Những ngày này, hàng trăm hộ nông dân trồng khoai lang ở ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long thật sự thất vọng  vì giá khoai đang xuống quá thấp. Khác với các năm trước, vào vụ thu hoạch khoai lang năm nay, giá mua tại đồng chỉ còn 180 ngàn – 200 ngàn đồng/ tạ. Với giá này,  nông dân trồng khoai  không có lời,  ngược lại nhiều người còn lỗ nặng, do phải thuê đất để trồng. Theo địa phương, giá khoai lang  rớt thê thảm như thế là do thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tiêu thụ và tìm đủ mọi cách ép giá.

          Năm nay nông dân vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long ồ ạt trồng khoai lang. Theo thống kê của ngành nông nghiệp–PTNT Vĩnh long, vụ khoai năm nay cả tỉnh có hơn  8000 ha, so với kế hoạch tăng trên 2000 ha; chủ yếu trồng tập trung ở huyện Bình tân và Bình minh. Nguyên nhân chính để diện tích trồng khoai lang tăng mạnh trong năm nay, là do  năm vừa rồi giá khoai  khá cao nên người trồng có lãi nhiều. Mặt khác, còn được thương lái Trung quốc đến tận nơi để thu mua khoai xuất khẩu,  nên bà con  rất “ tin tưởng”  làm ăn , mở rộng diện tích.

 

          Một khi diện tích gia tăng đồng nghĩa với sản lượng tăng, thì dễ dẫn đến cung vượt cầu, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Theo bà con cho biết, lâu nay rất ít doanh nghiệp trong nước đứng ra tiêu thụ khoai lang cho nông dân, mà lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái mua hàng để xuất bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chứ không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nên khi đã nắm được đầu ra trong tay, thì nhóm trung gian này sẽ tìm cách ép giá và nông dân phải chấp nhận. Vì không bán cho họ thì  cũng chẳng bán được cho ai. 

          Hiện tại giá khoai lang chỉ  còn vài trăm ngàn đồng/tạ. Cụ thể như  khoai lang tím Nhật  trước đây được các thương lái mua với giá hơn 800 ngàn đồng/ tạ, nhưmg nay chỉ còn 200 ngàn đồng/ tạ; với giá này 1 công khoai chỉ thu được từ 7-8 triệu đồng, trừ chi  phí lỗ  2-3 triệu đồng. Còn nếu hộ nào thuê đất để trồng khoai thì mức lỗ lên đến gần chục triệu đồng

         Không chỉ  bị rớt giá, mà thời gian gần đây trong vùng chuyên canh trồng khoai lang ở Bình Tân, Bình Minh  cũng có rất ít thương lái đến mua khoai, thậm  chí  có lúc thương lái ngưng thu mua. Trong khi đó các ruộng khoai lang trên đồng đang đến kỳ thu hoạch , gây rất nhiều khó khăn cho nông dân. 

          Một nguyên nhân quan trọng nữa, khiến cho giá khoai lang, mà nhất là khoai tím Nhật giảm mạnh là do thương lái Trung quốc thao túng thị trường. Họ ép giá, đưa ra nhiều tiêu chuẩn, chủ yếu chỉ mua khoai nhỏ cở 3 củ/ kg trở xuống để xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, còn khoai lớn thì  không mua hoặc mua với giá rất thấp. Đều này khiến nông dân lâm vào cảnh khốn đốn.

 

          Trong khi đó các doanh nghiệp trong nước hầu như không tham gia vào đầu tư, thu mua khoai lang,còn các hợp  tác xã thì quy mô quá nhỏ không đủ sức cạnh tranh, cho nên mới xảy ra chuyện nông dân trồng khoai bị  ép giá.

         Tại cuộc hội thảo “Xuất khẩu 2012 Cơ hội và triển vọng”được tổ chức vào ngày 18/5/2012 vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp  cho rằng  thị trường Trung quốc có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa.  

          Để ổn định nghề trồng khoai , các ngành chức năng và bà con nông dân phải nên tìm hiểu kỹ đối tác làm ăn với mình, nhất là thương lái Trung Quốc,về thu mua, tiêu thụ sản phẩm khoai lang ra sao,để có hướng xử lý khi gặp “sự cố”. Bên cạnh, cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đứng ra đầu tư và bao tiêu sản phẩm. 

       Tình hình khoai lang rớt giá, ế ẩm đã làm không biết bao nhiêu hộ trồng khoai phải lâm vào cảnh “khóc ròng”. Đây là thất bại caycúngay trên sân nhà của nông dân Vĩnh long nói riêng và cả vùng  ĐBSCL  nói chung, khi tiêu thụ nông sản quá lệ thuộc vào thương nhân Trung quốc. Song,điều đáng ngạc nhiên là hiện vẫn còn nhiều hộ nông dân đang tiếp tục ồ ạt xuống giống vụ khoai mới.  Bởi  theo người dân ở đây thì vùng đất chuyên canh khoai lang này đã có từ lâu đời, nếu bỏ trồng khoai thì cũng không biết trồng cây gì.  Do vậy vấn đề đặt ra là làm sao phải kiểm soát được diện tích khoai lang trên toàn vùng, theo đó sản lượng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu phải đủ, hoặc ít hơn nhu cầu thị trường thì mới mong giữ được giá khoai ổn định. 

        Chiêu thức của thương lái Trung quốc là thời gian đầu liên tục nâng giá nông sản lên cao và đẩy mạnh thu mua,  tạo ra tình trạng thiếu hàng – sốt giá. Nông dân thì bán sản phẩm với giá cao -lời nhiều ; từ đó cả tin, sản xuất  ồ ạt  để cung vượt quá cầu thì quay lại ép giá.  Sự việc này đã quá rõ ràng, tuy nhiên vấn đề đang đặt ra là vai trò quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền ra sao,  khi thương lái  “tự tung tự tác”  thao túng thị trường. Cần sớm có những động thái và giải pháp cụ thể của các ngành  chức năng,  để sớm giúp nông dân tháo  gỡ khó khăn.

        Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *