Bên bờ hạnh phúc

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng hóa tồn kho trong nước chỉ trong 4 tháng đầu năm đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Từ đó dẫn đến một lượng lớn hàng hóa sản xuất ra nhưng tiêu thụ chậm, chỉ số hàng tồn kho tại các doanh nghiệp gia tăng. Trong khi đó , tài chính của doanh nghiệp gặp khó do dòng quay đồng tiền giảm, vốn ứ đọng vào hàng tồn. Cải thiện sức mua và giải quyết hàng tồn kho đang là bài toán không dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp.

Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng của cả nước giảm 0,26% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng âm sau 38 tháng dương liên tiếp.

Chỉ số giá tiêu dùng giảm cho thấy người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Điều này giúp lạm phát được ngăn chặn nhưng cũng đồng nghĩa là sức tiêu thụ hàng hóa bị chậm đi. Do vậy, chỉ số tồn kho tăng cao tại các doanh nghiệp sản xuất.

 

Các ngành hàng có chỉ số hàng tồn kho tăng cao như: chế biến và bảo quản rau quả tăng gần 95%; phân bón và hợp chất nitơ tăng trên 63%; xi-măng tăng trên 44%; xe gắn máy tăng gần 39%; chế biến và bảo quản thuỷ sản, sản phẩm từ thuỷ sản tăng trên 35%; quần áo may mặc cho người lớn tăng hơn 37%. Hàng tồn kho tăng cao khiến vòng quay đồng vốn tại các doanh nghiệp chậm, hiệu quả kinh doanh giảm sút.

Đáng lưu ý là đối với nhiều loại hàng hóa, như thực phẩm chế biến, thì hàng tồn kho càng thêm khó khăn do hạn sử dụng ngắn. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chọn giải pháp giảm giá mạnh hoặc bán khuyến mãi mua 1 tặng 1 hay bán kèm hàng hóa khác trong siêu thị.

Đối với ngành hàng quần áo may sẵn, sức mua hiện nay yếu hơn khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính của các doanh nghiệp thì lượng hàng tồn kho chiếm tỷ lệ khoảng 50 – 70%. Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cho biết lượng hàng tồn hiện có thể đủ bán cho đến cuối năm. Tuy nhiên, hàng càng cũ càng khó bán, nên các công ty đều chọn giải pháp vẫn sản xuất mới nhưng giảm giá tối đa hàng cũ để thu hồi vốn tồn đọng …

 Có cửa hàng hiện có đến 700 mẫu sản phẩm giảm giá. Có những mẫu áo nữ giá trước đây 85 ngàn đồng nay chỉ còn 30 ngàn đồng/ cái và mẫu quần jean nữ từ chỗ 200 ngàn đồng nay giảm chỉ còn 99 ngàn đồng/ cái.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50%. Điều này được quy định trong Nghị định 37 từ năm 2006 của Chính phủ. Ngoài ra, một chương trình khuyến mãi cũng không vượt quá 45 ngày.

Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số tăng trưởng này vẫn thấp hơn nhiều so với 5 tháng 2010 là 9,2%. Sang quí 2 năm nay, sản xuất công nghiệp có chuyển biến, nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp. Nhiều ngành sản xuất còn khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, xi măng giảm 7,2%; sắt thép giảm 5,8%; xe có động cơ giảm 11,6%. Chỉ số hàng tồn kho tính đến tháng 5 giảm còn là 29,4%.  

Xi – măng là sản phẩm có lượng hàng tồn kho lớn. Công suất thiết kế là 64 triệu tấn nhưng năm ngoái cả nước chỉ tiêu thụ được 55 triệu tấn. Trong nửa đầu năm 2012, dự kiến khối lượng tiêu thụ vẫn tương đương năm rồi do nhiều dự án xây dựng cơ bản của nhà nước vẫn chưa tái khởi động. Với lượng tiêu thụ như vậy thì chỉ khai thác được 80% công suất thiết kế. Nguyên nhân là do các dự án đầu tư công vẫn chưa khởi động còn các công trình dân dụng cũng không có sự tăng trưởng mạnh do thu nhập của người dân giảm sút. Giá bán mặt hàng xi măng vì vậy cũng đã thấp hơn khoảng 10 ngàn đồng/ bao so với đầu năm. Doanh nghiệp tư nhân Thanh Danh, nhà phân phối nhiều loại xi – măng miền Bắc tại khu vực ĐBSCL cho biết để đẩy mạnh bán hàng thì chính sách giá là quan trọng. Ngoài ra còn đổi mới phương thức bán hàng, mở rộng những thị trường xa hơn để đẩy nhanh lượng hàng tiêu thụ.         

 Kinh tế khó khăn khiến sức mua sụt giảm và mang tính dây chuyền. Đối với nông dân, do giá nông sản thấp nên sức tiêu thụ mặt hàng phân bón hiện đang rất chậm, trong khi lượng hàng phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu dư thừa.

Tập đoàn hóa chất Việt Nam cho biết lượng phân bón tồn kho hiện đã lên tới 700 ngàn tấn. Dù vậy, giá bán ra không thể giảm do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và phải chịu thêm phí tồn kho.

 

 

Ở Công ty cổ phần phân bón hóa chất Cần Thơ, thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam, tuy doanh số trong nửa đầu năm nay vẫn tăng 27% nhưng theo doanh nghiệp thì tăng trưởng chủ yếu là nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang những nước lân cận. Đây cũng là giải pháp mà công ty chú trọng thực hiện ngay từ đầu năm 2012 này, bởi lẽ thị trường trong nước sức mua hiện đã sụt giảm đến 20%. Việc đẩy mạnh hàng xuất khẩu không chỉ giúp công ty đẩy nhanh hàng hóa ra thị trường, hạn chế hàng tồn kho mà còn nhằm cân đối ngoại tệ để mua nguyên liệu duy trì sản xuất. Nhờ vậy, đồng vốn quay nhanh hơn, từ 2,2 lần năm trước tăng lên 3 lần trong năm nay.         

 Có thể thấy chỉ số hàng tồn kho cao là do thu nhập của đại bộ phận người tiêu dùng thấp. Trong đó nông dân và công nhân là hai lực lượng tiêu thụ chính nhưng thu nhập giảm sút khiến sức mua hàng hóa chậm lại. Đối với mặt hàng xe gắn máy, lượng hàng tiêu thụ chậm kéo dài từ đầu năm đến nay khiến cho lượng hàng tồn kho tại các cửa hàng tăng, bình quân trên 200 xe mỗi cửa hàng. Chỉ riêng Doanh nghiệp tư nhân Loan Thanh Bình 2, lượng xe máy tồn tại 4 cửa hàng trên 1.000 xe. Nếu như trước đây, nhiều loại xe có giá bán ra thị trường cao hơn  so với giá đề xuất của nhà sản xuất thì nay hầu hết bán ra với giá thấp hơn từ 300 đến 500 ngàn đồng/ chiếc. Cá biệt có loại xe tự doanh nghiệp giảm giá còn một nửa để giải phóng hàng tồn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn thực hiện nhiều chính sách bán hàng khác nhau hướng đến người tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua vốn ảm đạm ngay từ cuối năm 2011.

Những nỗ lực giải phóng hàng tồn kho không chỉ từ phía doanh nghiệp sản xuất mà còn cả các đại lý, nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, để giải phóng nhanh hơn nữa lượng hàng hóa tồn kho hiện nay cần có thêm sự tham gia hỗ trợ của các ngành chức năng. Đây không chỉ nhằm hỗ trợ động viên doanh nghiệp kịp thời mà còn giúp doanh nghiệp quay nhanh đồng vốn, chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm.

Các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp hay tổ chức tháng bán hàng giảm giá là những giải pháp tích cực mà các ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Đặc biệt là cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần tiếp tục phát huy. Qua đó thực hiện mục tiêu trước mắt là cải thiện sức mua của người tiêu dùng trong hiện tại và tạo đà tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ trong những tháng cuối năm, cao điểm của nhu cầu mua sắm trong dân./.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *