Bên bờ hạnh phúc

Từ lâu, ngành nông nghiệp vẫn thường khuyến cáo nông dân tuyệt đối không nên duỡng chét vì dễ làm thoái hóa đất và giảm chất lượng, năng suất lúa khi thu hoạch. Vậy mà, sau khi thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, tình trạng nông dân phát gốc rạ để dưỡng chét sản xuất cho vụ Thu Đông tại một số địa phương vẫn còn xảy ra.   

 

Nhiều nông dân cho rằng phát gốc rạ lúa hè thu dưỡng chét để sản xuất lúa Thu Đông là biện pháp tốt nhất trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay. Mặt khác, dưỡng chét lúa vừa tiết giảm được công lao động, giảm lượng lúa giống và thu hoạch lúa sớm hơn tránh được lũ. Một nguyên nhân khác là do chi phí vật tư nông nghiệp và cày xới luôn ở mức cao nên nông dân quyết định dưỡng chét để giảm chi phí đầu tư. Kết quả thực tế trong những năm qua,  việc dưỡng chét lúa Hè Thu cũng đạt hiệu quả khá cao nhưng chỉ ở vài vụ đầu, các vụ sau năng suất và chất lượng lúa đều bị giảm.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám Đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long: “ Nếu chúng ta áp dụng biện pháp dưỡng chét thì nó sẽ mang lại nhiều tác hại , hơn nữa thì hiệu quả dưỡng chét trong những năm qua khi tính toán lại nó rất là thấp so với biện pháp chúng ta sạ bằng giống chất lượng tốt . Do đó, vấn đề này chúng tôi đề nghị bà con nông dân phải hạn chế , không thực hiện biện pháp này. Và hướng sản xuất hiện đại cũng không chấp nhận biện pháp này vì làm cho chất lượng lúa không đảm bảo, năng suất lúa không cao, lợi nhuận người dân không đạt”

Vụ lúa Thu Đông năm nay tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống 52.000 ha. Để đảm bảo tổng sản lượng lúa Thu Đông đạt hơn 249.600 tấn, ngoài hỗ trợ giống lúa mới và chuyển giao kỹ thuật canh tác tiến tiến, ngành nông nghiệp còn khuyến cáo nông dân hạn chế tối đa việc dưỡng chét để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó giám Đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long: “Đối với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp ở các huyện , nhất là phòng NN&PTNT, phòng kinh tế và UBND các xã cần có những giải pháp khuyến cáo trực tiếp đối với người dân. Đặc biệt nên có những biện pháp chế tài để hạn chế tình trạng này , khuyến khích người dân làm đất lại và sạ bằng giống chất lượng tốt nhằm đạt năng suất và chất lượng cao của sản phẩm khi chúng ta thu hoạch.”

Để lúa hàng hóa của Vĩnh Long nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; vấn đề đầu tiên cần phải chú trọng thực hiện là nâng cao chất lượng hạt lúa và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Vì vậy bà con nông dân cần quan tâm sử dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác tiên tiến; hạn chế tối đa việc dưỡng chét gốc rạ lúa Hè Thu để sản xuất trong vụ Thu Đông, góp phần nâng cao giá trị hạt lúa và tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *