Với diện tích trên 47 ngàn ha, Vĩnh Long là địa phương có diện tích vườn cây ăn trái đứng hàng thứ 2 ở ĐBSCL, chỉ sau tỉnh Tiền Giang, với mộ số loại trái cây đặc sản nổi tiếng như Cam sành Tam Bình, bưởi năm roi Bình Minh, nhãn tiêu da bò, chôm chôm ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu.

Tuy nhiên, sau một thời gian mở rộng diện tích thì hiệu quả kinh tế từ các vườn cây này đang có xu hướng giảm sút. Bên cạnh sự biến động của giá cả thị trường, thì diễn biến của tình hình dịch bệnh và kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chếcũng được xác định là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên. Do đó, để phát huy hết tiềm năng của kinh tế vươn, trước hết ngành chức năng và bà con nông dân Vĩnh Long cần phải nhanh chóng khắc phục triệt để những tồn tại ở các vùng chuyên canh đã từng là biểu tượng cho sự sung túc của  miệt vườn Vĩnh Long.

 

Đây là một vườn cam sành ở xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Do hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, đặc biệt là vào mùa nghịch, nên thời gian qua diện tích cam sành đã nhanh chóng được mở rộng ở địa phương này. Trong tổng diện tích trên 420 ha cây lâu năm hiện có nơi đây, thì cây cam sành đã chiếm gần 180 ha. Và chưa dừng lại ở đó, diện tích này còn có xu hướng tiếp tục tăng.

Chuyện nông dân trồng cam sành trúng đậm vào mùa nghịch hay việc mở rộng diện tích vườn cam trên đất lúa ở Thuận Thới nếu nhìn ở thời điểm thực tại có thể xem là tín hiệu vui cho vùng đất vốn độc canh cây lúa này.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại quá trình phát triển của cây cam sành ở Vĩnh Long thời gian qua thì có nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Huyện Tam Bình từng được xem là “vương quốc cam sành” vào thập niêm cuối của thế kỷ trước. Những năm qua không ít hộ dân đã phải ban líp cam xuống để trồng lại lúa. Những diện tích còn lại thì chất lượng trái kém, năng suất sụt giảm, nhà vườn phải xen nhiều loại cây trồng khác nhau, với hi vọng không có cam thì cũng có cái khác để thu hoạch. 

Đến đầu những năm 2000 phong trào trồng cam sành lại nổi lên ở một số xã được xem là vùng đất mới của huyện Trà Ôn, như Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ. Sau hơn 10 năm phát triển thì dịch bệnh vàng lá cũng đã buộc nhiều nhà vườn ở đây phải trở về với cây lúa. Giấc mơ đổi đời bằng cây cam sành đành phải  bỏ xó…! 

Có thể chuyện nông dân Thuận Thới trúng tiền tỷ từ vụ cam sành nghịch đang là minh chứng hết sức thuyết phục để người nông dân ở đây theo đuổi cây cam sành. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kỹ thuật lên líp lập vườn, chăm sóc, cũng như cách khai thác cây cam sành thì vẫn còn nhiều yếu tố để quan ngại về hiệu quả lâu dài của cây cam sành trên vùng đất này.

Vườn cam vẫn được lập ngay trên vùng đất chuyên canh lúa, mật độ trồng rất dày, cây cho bông được là để trái theo quan điểm được năm nào hay năm đó. Thế là những yếu tố đã từng làm cho nhiều vườn cam sành ở Tam Bình, Trà Ôn nhanh chóng suy kiệt lại được tái hiện ở đây.  

Một loại cây trồng khác cũng có nhiều tiềm năng ở Vĩnh Long là nhãn tiêu da bò. Dù chịu nhiều biến động của giá cả thị trường nhưng cây nhãn vẫn khẳng định được vị thế của mình ở các xã cù lao. Tuy nhiên, khoảng 02 năm trở lại đây thì nhà vườn trồng nhãn lại bị điêu đứng vì bệnh chổi rồng. Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh thì hiện có trên 2.100 ha trên tổng số gần 10.000 ha nhãn tiêu da bò bị bệnh chổi rồng tấn công. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh để hổ trợ nông dân khôi phục lại vườn nhãn. 

 

Qua điều tra của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, diện tích vườn cây ăn trái ở khu vực nội đồng hiện đang phân tán với quy mô nhỏ. Số hộ dân sở hữu từ 0,1 – 0,3 ha chiếm đến trên 60% tổng số nhà vườn. Trong khi đó thì diện tích trồng chuyên canh lại chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 20% diện tích, đa số trồng xen 20-03 loại cây ăn trái trong vườn với mật độ dày đặc. Bên cạnh đó, quy trình chăm sóc, kỹ thuật xử lý ra hoa của nhiều bà con nông dân thì vẫn còn theo tập quán lạc hậu. Từ đó đưa đến năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra chưa cao, sâu bệnh ngày càng có xu hướng gây hại nghiêm trọng hơn.

Với những gì đã và đang diễn ra có thể khẳng định, đây chính là những rào cản đối với  quá trình phát triển kinh tế vườn ở Vĩnh Long. Sau một thời gian mở rộng diện tích, thì nay đã đến lúc các chương trình, dự án trên lĩnh vực sản xuất cây ăn trái cần phải tập trung tháo gỡ những tồn tại cố hữu này. Nếu không, thì điệp khúc “được mùa mất giá” hay “trồng chặt” , “chặt trồng” sẽ còn tiếp diễn chưa biết  đến bao giờ …!

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *