Bên bờ hạnh phúc

Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, VN cải cách nền kinh tế theo định hướng thị trường. Từ đây, hàng hóa có nguồn gốc VN bắt đầu được thị trường thế giới biết đến. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta phải đến năm 1995 khi VN gia nhập Asean, sau đó là Hiệp định thương mại VN – Hoa Kỳ vào năm 2000. Song, cột mốc quan trọng đánh dấu sự hội nhập kinh tế toàn diện là vào năm 2007, khi VN trở thành thành viên của WTO. Từ đó, xuất khẩu mà đặc biệt là nông sản trở thành một thế mạnh, chiếm tỉ lệ lớn trong GDP của nước ta.

Từ khi hội nhập kinh tế quốc tế đến nay, chỉ duy nhất nông sản Việt Nam là xuất siêu trên thị trường thế giới. Trong năm 2011, ngành nông nghiệp xuất siêu vượt 9 tỷ USD. Còn trong 5 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt gần 43 tỷ USD. Trong đó, nông lâm thuỷ sản xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD, chiếm tỷ lệ gần 26%. Trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm phát thì đây là một tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu VN.

 

Dù năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt có tăng lên nhưng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn còn bấp bênh, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh về giá,  ngay cả gạo, một mặt hàng nông sản chủ lực, sản lượng xuất khẩu đứng hàng thứ 2 trên thế giới. Dù lượng xuất khẩu cao nhưng giá gạo của VN chưa làm chủ được thị trường . Năm nay , xuất khẩu gạo lại có nhiều thay đổi, khi mà lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta, tăng hơn 4,4 lần về lượng và gần 4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sau vài hợp đồng ban đầu, các hợp đồng tiếp theo lại gặp nhiều trở ngại.

Tuy mậu dịch VN – TQ tăng dần trong thời gian gần đây, đạt hơn 40 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2011 và tốc độ tăng xuất khẩu từ VN sang TQ cũng cao hơn nhiều so chiều ngược lại, nhưng cách thức làm ăn giữa hai bên có nhiều khác biệt, đang là trở ngại lớn. Cho dù hiện nay hàng nông sản VN xuất vào TQ có nhiều thuận lợi khi mà thuế suất xuất sang TQ đã cơ bản giảm còn 0% trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do TQ – Asean. Mấu chốt là việc TQ không mua trực tiếp từ VN mà thường mua qua các nhà cung cấp trong nước. Khi cần, hàng hóa được đẩy giá lên cao ngất ngưỡng, sau đó lại đột ngột giảm giá hoặc không mua hàng nữa. Như mặt hàng khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long từ chỗ trên 1 triệu đồng/ tạ nay chỉ còn hơn 200

Kinh nghiệm làm ăn của các doanh nghiệp VN với thị trường TQ cho thấy: tuy là một nước sản xuất lớn nhưng TQ cũng là thị trường tiêu dùng lớn với nhiều phân khúc tiêu dùng khác nhau. Tại Diễn đàn xuất khẩu VN 2012 tổ chức tại TP.HCM hồi tháng 5 vừa qua, tham tán thương mại Lãnh sự quán TQ đã có cuộc tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của VN và khẳng định VN có thể tăng xuất khẩu vào TQ hay không, chủ yếu dựa vào sức cạnh tranh của sản phẩm. Một yếu tố quan trọng là phải tăng cường mua bán qua hợp đồng thay vì hoạt động biên mậu.

Như vậy, đối với hàng xuất khẩu, sản xuất theo hợp đồng mới là yếu tố mang tính pháp lý khi phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, việc hợp đồng giữa nông dân với doanh nghiệp thời gian qua còn lỏng lẻo và hay xảy ra tình trạng bẻ kèo. Với tỉnh Vĩnh Long, một địa phương vốn có thế mạnh sản phẩm nông nghiệp đa dạng của ĐBSCL, xuất khẩu nông sản chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch khoảng 200 triệu đô – la Mỹ thu về hàng năm nhưng việc sản xuất theo hợp đồng cũng chưa nhiều. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để đầu tư cho nông dân. Gần đây, lại bị thắt chặt tín dụng nên việc sản xuất theo hợp đồng càng khó khăn. Như tại doanh nghiệp này, mặc dù đã triển khai hợp đồng bao tiêu 500 ha khóm nhưng sản lượng cũng chỉ 20 ngàn tấn. So với nhu cầu về khóm nguyên liệu lên đến 50 tấn/ ngày thì sản lượng theo hợp đồng quá ít. Vì vậy, hiện nay mỗi ngày doanh nghiệp chỉ mua được 15 – 30 tấn.

Khó khăn về nguyên liệu cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp chế biến hàng nông sản của tỉnh. Như tại doanh nghiệp này, mặt hàng xuất khẩu truyền thống là trứng vịt muối , nhưng nhiều năm qua sản lượng không có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy không là mặt hàng có giá trị cao nhưng lại là mặt hàng xuất khẩu đặc thù, có lợi thế cạnh tranh riêng, nhất là ổn định về thị trường và giá. Sản phẩm hiện được xuất khẩu sang nhiều nước và vùng lãnh thổ khu vực châu Á, như: Hongkong, Singapore, v.v… 6 tháng đầu năm 2012, tuy kim ngạch xuất khẩu 1 triệu 200 ngàn đô-la Mỹ, tăng hơn một ít so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng chỉ đạt 7 triệu 700 ngàn quả, giảm nửa triệu quả so với cùng kỳ năm 2011.

Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, xuất khẩu trứng vịt muối phải chịu sự cạnh tranh lớn từ TQ và gần đây là đối diện nhiều rủi ro từ hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

 

Trong khi kinh tế thế giới suy giảm thì xuất khẩu của nước ta nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đã cứu nguy cho nền kinh tế, mang ngoại tệ về cho đất nước, hạn chế xuất siêu. Một điều khả quan là vài năm trở lại đây, nhiều mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, như hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng nguyên liệu tự nhiên có sự tăng trưởng khả quan . Cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu, thị trường tiêu thụ hàng hóa của Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long, lại là yếu tố thuận lợi để kim ngạch của công ty tăng trưởng. Nguyên nhân do người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, huyển hướng sử dụng từ hàng cao cấp sang hàng thủ công mỹ nghệ có giá cả cạnh tranh hơn. Nhờ vậy, năm nay doanh thu xuất khẩu của công ty dự kiến đạt 24 triệu đô-la Mỹ, tăng 4 triệu đô-la so với năm trước. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn có những khó khăn đặc thù riêng của mình.

Có thể thấy, hàng nông sản xuất khẩu của Vĩnh Long nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bật. Nhờ vậy đã góp phần đưa tỷ lệ xuất khẩu/ GDP cả nước từ chỗ chỉ chiếm gần 45% trong năm 2000 đã tăng lên trên 70% chỉ sau 10 năm. Song cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta chưa có sự chuyển dịch đáng kể trong hơn 10 năm qua. Để xuất khẩu hàng nông sản bền vững, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ, từ chính sách kinh tế vĩ mô ổn định đến sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, một lực lượng lao động hùng hậu với 70% dân số của đất nước.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *