Bên bờ hạnh phúc

Nghe chuyện về ông đã lâu, hôm nay, chúng tôi mới có dịp qua Long Xuyên thăm ông. Ông là Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Ở An Giang, ông nổi tiếng là người lãnh đạo gắn với nhà nông. 

Ông sinh năm 1946, tại làng Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Nhơn Hưng quê ông là địa phương đã ba lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

 

 

Tịnh Biên là một huyện biên giới sát với nước bạn Campuchia, một nơi vừa có đồng, vừa có núi, lại có dòng kênh Vĩnh Tế nổi tiếng . Xuất thân trong một gia đình nông dân nên từ khi còn nhỏ, ông đã am hiểu nghề trồng lúa. Ông kể, sau này, trong những năm đi kháng chiến, ông cũng làm ruộng trồng lúa để có lương thực nuôi quân. 

Năm 14 tuổi, ông bắt đầu thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến, lúc đầu làm du kích rồi sau đó chuyển sang làm công tác Đảng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2004, ông đã trải qua nhiều vị trí, giữ nhiều chức vụ, trong đó có những cương vị quan trọng như Giám đốc Sở Nông nghiệp, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch tỉnh An Giang. 

Sau này tổng kết lại, ông tự nhận thấy cuộc đời mình đã gắn bó rất sâu sắc – hay nói theo ngôn ngữ của ông là rất có duyên – với người nông dân nói riêng cũng như với  nông nghiệp và các vấn đề về nông thôn . Bắt đầu từ công việc tổ chức cho nông dân khôi phục lại sản xuất sau ngày miền Nam được giải phóng cho đến việc chỉ đạo thực hiện những công trình lớn, có ý nghĩa hệ trọng về lâu dài như chương trình khai phá tứ giác Long Xuyên, công trình thoát lũ kênh Vĩnh Tế, đề án 31 giúp người nông dân vùng lũ cải thiện cuộc sống, vân vân… đều gắn bó hết sức mật thiết với vấn đề tam nông. 

Bạn bè ông kể lại, từ khi ông còn nhỏ, ở làng Nhơn Hưng, người ta đã gọi ông bằng cái tên Vạn sự thông. Gặp gỡ, chuyện trò với ông, cũng không mất nhiều thời gian để cảm nhận rằng ông là người rất thông minh và sâu sắc. Những câu chuyện kể của ông cho thấy, ông trước hết là một người chịu khó quan sát thực tiễn, rồi từ thực tiễn biết rút ra kinh nghiệm để nâng lên thành lý luận, nhận thức. 

Thời kháng chiến, do hay để ý quan sát, ông đã biết người Khmer có giống lúa cao sản có thể cho năng suất cao, sản lượng lớn, cũng như cách thức người Khmer làm đê bao ngăn lũ để trồng lúa trên vùng đất trũng. Chính vì vậy, ngay trong những năm đầu sau giải phóng, được giao nhiệm vụ tổ chức, khôi phục lại sản xuất, nhớ đến những kinh nghiệm học được từ người Khmer, ông chủ trương vận động bà con nông dân làm đê bao ngăn lũ để sản xuất lúa vụ hai. Là vùng đất trũng, xưa kia, nông dân An Giang chỉ quen làm một vụ lúa đông xuân, mùa nước nổi bỏ không. Nhờ việc làm đê bao ngăn lũ, vụ đông xuân 1976, Phú Tân – địa phương nơi ông được giao nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất – đã thành công với lúa hai vụ. Sau đó, Phú Tân trở thành điển hình được nhân rộng trong toàn tỉnh. Năng suất, sản lượng lúa ở An Giang bắt đầu tăng lên, tạo tiền đề cho một nền sản xuất lúa phát triển mạnh mẽ về sau này. 

Tứ giác Long Xuyên chiếm gần 60% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của An Giang. Tuy nhiên, do địa hình thấp, mùa nước lũ thường ngập sâu, bị nhiễm phèn nặng, trước năm 1988, vùng đất này gần như bị bỏ hoang. Đất phèn nước đỏ như nước cốt trầu, cá, chuột sống còn không nổi, muốn trồng lúa thật khó lòng. 

Năm 1988, sau thành công của dự án khai hoang Đồng Tháp Mười, Chính phủ chủ trương khai phá tứ giác Long Xuyên. Nguyễn Minh Nhị được cấp trên chọn giao trọng trách tổng chỉ huy chương trình. Học tập kinh nghiệm khai hoang Đồng Tháp Mười, ông chỉ đạo dùng thủy lợi để dẫn thủy nhập điền, rửa phèn cho đất. 

Mất năm năm mồ hôi nước mắt phục hóa khai hoang, dự án khai phá tứ giác Long Xuyên mới thành công. Thành công đó đã mở ra một thời kỳ mới, một vận hội mới, làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của An Giang. Từ một tỉnh biên giới nghèo nàn, lạc hậu, An Giang  trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực ĐBSCL, góp phần xuất sắc vào việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nâng cao sản lượng lúa xuất khẩu. Đời sống người nông dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Trở lại Tà Đảnh – Tri Tôn, một vùng nông thôn xa xôi, nghèo khó bậc nhất của An Giang ngày xưa. Hôm nay, Tà Đảnh chỉ còn 4% là người nghèo. Con cái nông dân nhiều người đã ăn học thành tài, trong số đó có những người đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. 

Ở tứ giác Long Xuyên, vấn đề chống lũ bằng phương pháp đào kênh thoát lũ cũng là một câu chuyện rất hay khác. Vào mùa mưa, từ Campuchia, lũ xấu tức lượng nước mưa trực tiếp tràn qua và đọng lại ở tứ giác Long Xuyên. Không chỉ gây nên hiện tượng ngập úng, quan trọng hơn, lũ xấu làm cản trở, ngăn không cho tứ giác Long Xuyên nhận được lượng phù sa màu mỡ từ thượng nguồn Mekong theo dòng sông Hậu tràn về. 

Đã sống nhiều năm, thông thuộc địa hình, thủy văn vùng đất này, lại am hiểu lịch sử và nền văn hóa của cha ông, biết suy gẫm sâu xa, ngọn nguồn việc đào kênh dẫn nước của người xưa, Nguyễn Minh Nhị nhận thức rằng, có thể sử dụng phương pháp đào kênh dẫn nước đưa lũ xấu thoát ra biển Tây. Vậy là ý tưởng về công trình thoát lũ ra biển Tây được hình thành. 

Được sự ủng hộ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, vào năm 1996, công trình thoát lũ ra biển Tây bằng hệ thống kênh Vĩnh Tế – T4 – T5 – T6 được khởi động và ba năm sau thì hoàn thành. Thoát khỏi lũ dữ, lại được bồi đắp bởi nguồn phù sa ngọt ngào từ dòng sông Hậu, tứ giác Long Xuyên bây giờ là vùng đất sinh sôi nảy nở những mùa vàng êm ả. 

 

 

Xuất thân từ một vùng đất nghèo khó, từng trải qua cảnh đời nông dân vất vả, thiếu trước hụt sau, Nguyễn Minh Nhị tâm sự, suốt đời,  ông đã luôn đặt mình vào vị trí của người nông dân, suy nghĩ làm thế nào, làm cách gì để có thể giúp người nông dân thay đổi cuộc đời. Những day dứt ấy thấm vào trong tình cảm, suy nghĩ hàng ngày, trở thành tâm nguyện của ông, máu thịt của ông. Cuối cùng, làm gì, đi đến đâu, ông cũng chỉ nghĩ đến người nông dân, nghĩ đến việc góp phần xây dựng và phát triển nền nông nghiệp – nông thôn theo một hình mẫu tiên tiến. 

Nhiều lần đi tham quan nước ngoài, ông luôn chú ý đến cách thức tổ chức sản xuất, tổ chức nông thôn. Ông nói, tổ chức sản xuất nông nghiệp còn quá nhiều chuyện phải làm để có thể ngang bằng và vượt hơn các nước trong khu vực. 

Đề án 31 là sự cống hiến cuối cùng của ông trong thời gian còn tại chức. Xuất phát từ một thực tế là vào mùa nước nổi, nhiều nông dân thiếu công ăn chuyện làm. Không chỉ giảm thu nhập, lẽ thường, nhàn cư vi bất thiện. Từ thực tế đó, ông nghiên cứu đề xuất đề án 31 cho nông dân vay vốn để sản xuất trong mùa nước nổi, hoặc làm lúa – làm màu vụ ba, hoặc đánh bắt cá – nuôi trồng thủy sản, tổ chức các sinh hoạt vui chơi, lễ hội, tạo điều kiện vừa bảo đảm cuộc sống, vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, nhận thức cho người dân. 

Cho đến bây giờ, đã nghỉ hưu, về vui thú điền viên với gia đình, ông vẫn luôn dành một phần tình cảm, sự quan tâm cho những vấn đề của xã hội. Một cách rất giản dị, ông nói, bây giờ ra đường không còn thấy người, kể cả người nghèo, bận áo vá là lòng thấy mừng, thấy vui. Về quê gặp đồng bào dân tộc Khmer biết mang dép, không còn đi chân không cũng cảm thấy sung sướng ở trong lòng.  

Suốt đời, ông đã luôn tin tưởng vào người nông dân, chịu khó lắng nghe, học tập cách người nông dân tổ chức sản xuất, cách họ ứng xử với các hiện tượng thiên nhiên để rút tỉa kinh nghiệm và nâng lên thành lý luận – nhận thức, từ đó tác động trở lại bằng những kiến nghị, nghị quyết, vân vân… 

Dù vậy, sâu thẳm trong tâm hồn, ông luôn nghĩ, trong những thành tựu của An Giang, công lao to lớn nhất thuộc về giai cấp nông dân của quê hương – những người lao động cần cù, chăm chỉ, thông minh, sáng tạo, giàu thực tiễn. 

 

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, ông đã được tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, huân chương Quyết thắng hạng Nhất, huân chương Lao động hạng Nhất.

Trong Bảng ghi công Trường Đại học An Giang tặng ông, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc, cán bộ – giảng viên và sinh viên, Hiệu trưởng trường – Giáo sư – Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân đã viết về ông: "Đồng chí Nguyễn Minh Nhị, một nhà lãnh đạo cương trực, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, đã cống hiến nhiều sáng kiến độc đáo cho sự nghiệp phát triển kinh tế, tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đặc biệt cho An Giang, tạo điều kiện thuận lợi phát triển Đại học An Giang." Những dòng tri ân tuyệt vời nhất mà chúng tôi từng biết. 

Thời gian ngắn ngủi gặp gỡ, chuyện trò, tâm tình với ông đã trôi qua rất nhanh. Thật lòng, chúng tôi cảm thấy rất nuối tiếc vì biết trong con người ông, trong tâm hồn ông còn có bao điều, bao nhiêu câu chuyện chưa khám phá hết. Đó không chỉ là câu chuyện kể về cuộc đời một con người. Trong ông, chúng tôi tìm thấy những vẻ đẹp của cuộc sống. Vào phút chia tay ông, chúng tôi nghĩ đến một câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: 

Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi

Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu. 

Nhớ lại có một lần, ông từng nói, máu thịt của tôi là Long Xuyên, là An Giang. Trong mắt chúng tôi, với An Giang, ông chính là máu thịt của quê hương.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *