Bên bờ hạnh phúc

Những ngày tháng 6, giới đam mê sinh vật cảnh nhiều tỉnh thành phía Nam vừa có dịp gặp gỡ giao lưu tại  Hội thi và triển lãm  sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vừa được tổ chức tại Vĩnh Long. Một không gian sinh vật cảnh đa dạng, sân chơi lành mạnh cho những người yêu cây cảnh , đã thu hút rất nhiều người dân đến tham quan , và hiểu rằng giờ đây chơi cây cảnh đã trở thành một nghề thật sự đặc biệt, nghề của những đam mê và tâm hồn nghệ thuật.

Đến với khu trưng bày tiểu cảnh và kiểng bonsai , chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự phong phú mà vô cùng độc đáo của nhiều loại cây kiểng khác nhau, đãđược các nhà vườn, các nghệ nhân và cả những người chơi kiểng nghiệp dư tạo tác…

 

Cũng chỉ là mai chiếu thủy, cằn thăng, sanh, si, bùm xụm, tùng, ổi, kim quýt…, thậm chí cả điệp vàng, me, bằng lăng núi… vốn bề thế, cao to, vậy mà qua bàn tay sáng tạo, tài hoa của dân chơi cây kiểng , đã trở thành những tác phẩm bonsai nhỏ nhắn với nhiều thế, dáng, biểu tượng  ngoạn mục và nhiều ý nghĩa . 

Các tiểu cảnh thể hiện đồi núi, rừng, biển… vừa thâm u, bình lặng lẫn nét cổ kính, làm cho người thưởng ngoạn ngắm nhìn không biết chán. Đặc biệt, đến tham quan triển lãm sinh vật cảnh lần này, người sành điệu trong giới chơi cây cảnh mới có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những cây phi lao, tùng, si, nguyệt quế… trong mấy bộ sưu tập bonsai nghệ thuật được đánh giá thuộc hàng cao cấp của các nghệ nhân. 

Một trong những gương mặt khá nổi bật trong giới chơi và sưu tầm cây kiểng tham gia đến vài mươi chậu bonsai đặc sắc tại cuộc triển lãm là Nguyễn Đình Tâm. Người giáo viên của Trường THPT Phạm Hùng, huyện Long Hồ, – Vĩnh Long này chỉ mới chơi cây kiểng khoảng 16 năm nay, nhưng đã sớm tạo được tên tuổi trong giới  bonsai nghệ thuật. Mấy năm qua, anh  đã cung cấp cho dân chơi bonsai ở TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Bình Thuận, Bình Dương… khoảng 300 cây bonsai có chất lượng nghệ thuật cao.Đây cũng là nghệ nhân đoạt nhiều giải thưởng trong các hội thi bonsai trong khu vực. Đặc biệt năm 2011, anh đoạt giải Bạc trong hội thi sinh vật cảnh Quốc tế, được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. 

Cũng chưa có tư liệu chính thức nói về nghệ thuật bon sai đã xuất hiện ở Vĩnh Long từ lúc nào, và ai là người đầu tiên khởi xướng . Chỉ biết rằng, trong khoảng mười năm trở lại đây, nghề chơi cây cảnh hay còn gọi là nghề sinh vật cảnh mới bắt đầu có điều kiện để tồn tại và phát triển rộng khắp trong cộng đồng dân cư trong tỉnh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chính, 58 tuổi, ở Phường 8, thành phố Vĩnh Long, bắt đầu tham gia trồng và chơi cây cảnh từ năm 2000. Lúc ban đầu, ông chỉ dám đầu tư trồng dăm chậu cây cảnh từ những giống phôi mới, với nhu cầu tạo ra cảnh quan cho khuôn viên của gia đình. Kinh nghiệm chưa có, ông phải vừa trực tiếp đi tìm hiểu các phương pháp tạo phôi của những gia đình có kinh nghiệm trồng sinh vật cảnh trong khu vực; tìm hiểu các phương pháp tạo dáng, tạo thế cho từng loại cây; đồng thời nghiên cứu qua sách báo… nên chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có thể tự mình tạo ra các dáng cây cảnh theo ý tưởng và những triết lý về nhân sinh quan; mỗi cây một dáng, thế riêng biệt.

Chúng tôi đã tìm đến thăm vườn cây cảnh của gia đình anh Nguyễn Công Truyền, ở thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm- đây là địa bàn có số lượng người dân tham gia trồng cây cảnh nhiều nhất trong huyện . Trước khi đến với nghề này, anh Truyền từng là một nông dân chỉ quen với công việc đồng áng, vườn tược. Cuộc sống vất vả nên trước kia anh không có điều kiện để nghĩ đến nghề chơi cây cảnh. Mấy năm trở lại đây, gia đình anh đã có "của ăn, của để", nên anh có nhiều thời gian tham quan, tìm hiểu thú chơi cây cảnh của một số hộ gia đình khác trong khu vực. Càng tìm hiểu, anh càng đam mê và nhận ra giá trị cũng như những triết lý sống từ cách tạo thế cho mỗi loại cây . Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp nghiên cứu và chắt lọc kỹ năng trồng cây cảnh của nhiều tài liệu sách, báo khác nhau, từ đó anh quyết định đầu tư vốn để mua phôi giống về trồng trong vườn nhà. Đồng thời , anh bỏ nhiều thời gian lên núi tìm cho mình những giống cây có khả năng tạo dáng mà thị trường đang ưa chuộng. Qua nhiều năm, đến nay trong vườn của gia đình anh đã có nhiều chủng loại cây cảnh rất phong phú và đa dạng. Mỗi loài một thế tạo hình, mỗi cây một triết lý về nhân sinh quan mà anh đã  kỳ công sáng tạo . 

Ở Vĩnh Long , phong trào trồng và chơi cây cảnh đang phát triển mạnh mẽ . Trong cuộc sống  hôm nay, khi nhu cầu về vật chất đã từng bước được nâng lên thì nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hoá tinh thần của người dân cũng theo đó mà phát triển. Một số gia đình nắm bắt được nhu cầu này nên đã đầu tư vốn, nguồn lao động để chuyển hướng sang nghề sinh vật cảnh. Do vậy, từ chỗ phát triển mang tính tự phát, nay số lượng người tham gia làm nghề sinh vật cảnh của tỉnh đã ngày một đông đảo hơn. 

 

 

Đặc biệt, Làng Mai Phước Định ở xã Bình Hòa Phước nổi tiếng là nơi cung cấp cho thị trường nhiều kiểu mai như mai y, mai bonsai, mai chân nôm, mai chiếu thủy, mai Indo (riêng mai y cũng có nhiều loại: mai lá bầu, lá tròn, lá dài, lá nhọn, 5-8 cánh bông chùm, 11 cánh bông to…v..v…). Hiện nay, trong làng có hơn 200 hộ trồng mai vàng, mỗi hộ có hàng chục cây mai lớn hoặc trung bình, có giá từ 4-5 triệu đồng, thậm chí đến 70-80 triệu đồng/cây. 

Cũng trong những ngày tháng 6, Nhịp sống đồng bằng có dịp vế An Giang xem nghề chơi cây cảnh, cũng đang là địa chỉ thu hút nghệ nhân đồng bằng.

Ông Võ Văn Tuấn (tên thường gọi Tuấn Đen), cán bộ về hưu năm 2008, hiện là Ủy viên thường vụ Hội sinh vật cảnh An Giang, là người mới bắt đầu tham gia vào trồng và chơi cây cảnh từ năm 2000 nhưng đến nay ,ông đã tạo ra một vườn cây cảnh có giá trị lên tới vài tỷ đồng. Để có được những cây ưng ý, qua mấy năm miệt mài nghiên cứu tài liệu và qua thực tế, ông đã đúc rút cho mình khá nhiều kinh nghiệm trong phương pháp trồng, chăm sóc cây theo nhu cầu của thị trường. Từ mục đích ban đầu là trồng cây để tạo môi trường sinh thái cũng như cảnh quan của gia đình,  ông chuyển luôn sang nghề cây cảnh . Hiện gia đình ông đang trực tiếp sở hữu khoảng 200 cây cảnh các loại, trong đó có nhiều cây cảnh quý, có giá trị từ 100 đến vài trăm triệu đồng. Hội Sinh vật cảnh An Giang của ông Võ Văn Tuần bây giờ có sự tham gia của trên 200 hội viên, cùng thú đam mê với nghề chơi cây cảnh.

Anh Diệp Gia Tuấn, 44 tuổi, ở chi hội sinh vật cảnh Phường Mỹ Xuyên, thành phố Long Xuyên là hội viên tìm đến với nghệ thuật bon sai từ 4 năm nay. Tuy là người chưa thực sự có nhiều thời gian gắn bó, nhưng ở anh lại có một niềm đam mê như ngọn lửa luôn cháy bỏng. Vườn cây cảnh của gia đình anh hiện nay được đánh giá là một trong những mô hình tương đối hoàn thiện về kiểu dáng và chủng loại. Có được kết quả đó, ở người say mê nghệ thuật bon sai này luôn coi việc chăm sóc và sáng tạo là công việc thường xuyên hàng ngày. Anh cho rằng, một yếu tố để hoàn thiện những tác phẩm nghệ thuật bon sai đòi hỏi phải có tính kiên trì và tính kỷ luật cao. Các chủ đề cũng được anh  dựa theo các điển tích hoặc phỏng theo các vật linh, có ngụ ý sâu xa về đạo lý ở đời mà tạo ra các thế cây, như: Ngũ phúc, Tam đa, Long giáp, Phụ tử, Mẫu tử…Qua đây cho thấy, từ mỗi loại cây mọc tự nhiên trong môi trường, qua bàn tay và trí tưởng tượng, người chơi cây cảnh đã thổi hồn vào mỗi đường nét của cây, tạo nên số phận, một đời sống tinh thần riêng.

Từ một thú chơi phong trào , ở An Giang đã có nhiều nghệ nhân tên tuổi và nhiều tác phẩm xuất sắc, xét về góc độ nghệ thuật và cả kinh tế. Và cũng bắt đầu xuất hiện những điểm, những vườn buôn bán hoa kiểng, cây cảnh , với nhiều hình thức, nhiều quy mô khác nhau, nghề đã trở thành chuyên nghiệp.

 

Nhiều người đến với nghề chơi cây cảnh không chỉ đơn thuần là giải quyết được bài toán về việc làm, thu nhập ,mà qua việc mở rộng, phát triển quy mô các vườn cây cảnh sẽ tạo nên một không gian văn hoá, phục vụ nhu cầu về tinh thần, thỏa thú tiêu dao trước sự bon chen cuộc sống đời thường. Người chơi cây cảnh có một điểm chung nhất là niềm đam mê, khám phá thế giới tự nhiên, thông qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của con người.

Như vậy là đã qua rồi cái thời những người chơi cây kiểng chỉ để thỏa mãn cho thú tiêu nhàn, thưởng ngoạn lúc trà dư tửu hậu. Khoảng chục năm trở lại đây, thì yếu tố thương mại đã nảy sinh trong thế giới sinh vật cảnh ở vùng đồng bằng. Ban đầu là việc bán cho một vài thương buôn ở các thành phố trong khu vực. Dần dần, việc bán- mua các tác phẩm sinh vật cảnh đã mở rộng hơn, trở thành những chuyến hàng lớn, những món thu lợi lớn cho những người chơi kiểng.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *