Bên bờ hạnh phúc

          Từ thực trạng của các hợp tác xã nông nghiệp cho thấy, do còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và nhân lực nên đa phần đều đưa ra được các phương án, sản xuất kinh doanh mang tính khả thi cao. Vì vậy hiệu quả hoạt động ngày càng giảm sút, vai trò của sự liên kết sản xuất chưa đủ sức thuyết phục nông dân tích cực tham gia. Vậy, hướng đi nào để các hợp tác xã nông nghiệp phát triển? Đây là vấn đề cần quan tâm sau một thời gian tập trung phát triển về số lượng của các hợp tác xã nông nghiệp.

          Để đưa ra phương án thỏa đáng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ nhiều phía. Ngoài chính sách hỗ trợ từ ngành chức năng, các hợp tác xã nông nghiệp cũng đang tự nỗ lực tìm hướng đi riêng cho mình. Những bài học kinh nghiệm của các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả có thể gợi mở ra hướng đi sáng sủa hơn cho hình thức kinh tế hợp tác này trong thời gian tới đây.

 
 
 

 

          Đây là hoạt động thường xuyên của 01 trong 15 tổ sản xuất ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường – xã Phú Cường – huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Để đảm bảo cho các trà lúa phát triển tốt, kịp thời phát hiện dịch bệnh và có biện pháp xử lý hiệu quả, hợp tác xã đã thành lập các tổ thăm đồng tại từng tổ sản xuất. Thành phần tham gia là tổ trưởng và một số bà con xã viên có nhiều kinh nghiệm, khi cần thiết còn được sự hỗ trợ thêm cán bộ kỹ thuật từ ngành nông nghiệp địa phương. Với cách thức tổ chức này, xã viên hợp tác xã đã nhanh chóng tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, tránh được những rủi ro do mạnh ai nấy làm như trước. Ở những vụ mùa diễn ra trong điều kiện bất lợi như vụ Hè Thu, những giống lúa chất lượng cao, phẩm chất thơm ngon như Jasmine 85, OM 4900 đều được bà con nông dân mạnh dạn canh tác. Chi phí sản xuất thấp, giá bán được cải thiện, nhờ đó đã nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác cho bà con xã viên.

          Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường được thành lập cách đây hơn 10 năm. Hiện đang hoạt động trên 02 lĩnh vực chính là sản xuất nông nghiệp và dịch vụ kinh doanh.

          Với diện tích 600ha đất lúa, 248 xã viên. Canh tác lúa và trồng hoa màu là 02 lĩnh vực Sản xuất nông nghiệp chính của hợp tác xã. Trong đó, có khoảng 430 ha đất canh tác lúa 03 vụ, còn lại chỉ làm 02 vụ trong năm.

          Ngoài sản xuất, HTX còn có 03 dịch vụ chính là bơm tưới, tín dụng nội bộ và cung ứng nước sạch nông thôn. Đây là 03 dịch vụ chính được đưa vào hạch toán lợi nhuận hàng năm. Ngoài ra, còn có một số dịch vụ khác để hổ trợ sản xuất, như cung ứng lúa giống, tiêu thụ sản phẩm, các tổ nông vụ ….

          Nếu so với nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp khác hiện nay, có thể thấy rằng, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường hoạt động với  khá nhiều lĩnh vực. Do đó, để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công tác tổ chức bộ máy nhân sự luôn được Ban chủ nhiệm hợp tác xã đặt lên hàng đầu.

          Hiện Ban chủ nhiệm gồm có 05 thành viên. Ngoài 01 chủ nhiệm, còn có 02 phó chủ nhiệm và 02 ủy viên. Bộ phận chuyên môn được bố trí 04 nhân sự gồm 01 kế toán trưởng, 02 kế toán viên và 01 thủ quỹ. Ngoài ra, tham gia giám sát, đóng góp thường xuyên cho các hoạt động của hợp tác xã còn có ban quản trị và đại diện các tổ sản xuất.

 

          Do có sự phân công trách nhiệm theo chức trách, nhiệm vụ, nên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đều được vận hành, quản lý chặt chẽ. Đặc biệt là các dịch vụ đều có phương án sản xuất, kinh doanh để thông qua Đại hội xã viên, được điều chỉnh sát với tình hình thực tế. Đây là cơ sở để Ban quản trị tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra.

          Với cách thức tổ chức hợp lý, phương thức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, nhiều năm qua hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Cường đã tạo được lòng tin vững chắc cho bà con xã viên. Trong giai đoạn 2008-2011 hợp tác xã được tỉnh Đồng Tháp chọn làm mô hình thực hiện cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng để phục vụ cho sản xuất lúa ngày càng phát triển, từ đó đời sống của xã viên cũng đã từng bước được nâng lên theo từng vụ lúa.

          Do nhiều năm hoạt động có hiệu quả, nên giá trị cổ phần của hợp tác xã hiện đã tăng từ 30.000đ/cổ phần từ ngày đầu thành lập lên 120.000đ/cổ phần. Trong năm 2011, tất cả 03 dịch vụ chính là bơm tưới, tín dụng nội bộ và nước sạch nông thôn đều có doanh thu đạt trên 100% so với kế hoạch đề ra. Cổ tức đạt đến 38%/năm. Trong năm 2012 này, quy mô của hợp tác xã được mở rộng thêm 200ha với khoảng 150 xã viên.

          Có thể nói, do khâu tổ chức nhân sự và hoạch định phương án sản xuất kinh doanh tốt mà Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tân Cường đã ăn nên làm ra, uy tín ngày càng được củng cố đối với xã viên. Nay quả là một mô hình thực tiễn tốt để nhiều hợp tác xã nông nghiệp khác có thể học hỏi, rút kinh nghiệm, để tìm ra một định hướng phát triển tối ưu trong thời gian tới./

          Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *