Bên bờ hạnh phúc

 Tuổi thơ, tuổi của những sắc màu lấp lánh giấc mơ cổ tích, của sự vô tư hồn nhiên trong trẻo , của những đôi mắt trong veo và những nụ cười chưa lấm bụi đời.

Đó là những tháng ngày được yêu thương, bảo bọc trong vòng tay mẹ, đuợc nghịch ngợm cùng bạn bè, được nghêu ngao những khúc đồng dao. Và có lẽ niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được cắp sách đến trường, được ê a, câu chữ, được chính tay mình đặt những viên gạch hồng đầu tiên để xây đắp tương lai. 

 

Nhưng cũng có những đứa trẻ vì nghịch cảnh trớ trêu hay bệnh tật, đã chịu vắng khoảng trời ấu thơ hạnh phúc , chỉ còn nỗi đau của thể xác, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Để rồi, vượt lên tất cả , có những đứa trẻ giàu nghi lực vẫn âm thầm một khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng những ước mơ  đáng trân trọng: ước mơ được học hành, được trở thành người có ích cho xã hội.              

Hãy đến với lớp học này… Cũng giống như bao lớp học khác, cô giáo  tận tụy dạy bảo học trò, còn các em say sưa học tập. Chỉ khi quan sát kĩ, mới nhận ra rằng 2/3 trong số các em ở đây là trẻ bị bệnh tật . Ngoài ra, phần lớn các em đều sinh ra trong gia đình rất khó khăn, không có điều kiện đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa. Giữa cuộc đời tưởng như tăm tối vì mù chữ ấy, lớp học tình thương này như một tia ánh sáng thắp lên niềm hy vọng cho các em. 

Cô Nga, giáo viên chủ nhiệm và cũng là người đứng ra lập nên lớp học này vốn là cựu giáo viên trường tiểu học Chu Văn An, Phường 8 ,Thành phố Vĩnh Long. Thời gian còn dạy ở trường , cô đã nhận dạy phổ cập xóa mù chữ vào buổi tối. Trong thời gian đó,  cô bắt đầu nhận ra có nhiều trẻ nhỏ vì điều kiện gia đình quá khó khăn mà không thể đến trường, nên lúc về hưu cô đã tiếp tục chuyển lớp học về nhà. Từ thời điểm đó, kinh phí duy trì lớp đều do cô vận động bạn bè, các mạnh thường quân ủng hộ. Cô cũng liên kết với chính quyền địa phương  để thường xuyên tặng quà cho các em vào những dịp lễ tết. 

 

Hiện tại , các em học sinh ở đây phần lớn là trẻ lưu trú tại phường 8, nhiều em là trẻ từ những địa phương khác chuyển đến thuê nhà trọ ở. Cha mẹ không có nghề nghiệp ổn định, thường làm thuê hoặc chạy xe ôm, bán vé số, thu nhập khá bấp bênh, nên cứ ở đây vài tháng lại chuyển sang nơi khác.

Thời gian học của lớp là từ 7giờ đến 10giờ sáng ,từ thứ 2 đến thứ 6, gần giống với thời gian học ở truờng. Cô Nga dạy từ chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, và khi hoàn thành xong chương trình lớp 5, các em sẽ được đăng kí thi hoàn thành chương trình tiểu học . Sau đó,  những em có điều kiện sẽ theo học tiếp cấp hai. Tính đến nay ,đã có nhiều em từ  lớp học này  đang tiếp tục theo học tại các trường trung học cơ sở và phổ thông công lập trong thành phố Vĩnh Long. 

Lớp đựợc ghép học chung với nhau, dù vẫn phân ra từng nhóm và lớp riêng. Điều này gây khó trong công tác giảng dạy vì sự khác biệt về trình độ . Tuy nhiên, cũng không làm khác được, vì ngoài giờ học các em phải đi làm thêm phụ ba mẹ, hoặc các em bị bệnh tật không thể tập trung vào buổi chiều trời quá nóng. Với hình thức này sẽ giúp tiết kiệm thời gian của các em hơn, và em lớn có thể giúp cô kèm em nhỏ học. Nhiều trường hợp hai chị em học chung với nhau. 

Xin trao các em một chút yêu thương để các em cảm thấy ấm áp hơn, hạnh phúc hơn trong cuộc đời này.  

Dù chưa một ngày được đến trường chính thức nhưng trong tâm trí các em vẫn rất tự hào rằng mình được đi học, vẫn có quyền nói cho mọi người biết mình có lớp, có thầy cô. Mỗi em một số phận, một hoàn cảnh, phải gánh những lo toan,  bước vào trường đời khi còn quá nhỏ.

Chúng tôi mong sao những giây phút này sẽ bù đắp phần nào những thiệt thòi và thiếu thốn trong mảnh đời bé nhỏ, để tuổi thơ các em rồi sẽ có những khoảng trời  tươi đẹp, vượt qua nỗi lo cơm áo gạo tiền, vượt qua nỗi đau của một cơ thể không trọn vẹn … 

Theo chân Bảo Vi, cô bé mới sáu tuổi, nhỏ nhất lớp ,và phải đi bán vé số sau giờ học,con đường ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào một xóm trọ khá lụp xụp. Phần lớn ở đây đều là dân lao động, nghề nghiệp không ổn định, chủ yếu kiếm sống ở gần bến xe mới Phường 8 TP Vĩnh Long.

Bé Bảo, anh trai Vi,trước đây học lớp 3 tại một trường công lập ở Cần Thơ. Sau đó ,gia đình chuyển về Vĩnh Long sinh sống. Từ đó , Bảo phải bỏ học.

 Có thời gian Bảo cũng đã đến lớp học tình thương nầy,  nhưng gia cảnh buộc em phải vào cuộc mưu sinh sớm. Phần vì em đã đọc được chữ nên nhường cho em Vi đi học . Bảo đi bán vé số. Hôm nào bán được, có thời gian, Bảo lại quay về thăm lớp, thăm cô..

 

 Cha của Vi không nghề nghiệp, không nhà cửa ruộng vườn, túng quẫn đâm ra rượu chè ,bỏ mặc hai đứa con thơ cùng người vợ tảo tần kiếm sống. Mẹ Vi cũng hay đau yếu, gánh nặng gia đình nặng vai con trẻ. 

Tuổi thơ không yên ả, nhưng anh em Bảo Vi vẫn luôn mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, khao khát được đến trường, cùng những giấc mơ đẹp ở tương lai…  

Có hai chị em cùng học chung tại lớp học tình thương. Sau giờ học, hai chị em cũng đi bán vé số. Hoàn cảnh Thanh Tuyền và Trúc Ly cũng chẳng khá hơn Bảo Vi, cha làm nghề chạy xe ôm, mẹ bán vé số. Sớm vào đời, mỗi em có một cách tự vệ cho riêng mình, đôi khi là những suy nghĩ trước tuổi, nhưng niềm vui đến lớp thì vẫn hồn nhiên. 

Bé Minh Anh 5 tuổi, mẹ đã mất, và người cha đành lòng bỏ con để đi tìm hạnh phúc mới, mặc đứa con thơ sống chật vật cùng bà ngoại … Minh Anh còn quá nhỏ để nhận ra bi kịch của gia đình mình, bi kịch cuộc đời em . Minh Anh đang sống cùng HIV/AIDS.

  Bà ngoại mắt đã mờ, không còn theo được nghề nhặt phế liệu như ngày trước. Ban ngày, khi Minh Anh khỏe, bà dẫn bé đến lớp chơi…Mong sao những giây phút vui vẻ bên trường lớp, bạn bè ,sẽ bù đắp  phần nào những thiệt thòi trong mảnh đời bé nhỏ của em. 

Trước hạnh phúc gia đình của trẻ đồng trang lứa, mới thấy khát khao của trẻ nghèo. Những đôi mắt thơ ngây đau đáu, thèm thuồng được chơi đùa nghịch ngợm… 

Các em không có vòng tay yêu thương của một gia đình no ấm, nhưng chúng tôi tin rằng bằng ý chí vươn lên , các em vẫn sẽ tìm thấy cho mình những niềm vui cuộc sống, dù nhỏ bé, bên lớp học tình thương ấm áp. 

Trong dòng đời , đôi khi người lớn bận rộn lo toan hối hả, nhưng hãy chung tay gìn giữ nụ cười trong sáng của trẻ thơ , để thấy cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều tuơi đẹp . Mong sao những nụ cười này sẽ làm ước mơ được học hành, đươc thành người có ích cho xã hội của các em trở thành sự thật.

Ngọc Mến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *