Bên bờ hạnh phúc

 Nếu sản xuất nhỏ lẻ thì sẽ rất khó tiêu thụ. Đó là nhận định của đa số bà con nông dân hiện nay. Do vậy mà những nhà vườn trồng mận xanh đường ở xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã đứng ra xin thành lập HTX để giải quyết bài toán tiêu thụ loại trái cây đặc sản này của họ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, trên thị trường liên tục xuất hiện nhiều giống mận mới, với mẫu mã và phẩm chất khác nhau. Trong đó phải kể đến giống mận xanh đường tại xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đây là giống nội 100%, xuất hiện đầu tiên tại một hộ ở xã Đông Bình. Nhờ có phẩm chất ngon, vị ngọt đậm và thanh, nên chẳng bao lâu mận xanh đường trở nên nổi tiếng khắp vùng. Từ đó kích thích nhân rộng mô hình tại địa phương.

 

Nhiều bà con cho biết, trồng mận xanh đường cho thu nhập rất khá, mỗi công có thể thu lợi vài chục triệu đồng mỗi năm.

Nếu như vị ngọt và xốp là ưu điểm của mận xanh đường, thì chính điều đó lại là khó khăn của bà con khi canh tác. Các đối tượng dịch hại tấn công rất dữ, đặc biệt là ruồi vàng đục trái và sâu ăn lá. Ban đầu bà con tăng cường các biện pháp hóa học để phòng ngừa. Song, hiệu quả chỉ mang tính tức thời. Có những năm bà con phải bị mất trắng mùa mận do dịch ruồi vàng tấn công.

Sau đó, bà con nghĩ đến việc bao trái. Mặc dù biện pháp này rất tốn công nhưng xem ra hiệu quả rất tốt.

Bao trái không chỉ giúp bà con bảo toàn được mùa vụ, tăng lợi nhuận mà sản phẩm đưa ra thị trường cũng trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên, đầu ra của mận xanh đường vẫn còn gặp khó. Lý do là nhà vườn chưa tìm được kênh tiêu thụ hợp lý, chủ yếu còn phụ thuộc vào thương lái. Hễ khi khan hiếm thì giá tăng vọt, khi vào chính vụ thì thương lái bỏ vườn, hoặc neo hàng gây nhiều ra thiệt hại cho bà con. Hơn nữa, nhiều kênh tiêu thụ đầy tiềm năng như siêu thị, các cửa hàng ở các tỉnh hầu như còn bỏ ngõ, rất cần một bàn tay giúp sức để mận xanh đường đến được với những thị trường này.

Xác định được ưu điểm và nhược điểm của mình, bà con nhà vườn trồng mận khẳng định “có hợp tác lại thì mới khắc phục được khó khăn”. Ngày 01/3/2012, trên cơ sở đền nghị của 15 hộ nông dân trồng mận của xã, với diện tích 9,4 ha, Hợp tác xã Mận xanh đường xã Đông Bình ra đời. Điều này thêm một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của phương thức làm ăn tập thể trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù, quá trình hoạt động của nhiều HTX nói chung hiện nay, còn nhiều vấn đề cần phải bàn, nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của nền nông nghiệp nói chung.

Việc nhiều nhà vườn trồng mận xanh đường nhận thức được lợi ích khi tham gia vào HTX cũng là tín hiệu đáng mừng. 

 

Mới được thành lập hơn 3 tháng nay, HTX chỉ có trên danh nghĩa, giấy tờ, nhưng Ban Quản trị cũng có nhiều cố gắng để cải thiện vấn đề đầu ra cho bà con, đây được xem là nội dung trọng tâm nhất của HTX. 

Có thể nói, sau 3 tháng khảo sát thị trường, xác định điểm mạnh điểm yếu của mình, HTX mận xanh đường đã hình thành được kế hoạch trong tương lai. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn những nội dung như xây dựng chương trình GAP, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu rất cần đến sự hỗ trợ của các các cơ quan có thẩm quyền.

Riêng đối với ngành nông nghiệp huyện thì sẽ hỗ trợ tất cả những vẫn đề thuộc về kỹ thuật trong quá trình sản xuất .

Bà con trong HTX mận xanh đường xã Đông Bình đang rất quyết tâm để cải thiện đầu ra của sản phẩm, từng bước xây dựng nên thương hiệu Mận Xanh đường tại quê mình. Nếu những quyết tâm của bà con kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời của các ngành các cấp có liên quan thành công như mong muốn, thì trong tương lai không xa, trên quê hương Vĩnh Long sẽ chính thức có một đặc sản mang thương hiệu Mận xanh đường.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *