Bên bờ hạnh phúc

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra, Bộ NNPTNT dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 gói hỗ trợ cho sản xuất và tiêu thụ cá tra với kinh phí 4.400 tỷ đồng.

Đó là thông tin mà lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết chiều 30.5. Dự kiến đầu tuần sau Bộ NNPTNT sẽ gửi đề xuất này lên Thủ tướng Chính phủ xem xét.

 

Khó khăn chồng chất

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, hiện nay người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một trong những khó khăn đó là việc tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, bên cạnh đó lãi suất ngân hàng cao từ 18-24%/năm, kể cả khi ngân hàng đã hạ trần lãi suất cho vay thì việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như người nuôi là vô cùng khó. Đối với người nuôi, để đầu tư nuôi 1ha cá tra cần số vốn từ 6-8 tỷ đồng.

Việc tiếp cận vốn khó khăn (do hết tài sản thế chấp, tài sản là cá nuôi trong ao không được định giá tài sản, cùng với hạn mức cho vay thấp) nên một số người nuôi phải vay bên ngoài với lãi suất 2-4%/tháng, làm giá thành cá nguyên liệu cao hơn.

Người nuôi và doanh nghiệp đang phải chịu thiệt thòi do những quy định của ngân hàng, đó là khi mặt bằng lãi suất tăng thì các ngân hàng thương mại tự điều chỉnh tăng lãi suất, nhưng khi lãi suất giảm thì người vay không được hưởng quyền lợi.

Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Sau sự kiện doanh nghiệp Bình An (nợ nần nhiều – PV), ngân hàng đã mất niềm tin đối với doanh nghiệp và người nuôi cá tra nên siết chặt cho vay đối với hai đối tượng này. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các mục tiêu trung và dài hạn, hậu quả là doanh nghiệp mất tín nhiệm với ngân hàng vì nợ quá hạn không có khả năng chi trả”.

Cần “bơm” 4.400 tỷ đồng

Trước những khó khăn mà người nuôi và doanh nghiệp chế biến cá tra đang gặp phải, Bộ NNPTNT dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất 2 gói tín dụng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra tổng kinh phí khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó 1 gói dành 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ thu mua (thông qua ngân hàng thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho người nuôi), có sự giám sát chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp tỉnh.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg; thuốc thú y tăng 10 – 15%; chi phí giống tăng, nguyên nhiên liệu tăng… nên dù giá cá tra có tăng thì người nuôi vẫn chưa thực sự yên tâm.

 Gói hỗ trợ này đưa ra với mục đích đảm bảo các doanh nghiệp có vốn để thu mua lượng cá nuôi của các hộ nuôi độc lập, dự kiến còn khoảng 150.000 tấn cá tra từ đây đến hết năm. Gói thứ hai dành 2.400 tỷ đồng nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp nuôi cá tra. Thời hạn vay 4-6 tháng và đề nghị Nhà nước hỗ trợ lãi suất chênh lệch ước tính khoảng 80 tỷ đồng.

Gói này sẽ đảm bảo bổ sung vốn để hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp đã đầu tư nuôi cá tra đang gặp khó khăn về vốn. Dự kiến lượng cá nguyên liệu các doanh nghiệp đang tự nuôi và sẽ thu hoạch từ đây đến cuối năm khoảng 400.000 tấn.

Việc “bơm” 4.400 tỷ đồng để “cứu” người nuôi và các doanh nghiệp cá tra chỉ là giải pháp trước mắt. “Giải pháp lâu dài để phát triển cá tra bền vững là cần sớm thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Đồng thời, tổ chức lại xuất khẩu cá tra theo hướng nâng giá xuất khẩu, giảm đầu mối doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường và uy tín sản phẩm của cá tra Việt Nam” – ông Điền nói.

Cũng theo ông, để cá tra Việt Nam có thể phát triển bền vững, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất trong nước theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào (chất lượng con giống, mật độ nuôi, quy trình nuôi, thức ăn…), đáp ứng nhu cầu thị trường, liên kết chuỗi sản xuất theo hướng các bên tham gia cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro.

Theo Đình Thắng ( Dân Việt )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *