến 30 căn,  trước sau ông đã cất trên 600 căn nhà tình thương cho người nghèo.

Những nhà nghèo ở xa như Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, ông cũng sẵn sàng ráp nhà chở đến tận nơi cho họ. Nhiều người kể lại, có khi ông hứa dựng nhà cho người ta rồi, mà mua cây không đủ, ông và các con phải đốn dừa nhà mình để cho. Điều đáng mừng hơn là, hầu như ai được ông cho nhà cũng đều làm ăn khấm khá, thay đổi được cuộc đời.

Cùng với việc cất nhà, ông Tám thừ thiện còn tự nguyện ra công, ra của, rồi vận động bà con xây cầu – làm đường tại địa phương. Những anh em trong ấp cũng quen đức tính của ông, thế nên khi ông phát động làm gì cũng nhanh chóng hoàn thành.

Chỉ trong thời gian ngắn, những cây cầu khỉ dần được thay thế bằng cầu bê tông, đường xá trong ấp được đal hóa toàn bộ. Bà con đi lại thuận tiện cả 2 mùa mưa nắng. Từ đó, đưa quê hương ông, ấp Tiên Phú 1, xã Tiên Long, huyện Châu Thành trở thành địa phương điển hình tiêu biểu của tỉnh Bến Tre trong việc thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng giao thông nông thôn. Từ đó mô hình được nhân rộng ra toàn xã.

Gia đình ông Tám không giàu có , nhưng nhờ có lòng, có “hậu phương” vững chắc, nên việc làm của ông mới có sức bền như vậy. Thậm chí cho đến hiện nay, dù Nhà nước có nhiều chính sách giải quyết nhà ở cho người nghèo, nhưng ông Tám vẫn là chỗ dựa nghĩa tình.  Có người xây nhà mà không đủ tiền tô xi măng, ông mua vật liệu cho họ tô để hoàn chỉnh căn nhà. Đôi khi, có lúc cần mà huê lợi vườn nhà chưa có, ông lại ra đại lý mua chịu vật liệu xây dựng để kịp ngày công xây dựng.

Từ những việc làm của ông Tám, mọi người nhận ra, đâu phải đợi đến khi lắm của nhiều tiền mới có thể đi làm từ thiện . Thật sự , việc ấy cốt ở tấm lòng.

 Và từ tấm lòng của ông Tám , mọi người xung quanh đã không thể khoanh tay ngoài cuộc… Thực tế,  ông Tám không thể làm nên những công trình cầu đường trị giá hàng chục tỷ đồng ở quê ông, nếu không có sự góp sức của cộng đồng. Lòng nhân ái lan tỏa mới là điều hạnh phúc nhất…

Năm 2003, ông được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi thư khen tặng. Trước đó, ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh và trung ương. Mới đây, vào năm 2008, Ông Tám còn được tỉnh cử đi Hà Nội tham dự Hội nghị tuyên dương tấm gương Học tập và làm theo Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Tám tâm sự, cả đời làm việc thiện, ông Tám chưa bao giờ nghĩ đến phần thưởng, nhưng trong mắt chúng tôi , điều đó thật sự  rất xứng đáng… 

 

Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay,  rất cần có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Với đức tính trung thực, tận tâm của mình, ông Tám đang được xem như là nam châm nhân ái , để có thể khơi dậy và thu hút những tấm lòng cùng chung sức xây dựng quê hương.

Chúng tôi biết, hơn 2 năm nay, sức khỏe của ông không còn tốt như xưa. Dù ít đi lại hơn, nhưng vai trò của Trưởng ban kiến thiết ấp Tiên Phú 1, và Hội viên danh dự Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Châu Thành cũng khiến ông Tám bận bịu cả ngày. Ông nói, khi còn người bất hạnh quanh mình thì ông vẫn còn làm từ thiện.

Đi qua những con đường dal, đường nhựa trải dài, len lỏi trong những khu vườn, rời Tiên Long, chúng tôi vẫn luôn nghĩ về ông . Bên dòng Hàm Luông hiền hòa xuôi chảy, ông đã làm đẹp cho quê hương bằng chính lòng nhân ái của mình. Và rồi chúng tôi lại ước mơ, ước gì ở đâu cũng có những ông Tám từ thiện để cuộc sống hôm nay thêm ấm áp tình người. 

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *