Bên bờ hạnh phúc

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Tăng trưởng xanh cho mọi người: Con đường hướng tới phát triển bền vững” và bản dịch cuốn sách “Thành phố kinh tế, sinh thái” (Eco2 Cities) với sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

* Xanh hóa tăng trưởng không nhất thiết làm giảm tốc độ tăng trưởng

Phát biểu tại hội thảo, bà Victoria Kwa kwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội trong vòng 25 năm qua. Đi lên từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành một nước thu nhập trung bình thấp. Đến cuối năm 2010, thu nhập trên đầu người của Việt Nam đã đạt 1.130 USD/người/năm. Hầu hết các chỉ số phúc lợi, hạ tầng cơ sở đã được cải thiện rõ rệt, sự bình đẳng giới cũng được đánh giá cao trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, sự tiến bộ thường dẫn đến những suy thoái về môi trường và cạn kiệt tài nguyên, do đó Việt Nam cần xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững nhằm đảm bảo các đô thị, đường sá, nhà máy được thiết kế và quản lý theo cách phù hợp, đồng thời khai thác nguồn vốn tự nhiên, con người và tài chính một cách hiệu quả.

Trình bày nội dung báo cáo về Tăng trưởng xanh: Con đường hướng tới phát triển bền vững, bà Mariame Fay, chuyên gia kinh tế trưởng về vấn đề phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới cho rằng, các quốc gia cần đi theo "tư duy xanh" khi theo đuổi các chính sách tăng trưởng. Bởi "xanh hóa" tăng trưởng không nhất thiết làm giảm tốc độ tăng trưởng.

Khuyến khích các chính phủ thay đổi cách tiếp cận chính sách tăng trưởng, báo cáo khẳng định, việc xác định giá trị của đất đai canh tác, khoáng sản, sông ngòi, các đại dương, cánh rừng và đa dạng sinh học sẽ tạo ra động cơ đủ mạnh để khuyến khích các chính phủ, các ngành và các cá nhân quản lý những tài nguyên đó một cách hiệu quả, bền vững và toàn diện hơn.

Báo cáo nhấn mạnh 5 điểm: Xanh hóa tăng trưởng là điều cần thiết, hiệu quả và hoàn toàn phù hợp với khả năng chi trả. Các rào cản, thói quen, chuẩn mực cố hữu và việc thiếu công cụ tài chính thích hợp là những trở ngại chính đối với xanh hóa tăng trưởng. Tăng trưởng xanh không cứng nhắc, tất cả các nước dù giàu hay nghèo đều có cơ hội để xanh hóa tăng trưởng mà không làm cho quá trình tăng trưởng chậm lại. Hiệu quả hoạt động môi trường được cải thiện sẽ đem lại lợi ích cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Các chính sách tăng trưởng xanh sẽ phải được thiết kế một cách thận trọng để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí, nhất là trong giai đoạn chuyển tiếp.

* Giới thiệu thành phố kinh tế và sinh thái, nâng cao mức sống

Nhân dịp này, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã công bố bản dịch cuốn sách "Thành phố kinh tế và sinh thái" (Eco2 Cities), trong đó nêu rõ chủ trương và chiến lược quy hoạch đô thị sáng tạo giúp tăng năng lực cạnh tranh kinh tế, bền vững môi trường và nâng cao mức sống.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Victor Vergara, Trưởng ban Phát triển Đô thị Khu vực Đông Á, Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực hợp tác với Chương trình Eco2 Cities của Ngân hàng Thế giới. Đây là chương trình hỗ trợ các đô thị và trung tâm cấp vùng trong công tác quy hoạch, quản lý và đầu tư vào các hệ thống có tính bền vững cao. Tại Việt Nam, nền kinh tế năng động đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng, làm thay đổi bộ mặt các đô thị. Vì thế đây chính là cơ hội để Việt Nam có thể hướng tới sự thay đổi theo hướng cải thiện thực chất và bền vững chất lượng cuộc sống, phát triển đô thị một cách tổng thể và lâu dài.

Ông Andre Bald, chuyên gia cao cấp về cơ sở hạ tầng của Ngân hàng Thế giới và là người chịu trách nhiệm quản lý chương trình này tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực. Ước tính mỗi năm các đô thị Việt Nam có thể tăng từ 1 đến 1,3 triệu dân, dân số đô thị sẽ đi kèm với sự tham gia tăng sử dụng đất đô thị, tăng tổng diện tích xây dựng đô thị, cũng như một số thay đổi về địa giới hành chính và quá trình phân cấp hiện nay.

Ông Andre Bald cũng cho rằng, Việt Nam cần phải xác định tầm nhìn dài hạn và xây dựng một bộ chỉ số duy nhất về tính bền vững cho địa phương. Khi tầm nhìn đã trùng khớp với mục tiêu dài hạn cần phải có một chiến lược quản lý thích ứng để thực hiện tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng là hai thành phố đầu tiên áp dụng cách tiếp cận "Thành phố sinh thái". Cùng với sự ủng hộ của UBND thành phố và Sở Giao thông vân tải, nhóm quản lý đã áp dụng phương pháp mới có tính chất sáng tạo, đó là đưa ra quy hoạch lồng ghép về đô thị, sử dụng đất và giao thông với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế tại các thành phố này./.

Theo Nguyễn Hồng Điệp ( TTXVN )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *