Trong các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường thì hoãn, giãn thuế được xem là giải pháp tác động trực tiếp. chính sách này được cộng đồng doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Song, việc hoãn, giãn thuế phải đi đôi với chống thất thu nhằm bảo đảm cân đối ngân sách và thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.

Theo nghị quyết 13 ngày 10/ 5/ 2012 của chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường thì doanh nghiệp được miễn giảm và gia hạn nhiều loại tiền thuế. Đáng chú ý là doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm 50% tiền thuê đất trong năm 2012. 

 

Song song đó là chính sách gia hạn thuế cho doanh nghiệp. Trong đó gia hạn giá trị gia tăng trong vòng 6 tháng. Thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn 9 tháng.

Các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính được gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng. 

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thường niên cho thấy, số lần mà doanh nghiệp làm việc với thanh tra thuế có giảm từ năm 2011. nếu như trong năm 2009, doanh nghiệp có 1,75 lần/ năm làm việc với thanh tra thuế thì năm 2010 tăng lên 2 lần và năm 2011 vừa qua giảm xuống chỉ còn 1 lần. Song, năm 2011 có đến gần 45% doanh nghiệp được hỏi cho rằng thương lượng với cán bộ thuế là một phần tất yếu trong hoạt động kinh doanh. tỷ lệ này trong năm 2010 chỉ gần 28%. Do vậy, chính sách thuế cần phải thực hiện công khai và minh bạch. 

 Theo tính toán ban đầu của cơ quan  thuế, thực hiện nghị quyết 13 của chính phủ năm nay toàn tỉnh sẽ hụt thu 208 tỷ đồng, chiếm 12,5% dự toán thu của tỉnh. Do vậy, để bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, cần triển khai thu hồi nợ thuế cho hiệu quả. Song song đó là khai thác tốt các nguồn thu chưa thật sự hiệu quả trong thời gian qua, như: cát sông, v.v…; thu hồi nợ thuế sau thanh tra, nhằm bảo đảm thu đúng thu đủ, thực hiện công bằng trong nghĩa vụ thuế. 

Về lâu dài, cải cách hành chính thuế là bước đi tất yếu và xuyên suốt. công việc này đã được Bộ tài chính khởi xướng cách nay gần 10 năm, ngay từ năm 2001. Nhờ vậy, những thủ tục hành chính thuế hiện đã có những bước chuyển biến tích cực. Song, so với nhiều nước và yêu cầu thực tế của xã hội thì trình độ quản lý thuế của nước ta hiện vẫn ở mức thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới. 

Theo báo cáo môi trường kinh doanh hàng năm, các tổ chức quốc tế xếp thứ hạng về thuế của Việt Nam ở mức 140/182 nước. So với các nước trong khu  vực, như: Singapore thứ 5, Malaysia thứ 21, Thái Lan thứ 82. Thời gian DN làm các thủ tục về thuế và các nghĩa vụ với ngân sách là 1.050 giờ trong khi Singapore là 84 giờ, Malaysia 145 giờ, Thái Lan 264 giờ, Indonesia 266 giờ.

Bốn nguyên nhân khiến thủ tục thuế, gồm: kê khai, đăng ký, nộp, hoàn thuế… chậm trễ, thời gian làm thủ tục kéo dài là do người nộp thuế phải kê khai và nộp thuế nhiều lần; quy trình nghiệp vụ còn nhiều chồng chéo; chậm ứng dụng công nghệ thông tin và chưa có mô hình, phương pháp quản lý hiện đại; nhân lực của ngành còn nhiều hạn chế. 

 

 

Khảo sát của Tổng cục Thuế trên hơn 256.000 tờ khai của doanh nghiệp cho thấy 70% trong số này báo không có lãi, với tổng số lỗ lên tới 40.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch thì năm 2012, ngành thuế sẽ thanh tra khoảng 1,5% số doanh nghiệp, tức là khoảng 8.000. Đồng thời còn kiểm tra 12,5% nữa, tức là khoảng 56.000 đơn vị.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13, trong đó một trong những giải pháp trọng tâm là giãn, giảm thuế. Đại diện Tổng cục Thuế cho biết đã yêu cầu các địa phương tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm và có báo cáo sơ bộ trước 20/6. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì việc giảm thuế sẽ tác động trực tiếp vào nguồn thu khoảng 9.000 tỷ đồng, một phần bị giảm, một phần chuyển sang năm 2013.

Cơ quan thuế cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế. Trước mắt, Tổng cục đang tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, mở rộng diện thí điểm khai – nộp thuế điện tử. Hiện việc khai thuế điện tử đã được triển khai tại 41 tỉnh thành cho khoảng 120.000 doanh nghiệp. Tới cuối năm, diện áp dụng có thể đạt khoảng 200.000 trên tổng số hơn 446.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *