Bên bờ hạnh phúc

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), các nhà đầu tư bày tỏ tiếp tục tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam khi kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện bước đầu do Chính phủ kịp thời có những quyết sách đúng hướng.

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) có chủ đề "Từ ổn định đến phục hồi kinh tế” với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã diễn ra ngày 29/5.

Ảnh: VGP/Huy Thắng

 

Được tổ chức trước thềm Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2012, diễn đàn là kênh đối thoại giữa Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và cộng đồng nhà tài trợ nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời, đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm hướng tới sự đồng thuận, từ đó tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong kinh doanh, do chi phí đầu tư liên tục tăng, tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 về một số giải pháp tháo gỡ khó  khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ  thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn khả năng mở rộng phạm vi và quy mô giảm, giãn hoặc hoãn thuế giá trị gia tăng, từ đó giảm giá, kích thích tiêu thụ, có thêm lực cầu, giải tỏa hàng hóa tồn kho.

Còn ông Preben Hjortlund – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (EuroCham) bày tỏ quan ngại về tình hình môi trường kinh doanh và đầu tư và bày tỏ mong muốn tăng cường sự minh bạch hóa để nâng cao hơn nữa dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn việc cấp phép đầu tư tại Việt Nam thuận tiện hơn trong thủ tục và thời gian rút ngắn hơn nữa, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả định hướng thu hút đầu tư  FDI công nghệ cao, cần thực thi hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ, để các các doanh nghiệp nước ngoài đang không e ngại khi chuyển giao công nghệ cao vào Việt Nam.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam- bà Victoria Kwakwa cho rằng tăng trưởng kinh tế nhanh từ nhiều năm qua đã trở thành động lực chính cho việc giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam. Vì vậy, việc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng lớn đến xã hội. Những chính sách thúc đẩy tăng trưởng gần đây của Chính phủ cần tiếp tục hướng tới dài hạn nhiều hơn.

Chính phủ đã có những quyết sách đúng hướng

Tại diễn đàn, nhóm công tác cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và  Bộ Tài chính cho phép tăng tỷ lệ nắm giữ  của nhà đầu tư ngoài tại ngân hàng ở Việt Nam lên trên mức 20% theo quy định hiện hành (riêng đối tác chiến lược có thể tối đa 30%), xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng ngoại, đặc biệt là ngân hàng mới thành lập…

Về vấn  đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã đề cập đến việc tăng giới hạn góp vốn của cổ đông nước ngoài.

Hiện Ngân hàng Nhà  nước đang nghiên cứu, bổ sung và trình dự  thảo thay thế Nghị định số 69 về tổ  chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần. Theo đó, tỷ  lệ góp vốn của nhà đầu tư ngoại sẽ được nới rộng hơn. Riêng việc xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được cơ quan quản lý thực hiện 6 tháng một lần và sẽ lưu ý đến các trường hợp ngân hàng có vốn nước ngoài, mới thành lập nhưng chất lượng hoạt động tốt.

Cũng tại diễn đàn, bên cạnh những khuyến nghị, các nhà đầu tư bày tỏ tiếp tục tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam khi kinh tế vĩ mô đã có những cải thiện bước đầu do Chính phủ kịp thời có những quyết sách đúng hướng, tạo dựng, duy trì được lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn  đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định tình hình kinh tế thế giới năm 2012 được dự  báo còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn thách thức. Do đó, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Phó Thủ  tướng cũng đánh giá cao ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được các bộ, ngành tiếp thu, đưa ra những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư để Việt Nam phát triển theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế bền vững.

Theo Huy Thắng ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *