Bên bờ hạnh phúc

Để phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hại lúa, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo nông dân thực hiện nhiều biện pháp như xuống giống đồng loạt né rầy, áp dụng các mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Đặc biệt gần đây, biện pháp quản lý rầy nâu bằng công nghệ sinh thái trong mô hình “ruộng lúa bờ hoa” thu hút sự quan tâm, nhân rộng của ngành nông nghiệp và bà con nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.  

 

Vụ lúa Hè Thu năm 2012, anh Lê Văn Lân ở ấp Hiếu Minh A xã Hiếu Nhơn huyện Vũng Liêm phấn khởi vì 1 ha lúa của anh sắp thu hoạch ước đạt năng suất trên 7 tấn /ha. Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” không chỉ giúp anh tiết kiệm được khoản chi phí thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống mà còn đem đến cho anh kiến thức mới, bổ ích trong sản xuất lúa hàng hóa, đó là việc sử dụng nấm xanh để phòng trừ dịch hại trên cây trồng.

Từ vụ Hè Thu 2011, mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” được triển khai lần đầu tiên tại ấp Hiếu Minh A, xã Hiếu Nhơn, với diện tích 10 ha đã đem lại cho bà con nông dân lợi nhuận khoảng 2.150.000 đồng/ha, cao hơn so với tập quán sản xuất cũ 20%. Năm nay, mô hình này tiếp tục được nhân rộng tại nơi đây với diện tích 30 ha.

Ruộng trong mô hình sử dụng giống nguyên chủng OM 5451, gieo sạ đồng loạt né rầy với mật độ sạ 100 kg /ha, nông dân trong mô hình tự nuôi cấy chế phẩm nấm xanh để sử dụng phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lá, chăm sóc và quản lý dịch hại theo IPM.

Anh Nguyễn Văn Dũng, xã Hiếu Nhơn – Vũng Liêm cho biết:“ Trước đây bà con nông dân chúng tôi chưa có được mô hình này, trong quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn về KHKT. Khi tham gia mô hình đến nay được các đồng chí chuyên môn về KHKT hướng dẫn đầy đủ các chương trình KHKT.”

Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” dựa trên nền tảng cộng đồng nông dân để tiến hành đồng bộ các giải pháp thâm canh tiên tiến, kết hợp với đối phó rầy nâu gây bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá mà nòng cốt là áp dụng tổng hợp các biện pháp IPM, 3 giảm 3 tăng, gieo sạ đồng loạt né rầy, trồng hoa có mật và phấn hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản, gia tăng quần thể thiên địch, góp phần chống sâu rầy, bảo vệ lúa, nâng cao thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.  

Theo ông Thái Thành Triều, Trưởng phòng kỹ thuật – Chi cục BVTV tỉnh Vĩnh Long:  “Mô hình này về phía Chi cục đầu tư cho bà con nông dân , thứ nhất là về tập huấn KHKT trong thời gian thực hiện mô hình. Thứ hai nữa là hỗ trợ về lúa giống một phần để cho bà con sản xuất. Mục tiêu nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng và bảo vệ môi trường.”

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, tham gia mô hình “ruộng lúa, bờ hoa”, nông dân không chỉ giữ vững năng suất lúa mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất, bảo vệ được sức khỏe cũng như môi sinh, môi trường. Bình quân mỗi ha áp dụng công nghệ sinh thái trong quá trình sản xuất tiết kiệm được từ 1, 9 đến 2, 5 triệu đồng.

Việc áp dụng mô hình này được coi là nền tảng thuận lợi để các địa phương đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, triển khai tiếp chương trình “Cánh đồng mẫu lớn” theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, nhằm thúc đẩy liên kết 4 nhà, giải quyết đầu ra cho cây lúa hàng hóa, khắc phục một cách căn cơ tình trạng “trúng mùa, mất giá”, đảm bảo quyền lợi cho nông dân./.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *