Bên bờ hạnh phúc

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Phạm Hùng-nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 4 tháng 6 vừa qua, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “ Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long”.

Mục đích của cuộc hội thảo này là nhằm góp phần khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn đối với Đảng, đối với dân tộc của đồng chí Phạm Hùng, một tấm gương mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó củng cố thêm niềm tin của nhân dân ta đối Đảng, đồng thời góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

 

 Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, được sinh ra trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Năm 1928, mới 16 tuổi, đồng chí tham gia hoạt động phong trào yêu nước của thanh niên, học sinh, 19 tuổi đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, bị địch bắt kết án tử hình.

 Trước phong trào đấu tranh của nhân dân ta và lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Mười lăm năm bị giam cầm tra tấn, đày ải ở các nhà tù đế quốc, đồng chí luôn nêu cao tinh thần bất khuất hiên ngang của người cộng sản. 

 Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Đảng đón từ Côn Đảo trở về tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và được bầu làm bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ. Năm 1967, đồng chí được Bộ Chính trị phân công vào chiến trường Miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục Miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam. Năm 1975, đồng chí là Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, đã góp phần lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 Tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, thứ V và thứ VI ( từ 1976-1986), đồng chí được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị- Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng-được xem như vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đồng chí Phạm Hùng mất ngày 10/3/1988 khi đang đi chỉ đạo công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

 Đồng Chí Đinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định:Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong suốt quá trình liên tục 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí không quản gian nan, nguy hiểm. Dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí cũng luôn đứng nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Với tinh thần trách nhiệm cao, kiên định, sáng tạo, nghị lực phi thường, đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

 Trong sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện tác phong bình dị, gần gũi, ân cần, cởi mở, hết lòng yêu thương đồng chí, dân chủ và rộng lượng với mọi người, nhưng rất nghiêm khắc với chính mình. Đồng chí là người có nếp sống thanh cao, tiết kiệm, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý trọng thời gian, không ham muốn quyền lợi cho riêng mình, không khoa trương, ghét thói bợ đỡ, công khai tự phê bình và sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý cho mình. Đồng chí luôn quan tâm, giành nhiều tâm lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng các thế hệ cách mạng kế cận có năng lực và phẩm chất đạo đức cách mạng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.

 Đồng chí luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi cho khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí không chỉ quan tâm giáo dục, giác ngộ mà còn gần gũi học hỏi nhân dân, lo từ cái ăn, chỗ ở, việc học hành của dân, bảo vệ lợi ích và tài sản của dân. Đặc biệt yêu thương con người, là phẩm chất bao trùm của đồng chí Phạm Hùng. Tình yêu thương con người hòa quyện với tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước tạo nên tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cộng sản. Dù ở cương vị nào đồng chí cũng luôn chân thành, thẳn thắng, trọng lẽ phải, quý trọng và hòa hợp với mọi người. Đồng chí là nhà lãnh đạo có đức, có tài, có lối sống tình nghĩa, cởi mở, rộng lượng, bao dung, vị tha và cao đẹp. 

Theo đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long :Lo cho cái chung của đất nước, của dân tộc, nhưng đồng chí Phạm Hùng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Đồng chí là người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, hết lòng yêu thương con cháu. Trong thời gian công tác tại chiến trường Miền Nam, mặc dù rất thời gian rất hiếm hoi, nhưng khi có cơ hội, đồng chí vẫn dành cho vợ con, bạn bè ở Miền Bắc những tình cảm nồng ấm yêu thương qua những dòng thư ngắn ngủi mà xiết bao mong đợi và hy vọng vào thắng lợi cuối cùng.

 

Đồng chí Phạm Hùng là một cán bộ cao cấp chủ chốt của Đảng và Nhà nước, tài đức vẹn toàn, có phong cách sống và làm việc thể hiện rõ phong cách của một người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời của đồng chí là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng của người cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời hy sinh phấn đấu phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với các dân tộc và bạn bè trên thế giới. 

 Đồng chí Phạm Hùng sinh ra và lớn lên tại quê hương Vĩnh Long, mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm khai hoang mở đất, con người nơi đây đã hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp : Cần cù, chịu thương, chịu khó, tương thân tương ái, hào hiệp. Mỗi người dân Vĩnh Long luôn tỏ rõ ý chí phấn đấu vượt lên số phận, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, không lùi bước trước khó khăn thách thức. Con người Vĩnh Long trượng nghĩa, thẳn thắng, cương trực, sẵn sàng chống lại sự bất công và cường quyền xã hội để bảo vệ lẽ phải, chân lý, sẵn sàng xả thân chống ngoại xâm, giữ gìn nền độc lập của tổ quốc.

 Chính từ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, tinh thần yêu nước cách mạng, những phẩm chất quý báu của vùng đất và con người Vĩnh Long, là môi trường nuôi dưỡng và góp phần hun đúc nên một nhân cách lớn, một con người kiên trung của quê hương- nhà cách mạng Phạm Hùng. Đồng thời chính tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp cách mạng cao cả của đồng chí  Phạm Hùng đã góp phần bồi đắp, tô điểm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương Vĩnh Long.

Hội thảo kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng diễn ra trong lúc toàn Đảng ta đang ra sức triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 4 khóa XI về “ Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, đồng thời tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “ Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” . Hội thảo khoa học“ Đồng chí Phạm Hùng với cách mạng Việt Nam và quê hương Vĩnh Long” đã góp phần khẳng định và tôn vinh những cống hiến to lớn đối với Đảng, đối với dân tộc của đồng chí Phạm Hùng, một tấm gương mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là việc làm có ý nghĩa thiết thực. 

 Tấm gương đạo đức cao đẹp của nhà cách mạng, người cộng sản Phạm Hùng đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân ta đối Đảng, đồng thời góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. 

Theo đồng chí Nguyễn Tuấn Kiệt, ủy viên thường vụ, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long : Sắp tới Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị-xã hội, các địa phương tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập tấm gương đồng chí Phạm Hùng.Thứ nhất về ý chí kiên cường dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của cách mạng. Thứ hai, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, gắn bó với nhân dân, có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, có trách nhiệm với tinh thần Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”.  Thứ ba, học tập đức tính yêu thương con người, sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha, nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của người khác góp ý, sống giản dị, chân tình có trách nhiệm với xã hội và gia  đình.

Tưởng nhớ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, chúng ta tự hào về một người cộng sản chân chính, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và Nhà nước ta, người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. Bày tỏ lòng biết ơn về những cống hiến lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với quê hương, đất nước… Tưởng nhớ đồng chí, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nguyện học tập ý chí kiên cường, tinh thần làm việc tận tụy, hy sinh, phấn đấu trọn đời vì lý tưởng của Đảng và hạnh phúc của nhân dân, học tập nhân cách đạo đức sáng ngời của một người cộng sản mẫu mực, kiên cường, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp. Tấm gương sáng ngời của đồng chí Phạm Hùng sống mãi trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam chúng ta./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *