Bên bờ hạnh phúc

Nếu yếu tố chính trị được đưa vào môn túc cầu giáo, Hy Lạp đang nợ người Đức một chiến thắng. Tuy nhiên, những vấn đề trên sân cỏ lại hiếm khi bị ảnh hưởng bởi chính trị.

Năm 2004, Hy Lạp gây chấn động châu Âu khi bước lên đỉnh vinh quang tại vòng chung kết Euro trên đất Bồ. Đó là một trong những bất ngờ lớn nhất lịch sử giải đấu này. Bởi trước khi tham dự, đội bóng của đất nước nhiều câu truyền thần thoại bị đánh giá rất thấp.

Đến Euro 2012, Hy Lạp cũng bị xếp vào nhóm yếu nhất giải. Thực tế, hai trận đầu chứng minh điều đó là đúng, khi họ chỉ giành được 1 điểm trước đồng chủ nhà Ba Lan. Cơ hội đi tiếp là rất mong manh, nhưng thầy trò Fernando Santos đã tạo nên cú sốc quật ngã 'gấu Nga" để chạm trán Đức ở tứ kết.

Hy Lạp cần phải chơi phòng ngự tập trung khi gặp Đức

Xét trên mọi khía cạnh, Hy Lạp chẳng thể so bì với "Cỗ xe tăng". Nhưng bóng đá chưa bao giờ tuân theo nguyên lý mạnh được – yếu thua. Vẻ đẹp của túc cầu giáo nằm chính ở yếu tố bất ngờ. Vậy làm thế nào để Hy Lạp có thể tiếp tục tạo nên cơn địa chấn trước người Đức?

Học cách phòng ngự kiểu Chelsea

Thiếu đến 4 trụ cột vì chấn thương và treo giò, Di Matteo đã dựa vào sức mạnh dưới hàng thủ để đăng quang Champions League.

Kế hoạch của nhà cầm quân người Italia rất đơn giản: bóp nghẹt hàng tiền vệ với số đông cầu thủ chơi tập trung, làm giảm nhịp độ tấn công của Bayern và buộc họ phải dứt điểm từ xa. Chelsea sẵn sàng nhường quyền kiểm soát bóng nhưng không bao giờ hoảng loạn trong khâu phòng ngự.

Hy Lạp có thể áp dụng chiến thuật tương tự Chelsea trước người Đức. HLV Santos đang sở hữu hai trung vệ tốt là Kyriakos and Sokratis. Bộ đôi trên đều không ngại va chạm và chơi chơi lăn xả.

Cộng thêm hai tiền vệ che chắn cầu môn từ xa là Katsouranis và Maniatis, Hy Lạp có thể thiết lập nên bức tường vững chãi trước cầu môn Chalkias.

Đức từng gặp khó ở giải đấu lần này khi buộc phải tấn công. Họ thiếu những đường chuyền quyết định để tạo ra cơ hội rõ ràng. Thế nên sẽ không dễ cho đoàn quân HLV Joachim Loew có thể phá vỡ được hệ thống phòng thủ dày đặc mà Hy Lạp định xây dựng.

Ghi bàn từ tình huống cố định

Tzavellas (3) có những quả sút phạt khó chịu

Sau khi Pepe dứt điểm trúng xà ngang khung thành Neuer từ một quả phạt góc, và Krohn-Dehli đánh đầu lập công trong pha bóng tương tự, tuyển Đức đã để lộ điểm yếu về khâu chống bóng bổng ở những tình huồng cố định.

Thời gian gần đây, Hy Lạp ghi không ít bàn thắng từ những quả đá phạt. Với một thế trận chắc chắn, Santos có thể sử dụng những "toà tháp" như Samaras, Papastathopoulos để uy hiếp cầu môn đối phương. Trong khi những cầu thủ nhanh nhẹn như Salpagidis hay Tosoridis sẽ chọn vị trí thích hợp để chớp thời cơ.

Dù vắng nhạc trường Karagounis vì án treo giò, nhưng Hy Lạp vẫn còn 2 tay đá phạt cừ khôi khác là Ninis và Georgios Tzavellas. Trận gặp Nga, Tzavellas suýt chút nữa có được bàn thắng tuyệt đẹp từ một quả đá vòng cung chân trái hết sức kỹ thuật.

Samaras phải tiếp tục toả sáng

Samaras cần tiếp tục thể hiện phong độ cao

Georgios Samaras đã thực sự gây ấn tượng trong trận đấu với tuyển Nga. Anh sử dụng chiều cao để giành chiến thắng trong những pha không chiến, cả khi tấn công lẫn phòng ngự. Gạt đi hình ảnh vật vờ, Samaras đã hoạt động cực kỳ tích cực ở cuộc đấu cuối cùng vòng bảng.

Anh thường xuyên lùi về hỗ trợ đồng đội tại khu trung tuyến, làm giảm nhịp độ tấn công của đối phương. Khi có bóng, Samaras cũng rê dắt khôn ngoan, cố gắng tạo khoảng trống và thời gian để các đồng đội nghỉ ngơi sau những thời điểm căng sức chống đỡ.

Điểm thiếu duy nhất của Georgios trận gặp Nga chính là bàn thắng. Đối đầu Đức, Hy Lạp cần một màn trình diễn xuất sắc như vậy từ Samaras. 

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *